Trước đó, xuất hiện nhiều thông tin khẳng định các vết nứt ở hầm Hải Vân xuất hiện kể từ thời điểm ngày 11/7. Đây là thời gian hầm Hải Vân đóng cửa 30 phút/ngày để nổ mìn thi công hầm đường bộ Hải Vân 2.
Theo quan sát của PV, các vết nứt chạy dài và có thể quan sát bằng mắt thường ở phần vỏ của hầm Hải Vân.
Ban quản lý dự án hầm đường bộ Hải Vân cho biết, những vết nứt trên được các chuyên gia nhận định"đây là các vết nứt vật lý".
Các vết nứt xuất hiện ở phần bê tông vỏ hầm không phải là kết cấu chịu lực. Việc xuất hiện vết nứt là do các vấn đề của vật liệu như co ngót bê tông, tác động của thay đổi nhiệt độ môi trường.
Ban quản lý dự án hầm đường bộ Hải Vân khẳng định những vết nứt này không liên quan đến việc nổ mìn
"Các vết nứt này đã được các cơ quan quản lý ngành giao thông và đơn vị trực tiếp quản lý vận hành thường xuyên theo dõi và báo cáo các cấp có thẩm quyền.
Cục Quản lý đường bộ III (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) đã có kết luận "tình trạng nứt của hầm Hải Vân vẫn đảm bảo an toàn cho giao thông trong hầm và trong tầm kiểm soát", ông Đỗ Văn Nam, Giám đốc Công ty cổ phần Đèo Cả - Đơn vị vận hành và quản lý hầm đường bộ Hải Vân cho biết.
Ông Nam cũng cho hay Công ty cổ phần Đèo Cả đang nổ mìn thi công hầm đường bộ Hải Vân 2. Việc nổ mìn theo tiêu chuẩn Nhật Bản, giảm thiểu rung chấn và không gây ảnh hưởng đến hầm Hải Vân.
"Việc nổ mìn đều trong tầm kiểm soát, không gây hư hại hầm và thiết bị máy móc trong hầm Hải Vân.
Các đợt nổ mìn đang chỉ được thực hiện tại phía Bắc hầm Hải Vân 2 và chưa tiến hành thi công nổ mìn phía Nam hầm Hải Vân 2.
Do đó thông tin nổ mìn gây ra các vết nứt ở phía nam hầm Hải Vân là hoàn toàn không chính xác", ông Nam nói.