Thực hư thông tin cây sưa được rao bán với giá 50 tỷ đồng ở Bắc Ninh

Hoàng Đan |

Theo lãnh đạo UBND huyện Thuận Thành (Bắc Binh), tuy có người ký hợp đồng với thôn mua cây sưa 200 tuổi với giá 49 tỷ đồng nhưng sau vài năm đến nay, chưa hề nộp tiền.

Tại sao cây sưa rao bán 50 tỷ chỉ đấu giá 24,5 tỷ đồng?

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tiến Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Thuận Thành (Bắc Ninh), cho biết, huyện đã có quyết định tạm dừng khai thác cây sưa từng được rao bán 50 tỷ đồng tại đình làng Đông Cốc, xã Hà Mãn sau vụ ẩu đả vào ngày 7/12, khiến một người dân bị chảy máu đầu.

Cụ thể, ngày 7/12, UBND xã Hà Mãn đã tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch hạ giải cây sưa tại đình làng Đông Cốc để giao người trúng đấu giá. Khi hội nghị vừa bắt đầu thì xuất hiện một số đối tượng gây rối, ẩu đả dẫn đến xô xát, gây mất an ninh trật tự, vì vậy hội nghị đã phải tạm hoãn.

Để đảm bảo tình hình an ninh trật tự, UBND xã Hà Mãn đã báo cáo UBND huyện Thuận Thành và công an huyện về việc tạm dừng khai thác cây sưa theo kế hoạch, đồng thời, tổ chức khai thác vào thời điểm thích hợp.

Ngay trong ngày 7/12, Thường trực Huyện ủy Thuận Thành đã tổ chức Hội nghị mở rộng và ngày 8/12, UBND huyện đã ra văn bản chỉ đạo số 859/CV-UBND, yêu cầu UBND xã Hà Mãn chỉ đạo tạm dừng khai thác cây gỗ sưa tại đình làng Đông Cốc.

Đồng thời chỉ đạo Công an huyện điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật, ẩu đả, gây rối tại hội nghị tiếp dân.

Thực hư thông tin cây sưa được rao bán với giá 50 tỷ đồng ở Bắc Ninh - Ảnh 1.

Ảnh cây sưa 200 tuổi tại đình làng thôn Đông Cốc. Ảnh: Cao Nguyên.

Về thông tin cho rằng, người dân bức xúc về việc có người ký hợp đồng với thôn trả giá gần 50 tỷ đồng nhưng xã bán đấu giá chỉ được hơn 24 tỷ đồng, từ đó dẫn đến mâu thuẫn, ẩu đả, lãnh đạo UBND huyện Thuận Thành đã có những thông tin chính thức:

Theo đó, cây sưa 200 tuổi nằm trong khuôn viên đình Đông Cốc là một di tích đã được xếp hạng, hơn nữa đây là loại cây nằm trong sách đỏ, muốn khai thác và sử dụng phải được sự đồng thuận, cho phép của các cấp có thẩm quyền.

Giải thích cụ thể hơn, ông Nguyễn Xuân Đương, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Thành cho hay, trước đó Ban quản lý thôn Đông Cốc đã không xin phép các cơ quan chức năng của xã, huyện, tự ý ký hợp đồng bán cây sưa này cho một người phụ nữ tên là Nguyễn Thị Hợp với giá 49 tỷ đồng.

Tuy nhiên, hợp đồng theo kiểu "xí phần" này đã ký được vài năm nay nhưng bà Hợp này lại chưa hề nộp tiền.

Khi các cơ quan chức năng cho phép chặt hạ, đấu giá cây sưa và UBND xã Hà Mãn thực hiện thành công đấu giá với mức giá 24,5 tỷ đồng, thì bà Hợp đến đòi quyền sở hữu cây sưa và nói có hợp đồng.

Nhưng sau đó, dù quyền địa phương đã họp, nhiều lần mời bà Hợp đến nộp tiền song đều lấy lý do không đến và đến nay không liên lạc được.

Chủ tịch UBND xã Hà Mãn Nguyễn Văn Hiến khi trao đổi cũng khẳng định, đã nhiều lần xuống họp với người dân và nêu rõ, hợp đồng trên là trái quy định pháp luật, bởi thôn không được phép bán tài sản khi chưa được các cơ quan chức năng cho phép.

Còn theo người dân ở đây, thì từ trước năm 2013, không riêng người phụ nữ này mà một số người khác đã đến tìm hiểu, mua cây sưa này, thậm chí có người đã đặt tiền nhưng sau đó, vì những lý do khách quan nên không mua được.

Cây sưa 200 tuổi đang chết dần...

Theo thông tin chúng tôi có được, khoảng năm 2011, các cụ bô lão, ban quản lý thôn Đông Cốc có đề xuất việc bán cây sưa trên để trùng tu lại đình, xây dựng nông thôn mới, xây dựng các công trình phúc lợi…

Phía UBND xã đã có đề xuất và làm tờ trình gửi lên huyện, tỉnh để có ý kiến trả lời cụ thể.

Sau đó, việc bán không được thực hiện và cây sưa 200 tuổi này bị héo úa, chết dần nên UBND huyện Thuận Thành đã có công văn gửi các cơ quan chức năng về việc xã Hà Mãn xin hạ giải để lấy mặt bằng thực hiện dự án tu bổ tôn tạo di tích đình làng Đông Cốc.

Sau đó, các cơ quan chức năng đã có công văn gửi UBND tỉnh về việc thống nhất hạ giải cây.

Ngày 19/1, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có công văn số 157/UBND-NN đồng ý cho địa phương hạ giải cây sưa này và ngày 11/4, UBND huyện Thuận Thành ra công văn số 256/CV-UBND đồng ý cho UBND xã Hà Mãn, thôn Đông Cốc tổ chức hạ giải cây.

Ngày 29/4/2016, UBND xã Hà Mãn đã phối hợp với cấp ủy, Ban quản lý thôn và các đoàn thể thôn Đông Cốc khảo sát, đánh giá hiện trạng, kích thước cây sưa.

Thôn Đông Cốc đã họp có sự tham gia của cấp ủy chi bộ, ban quản lý thôn, các chi hội, đoàn thể, đại diện các dòng họ thống nhất, nhất trí giao UBND xã Hà Mãn làm chủ sở hữu cây sưa để thực hiện hạ giải theo đúng quy định.

UBND xã Hà Mãn đã thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc bán đấu giá cây sưa và đến ngày 1/8 tổ chức bán đấu giá thành công cây với giá 24,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tại cuộc họp ngày 11/8, người dân cho rằng không biết gì về việc bán đấu giá này và đã hợp đồng bán 49 tỷ nhưng UBND xã lại bán đấu giá có 24,5 tỷ đồng. Người dân cũng phản ứng về cách làm không dân chủ của xã, dẫn đến việc chặt hạ bị tạm hoàn.

Sau gần 3 tháng hoãn, ngày 7/12, UBND xã đã tổ chức hội nghị tiếp dân với đầy đủ các thành phần để quyết định việc chặt hạ cây sưa 200 tuổi này. Tuy nhiên, khi hội nghị mới diễn ra thì đã có một số đối tượng quá khích, gây rối, ẩu đả dẫn đến việc phải tạm hoãn.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại