"Ngày trước tôi nói "Hà Nội không vội được đâu", giờ câu ấy lạc hậu rồi", Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ tại Hội nghị "Hà Nội 2020 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển" sáng 27/6.
Thủ tướng nhìn nhận Hà Nội của ngày nay đã tích cực đối thoại, tháo gỡ, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế phát triển.
Thủ tướng cho rằng với vị thế mới của mình, Hà Nội giờ đây không nên chỉ khiêm tốn với định nghĩa trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của Việt Nam nữa.
"Theo dòng lịch sử của Việt Nam hơn 1.000 năm kể từ năm 1010, khi vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long, vùng đất Hà Nội vốn đã là kinh đô, là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của Nhà nước Đại Việt qua các triều Lý, Trần, Hậu Lê".
Mục tiêu của Hà Nội phải vươn tầm cạnh tranh với các thành phố trong khu vực như Bangkok, Kuala Lumpur, Jakarta, Manila, Thượng Hải...
Với tầm nhìn ấy, Hà Nội không còn đặt mục tiêu ganh đua với các địa phương khác trong nước. Thủ tướng cho rằng mục tiêu của Hà Nội phải vươn tầm cạnh tranh với các thành phố trong khu vực như Bangkok, Kuala Lumpur, Jakarta, Manila, Thượng Hải... đến năm 2045.
Làm sao để Hà Nội hiện thực hóa được tầm nhìn đó? Theo Thủ tướng, câu trả lời trước hết là Hà Nội phải gây dựng được 3 yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa".
Về thiên thời, Hà Nội phải có chất lượng thể chế tốt, tranh thủ cơ chế đặc thù mà Hà Nội đang có như Luật Thủ đô, Nghị định 63/2017/NĐ-CP của Chính phủ, đặc biệt là nghị quyết mới đây của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với Hà Nội... Đây là những hành lang pháp lý vô cùng quan trọng để Hà Nội khai thác tiềm năng, phát huy thế mạnh, là động lực giúp Hà Nội phát triển nhanh, bền vững.
Bên cạnh đó, Hà Nội cần tận dụng thời cơ thị trường chủ động hơn nữa tìm các mô hình phát triển mới, tận dụng các cơ hội thị trường và xu hướng chuyển dịch chuỗi giá trị toàn cầu, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đang mở ra.
"Tôi đề nghị chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp, mọi thành phần kinh tế nắm bắt và tận dụng triệt để các chính sách đặc thù này như một yếu tố thiên thời hiếm có của Hà Nội. Chưa bao giờ có nhiều thể chế tốt cho Hà Nội như lúc này", Thủ tướng nhận định.
Về địa lợi, Hà Nội phải tận dụng tối đa lợi thế địa chính trị, kinh tế của Việt Nam, hẹp hơn là Vùng Thủ đô. Theo đó, Hà Nội phải liên kết hợp tác vùng, xem các địa phương là đối tác, không phải là đối thủ cạnh tranh.
Mỗi địa phương trung Vùng Thủ đô có một lợi thế so sánh nên cần phải hợp tác chặt chẽ, chia sẻ cơ hội và nguồn lực để cùng phát triển. Để phát huy yếu tố địa lợi, Hà Nội cần tổ chức quy hoạch không gian kinh tế một cách hợp lý, kết nối hiệu quả với các địa phương trong Vùng Thủ đô.
Về nhân hòa, Hà Nội phải có được "cổ đông chiến lược" để cùng đồng hành với chiến lược của mình.
"Đó chính là các doanh nghiệp tốt, người giàu, người giỏi, đặc biệt các giới khoa học, công nghệ. Chính vì vậy, Hội nghị hôm nay là cơ hội để Hà Nội tìm "cổ đông chiến lược" cho mình, đồng thời cũng là cơ hội để các doanh nghiệp đặt niềm tin vào gây dựng sự nghiệp ở vùng đất rồng bay này. Đây có thể nói là yếu tố "nhân hòa"", Thủ tướng nói.
"Tôi tin tưởng trong tương lai không xa, Hà Nội sẽ không còn được định nghĩa là trung tâm - kinh tế -chính trị - văn hoá - khoa học - giáo dục của Vùng Thủ đô hay của Việt Nam nữa, mà Hà Nội tự tin định vị mình là một trong những trung tâm của khu vực Đông Nam Á và Đông Á".