Thủ tướng yêu cầu không chúc tết Thủ tướng, lãnh đạo Chính phủ

PV |

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: "Tôi yêu cầu không chúc Tết Thủ tướng, lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành. Yêu cầu các tỉnh không về Hà Nội chúc Tết".

Trong 2 ngày (28 và 29/11/2016), tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2016.

Thảo luận các biện pháp thực hiện lời hứa trước Quốc hội

Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV vừa kết thúc, Chính phủ đã trình Quốc hội 45 báo cáo. Những vấn đề mà Chính phủ đưa ra đã được Quốc hội thảo luận, thống nhất thông qua với sự nhất trí cao.

Trên cơ sở này, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận, góp ý hoàn thiện dự thảo các nghị quyết của Chính phủ về chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch năm 2017 trên tinh thần chủ động ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm 2017 và phải thực sự bắt tay ngay vào công việc, không để tình trạng "tháng Giêng là tháng ăn chơi" mà nhiều người hay nói.

Thủ tướng cũng đề nghị các thành viên Chính phủ thảo luận các biện pháp thực hiện lời hứa trước Quốc hội tại phiên chất vấn với tinh thần lời nói phải đi đôi với hành động.

Đồng thời thảo luận về những vấn đề nổi lên để có phản ứng chính sách kịp thời, không để ảnh hưởng đến kế hoạch năm 2016 và đặc biệt là quý I/2017 trong đó có vấn đề về tỷ giá hay một số tồn tại mà Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đưa ra sau khi kiểm tra tại một số bộ, ngành; việc thực hiện hiệu quả các giải pháp xử lý nợ xấu, nợ công; giải quyết doanh nghiệp thua lỗ, các ngân hàng yếu kém;…

Nhấn mạnh chỉ còn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý các thành viên Chính phủ có các biện pháp triển khai ngay nhiệm vụ chăm lo Tết cho đồng bào, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lụt để công tác này được chủ động hơn, việc chăm lo cho đời sống nhân dân được tốt hơn.

Đặc biệt, Thủ tướng chú ý: "Ngay trong dịp Tết nguyên đán sắp tới, tôi đề nghị tất cả hệ thống hành chính không chúc Tết lãnh đạo, không biếu xén, không phong bao, phong bì.

Tôi yêu cầu không chúc Tết Thủ tướng, lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành. Yêu cầu các tỉnh không về Hà Nội chúc Tết. Ở các địa phương cũng vậy. Cần thực hiện nghiêm việc này. Chính phủ cần làm gương, từng đồng chí thành viên Chính phủ thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng".

Kính tế tiếp tục phục hồi

Thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2016, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động phức tạp và tình hình đất nước còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng nền kinh tiếp tục phục hồi và tăng trưởng.

Sản xuất công nghiệp có chuyển biến, nhiều ngành công nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước...

Các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng cơ bản được đảm bảo và khá ổn định; dự trữ ngoại hối và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng. 

Các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, lao động, việc làm, y tế và các lĩnh vực xã hội khác được chú trọng và đạt nhiều kết quả tích cực; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững;…

Bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, các thành viên Chính phủ cũng nhận định nền kinh tế nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Các cân đối lớn của nền kinh tế chưa thật vững chắc; tiến độ thu ngân sách đạt thấp, nhất là thu ngân sách Trung ương; buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng chưa được xử lý dứt điểm; hoạt động của doanh nghiệp còn khó khăn.

Đời sống một bộ phận người dân ở các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng thiên tai, bão lũ, hạn hán, xâm nhập mặn, vùng bị ô nhiễm môi trường, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn;…

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu từng thành viên Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải quyết tâm hành động, đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể; nói đi đôi với làm; tăng cường kỷ luật kỷ cương; tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ, nỗ lực phấn đấu thực hiện đạt cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2016 và triển khai quyết liệt kế hoạch 2017 ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm.

Văn phòng Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, rà soát kỹ, xây dựng các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng giao các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện trong đó nêu rõ cơ quan chủ trì, thời gian thực hiện, hoàn thành từng nhiệm vụ cụ thể.

Đề cập đến kinh tế vĩ mô, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan trong chỉ đạo điều hành từng lĩnh vực, phải theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế và trong nước để có phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời để bảo đảm ổn định vĩ mô, ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát không quá 5%.

Thủ tướng cũng yêu cầu đôn đốc, thu hồi nợ đọng thuế; tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu NSNN, chuyển giá; triệt để tiết kiệm chi ngân sách, chi đầu tư và chi thường xuyên, nhất là kinh phí họp, tiếp khách, đi công tác trong nước, nước ngoài, sử dụng xe công,…

Việc xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu; thúc đẩy đàm phán với các nước để tháo gỡ các hàng rào kỹ thuật; xây dựng phương án, đối sách ứng phó về xuất nhập khẩu trước những diễn biến khó lường của thương mại quốc tế và khu vực cũng cần phải đẩy mạnh.

Các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến giá cả, các mặt hàng thiết yếu để có các giải pháp phù hợp; triển khai chương trình bình ổn thị trường trong dịp Tết. Tiếp tục các triển khai mạnh mẽ các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, giải quyết kịp thời các kiến nghị của doanh nghiệp.

Đề cập đến công tác bảo vệ môi trường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, phải thẳng thắn nhìn nhận tình trạng ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường diễn ra ở nhiều nơi; Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành, địa phương liên quan phải kịp thời rà soát; đánh giá, chấn chỉnh kịp thời, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sai phạm.

Người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm

Về an toàn thực phẩm, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan chức năng, đặc biệt là các địa phương phải tập trung xử lý ngay những vấn đề bức xúc, nhất là về vật tư nông nghiệp giả, sử dụng trái phép hóa chất trong sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ thực phẩm; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm chính trên phạm vi địa bàn; tăng cường phối hợp; thông tin truyền thông; phát huy vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội và người dân trong giám sát an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục tập trung quán triệt tinh thần của Chính phủ về quyết tâm xây dựng bộ máy hành chính nhà nước liêm chính, trong sạch, hiệu lực hiệu quả, kỷ luật kỷ cương; kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ, công chức tiêu cực, nhũng nhiễu, không chấp hành kỷ luật kỷ cương.

Chỉ đạo quyết liệt triển khai các giải pháp phòng chống tham nhũng; trong đó tập trung vào hoàn thiện thể chế, không để kẽ hở cho tham nhũng; phân cấp, phân quyền gắn với kiểm soát quyền lực, xóa bỏ cơ chế xin-cho; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường công khai minh bạch.

Đồng thời Thủ tướng cũng yêu cầu chống mọi hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực; triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong toàn xã hội; quản lý chặt chẽ chi tiêu NSNN, mua sắm và sử dụng tài sản công, xe ô tô công, tiếp khách, tổ chức hội nghị, hội thảo, đi công tác trong và ngoài nước…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại