Trung Quốc phải cho Mỹ thấy sức mạnh của "bậc thầy Kung Fu"
Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP - Hồng Kông) dẫn lời ông Wei Jianguo, cựu Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc - người từng phụ trách lĩnh vực ngoại thương, cho biết Trung Quốc còn sở hữu rất nhiều chiêu bài để lựa chọn, và đã chuẩn bị sẵn sàng một kế hoạch khẩn cấp nhằm đối phó với tình trạng căng thẳng thương mại leo thang.
"Trung Quốc sẽ không chỉ dùng sức mạnh của bậc thầy Kung Fu để đối phó với Mỹ, mà sẽ dùng cả sức mạnh của một võ sĩ quyền anh dày dặn kinh nghiệm, và gửi tới Mỹ một cú đấm chí tử vào hồi kết [của cuộc chiến]", ông Wei trả lời tờ SCMP.
Cũng theo lời vị cựu Thứ trưởng thương mại, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã sẵn sàng để đi tới cùng trong cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Theo đó, các loại nông sản Mỹ tất nhiên sẽ là mục tiêu hàng đầu cho đòn trả đũa của Trung Quốc, đặc biệt là lúa mì, ngô và thịt lợn, ông Wei nói. Những mặt hàng này sẽ trực tiếp ảnh hưởng tới thành phần không nhỏ các cử tri ủng hộ Tổng thống Mỹ Donald Trump khi ông này tái tranh cử năm 2020, những người đặt kỳ vọng vào chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc.
Cựu Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Wei Jianguo. Ảnh: Handout
"Trung Quốc không chỉ có năng lực và quyết tâm, mà còn sẵn sàng chiến đấu trong một cuộc chiến trường kỳ [với Mỹ]", theo cựu Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc. "Những người có quyền ra quyết định đã hiểu thấu toàn bộ các kiểu hành vi của Mỹ trong đàm phán thương mại."
Bắc Kinh còn có thể nhắm đến các mặt hàng khác như máy bay và xe nhập khẩu Mỹ, khiến các mặt hàng này khó vào thị trường Trung Quốc hơn, ông Wei cho biết.
Trước đó, tập đoàn máy bay Boeing được dự đoán sẽ hưởng lợi từ thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung, bởi Trung Quốc được cho là đang chuẩn bị mua 100 máy bay của Boeing, có tổng trị giá 10 tỉ USD, nhằm thỏa mãn yêu cầu của Mỹ về việc thu hẹp mức thâm hụt thương mại.
Trung Quốc còn có thể vươn xa hơn nữa và đánh vào lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là trong các ngành tài chính, du lịch và văn hóa, ông Wei bình luận. Từng có ý kiến nhận định rằng một thỏa thuận thương mại sẽ thúc đẩy Trung Quốc mở cửa, tự do hóa một số thị trường dịch vụ, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính.
Ông Wei cảnh báo rằng Washington đã mắc một sai lầm chiến lược khi gia tăng mức thuế nhập khẩu từ 10% lên 25% đối với số hàng hóa trị giá 200 tỉ USD của Trung Quốc vào thứ 6 tuần trước (10/5). Động thái này có thể sẽ phản tác dụng, bởi chiêu bài "gây áp lực tối đa" của Mỹ sẽ không thể khiến Trung Quốc đầu hàng, ông này khẳng định.
"Nếu Mỹ không nhận ra sai lầm của mình, thì họ sẽ tạo ra những vấn đề mang tính lịch sử", ông Wei nhấn mạnh.
Ông Wei Jianguo từng là Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc từ năm 2003-2008, trước đó ông từng là Thứ trưởng Bộ Ngoại thương và Hợp tác Kinh tế, tiền thân của Bộ Thương mại Trung Quốc. Hiện nay ông Wei là Phó Chủ tịch Trung tâm Trao đổi Kinh tế Quốc tế của Trung Quốc, một viện nghiên cứu do chính phủ quản lý.
Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC). Ảnh: Simon Song
Các nhà nghiên cứu cũng đã dự báo rằng một quy trình xét lại an ninh quốc gia đối với đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc có thể sẽ cho phép Bắc Kinh đóng băng khoản đầu tư của Mỹ trên quy mô rộng chưa từng có nhằm trả đũa Washington.
Tại Trung Quốc, "an ninh kinh tế" đã trở thành vấn đề ưu tiên trong chương trình nghị sự của chính phủ nước này, sau khi Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) ra thông báo rằng họ bắt đầu chấp nhận các đơn yêu cầu xét lại an ninh quốc gia đối với các khoản đầu tư nước ngoài.
Washington cũng đã sử dụng "an ninh quốc gia" làm cái cớ để áp đặt thuế quan đối với các mặt hàng như nhôm và thép, và họ đang cân nhắc tới việc sử dụng cái cớ này để tăng mức thuế đối với ngành công nghiệp ô tô toàn cầu.
Mỹ quyết định "chơi lớn", ép Trung Quốc đến đường cùng?
Cuối tuần trước, Tổng thống Trump và đội cố vấn của ông đã lên mạng xã hội và các bản tin truyền hình để bảo vệ quyết định áp thuế mới nhất đối với hàng hóa Trung Quốc, bắt đầu có hiệu lực từ 12h01 ngày thứ 6 (10/5).
"Chúng ta [Mỹ] phải thay đổi mối quan hệ thương mại giữa hai nước vì lợi ích của nước Mỹ, của những người lao động, nông dân Mỹ... Chúng ta phải làm điều này", cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow trả lời trong một cuộc phỏng vấn với đài Fox News. "Quan hệ giữa hai nước quá bất cân bằng".
Tuy nhiên, phát biểu ông Kudlow cũng có điểm khác biệt so với những lời khẳng định trước đó của Tổng thống Trump rằng các nhà xuất khẩu của Trung Quốc là người phải trả thuế quan: "Thực tế là cả hai phía đều sẽ phải trả giá. Cả hai phía đều sẽ phải trả giá vì chuyện này".
Cá nhân ông Trump cũng đã tận dụng mạng xã hội Twitter để "mắng té tát" Trung Quốc. Ông tuyên bố Trung Quốc đã "phá vỡ thỏa thuận", và Mỹ sẽ "nhận về hàng trăm tỉ USD tiền thuế từ Trung Quốc", đồng thời kêu gọi các nhà sản xuất Mỹ rời bỏ Trung Quốc và trở về quê hương, "nơi họ không hề phải đóng thuế".
Hôm thứ 6 (10/5) vừa qua - theo giờ Washington, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã phát đi một thông cáo xác nhận mức thuế nhập khẩu đối với 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc đã chính thức tăng lên 25%, đồng thời cho biết Tổng thống Trump "đã yêu cầu chúng tôi bắt đầu quá trình tăng thuế đối với tất cả số mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc còn lại, tương đương 300 tỉ USD hàng hóa theo số liệu của chúng tôi".
"Chi tiết về quá trình này sẽ được đăng tải trên trang web của USTR vào thứ 2 (13/5), khi chúng tôi bắt đầu tiến hành các thủ tục", theo thông cáo của USTR.