Thừa hưởng hàng loạt xung đột và chiến sự, đâu là lối thoát cho Trump ở Trung Đông?

Linh Nguyễn |

Trong bối cảnh chuyển giao quyền lực, lực lượng Mỹ tại các mặt trận tiếp tục chiến đấu trong màn sương mù hoang mang trước các dự tính quân sự tiếp theo của Trump.


Tổng thống đắc cử Trump chuẩn bị nhậm chức trong bối cảnh xung đột nổ ra khắp nơi trên toàn thế giới. Tuy nhiên, không ai biết Trump sẽ tiếp quản các mối xung đột này ra sao. 

Liệu ông sẽ đưa thêm đội đặc nhiệm tới Iraq, gửi thêm quân sang Syria, tiếp tục ở lại Afghanistan, xoa dịu Thổ Nhĩ Kỳ hay tiếp tục hỗ trợ người Kurd tại Syria?

Tình hình tại Syria vẫn đang sôi sục; cuộc nội chiến không có dấu hiệu gì cho thấy sẽ sớm kết thúc. Chính sách "Loại trừ Assad" nhiều khả năng sẽ không còn nữa, trong khi Nga đã chiến thắng với quyết định hỗ trợ chính phủ Syria. 

Hiện tại Tổng thống Assad đã trải qua nhiệm kỳ dài hơn Obama, và thậm chí có khả năng vượt qua cả Trump. Đã có một số đàm phán xoay quanh việc chuyển giao quyền lực tại Syria khi chiến tranh kết thúc, nhưng dường như ngày đó vẫn quá xa vời. 

Câu hỏi gấp rút nhất là liệu Trump sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách của Obama, hay sẽ quyết định chuyển hướng. Liệu ông có tiếp tục để cho các phe phái giao tranh, rồi kết hợp với lực lượng "lẩu thập cẩm" của phe nổi dậy để đạt được mục tiêu đã tuyên bố - trong trường hợp này là lật đổ Nhà nước Hồi giáo (IS)?

Hiện tại, Mỹ đang phối hợp với lực lượng người Kurd tại Syria, được giới lãnh đạo lực lượng đặc nhiệm Mỹ đánh giá là hiệu quả và tinh nhuệ. Tuy nhiên sự kết hợp này lại khiến Thổ Nhĩ Kỳ giận dữ, do nước này coi các lực lượng có liên quan đến người Kurd ly khai là hoạt động chống lại chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ. 

Theo DefenseOne, Ankara đã thẳng thừng phản đối các đồng minh trên chiến trường của Mỹ, và thậm chí còn đề xuất cấm không cho Mỹ tiếp tục sử dụng căn cứ không quân Incirlik thuộc Adana, Thổ Nhĩ Kỳ. 

Từ trước đến nay, Mỹ vẫn xoa dịu được Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng vẫn chưa rõ liệu liên minh do Mỹ dàn xếp để chống lại ISIS có giữ vững trước thềm chiến dịch tấn công ISIS tại Raqqa, thủ đô của Nhà nước Hồi giáo tự xưng hay không. 

Về phần mình, Ankara dự đoán một số thay đổi diễn ra khi Trump chính thức nắm quyền. Phát ngôn viên Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ trả lời truyền thông Pháp: "Tôi cho rằng chính quyền Trump sẽ để tâm hơn đến những quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề này (Incirlik)."

Trong khi đó, cuộc chiến tại Afghanistan vẫn chưa đi đến hồi kết. Gần đây, Tổng thống Obama đã thừa nhận rằng "Afghanistan vẫn tiếp diễn". 

Khi người dân Afghanistan xuống đường biểu tình chống ISIS hồi đầu tuần qua, một quan chức chống khủng bố cho hay Nhà nước Hồi giáo đã xuất hiện tại ít nhất 11 trong số 34 tỉnh thành tại Afghanistan. Mục tiêu của chúng là gây chia rẽ trong cộng đồng dân chúng.

Không lâu nữa, Trump sẽ phải quyết định sẽ can thiệp vào tình hình Afghanistan ở mức độ nào.

Vì Trump đã tuyên bố phản đối việc Mỹ can thiệp vào chiến sự và xây dựng đất nước của quốc gia khác, nhưng lại thề sẽ tiêu diệt ISIS, không ai có thể khẳng định ông sẽ chọn mục tiêu nào. 


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại