Trung Quốc sẽ phải trả "giá đắt" trong vài thập kỷ tới vì đã có động thái gây hấn quân sự đối với Ấn Độ ở khu vực phía Đông cao nguyên Ladakh, vì điều này sẽ khiến Bắc Kinh bị cô lập trên quy mô toàn cầu - báo Times of India trích dẫn bình luận của các chuyên gia về các vấn đề chiến lược.
Theo lời các chuyên gia này, Trung Quốc sẽ phải trả cái giá "khổng lồ" về kinh tế cho những động thái của mình ở khu vực Đông Ladakh, bởi những diễn biến tại nơi này đã góp phần "phơi bày bộ mặt thật" của Bắc Kinh khi cả thế giới đang bận chiến đấu với đại dịch COVID-19.
Times of India cho biết các chuyên gia của Ấn Độ cũng đã đề cập tới những vấn đề khác liên quan tới Bắc Kinh như chuyện Biển Đông, cuộc chiến thuế quan của Trung Quốc với Mỹ, căng thẳng leo thang giữa Trung Quốc và Australia trong các vấn đề thương mại và tình hình ở Hồng Kông đang có những diễn biến theo chiều hướng xấu sau khi dự luật an ninh quốc gia được Quốc hội Trung Quốc thông qua.
"Trung Quốc đã phạm một sai lầm rất lớn khi tiến hành những động thái gây hấn quân sự [với Ấn Độ] ở Đông Ladakh. Bằng cách "châm ngòi" cuộc đối đầu này trong khi cả thế giới đang chiến đấu với đại dịch COVID-19, bộ mặt thật Trung Quốc đã bị phơi bày trên quy mô toàn cầu", cựu Phó Tham mưu trưởng Quân đội Ấn Độ, Trung tướng Gurmit Singh, bình luận.
Vị Trung tướng này nói thêm: "Trung Quốc sẽ phải trả cái giá đắt. Rất đắt. Họ sẽ phải tiếp tục trả cái giá này thêm vài thập kỷ nữa vì đã khiến các binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng hôm 15/6 ở thung lũng Galwan. Trung Quốc đã đánh mất thiện chí ở Ấn Độ và những nước khác".
Nói về vụ đụng độ chết người hôm 15/6 ở thung lũng Galwan, Trung tướng Singh nhấn mạnh quan điểm rằng lực lượng Giải phóng Quân Nhân dân Trung Quốc (PLA) chỉ là một "lực lượng chính trị" và không tuân thủ các tiêu chuẩn quân sự.
Trong khi đó, cựu Phó Tham mưu trưởng Quân đội Ấn Độ, Trung tướng Subrata Saha, cũng đồng tình với ý kiến trên, và khẳng định Trung Quốc sẽ bị cô lập vì những động thái gây hấn quân sự "không thể chấp nhận được", và Bắc Kinh sẽ phải trả giá về ngoại giao và kinh tế cho điều đó.
"[Trung Quốc] đang tự dồn mình vào chân tường", ông Saha nói.
Dẫn chứng cho lập luận của mình, Trung tướng Saha đã đề cập tới những quan ngại của quốc tề về tình hình ở Hồng Kông, Biển Đông và Biển Hoa Đông, cũng như cuộc thương chiến của Mỹ-Trung Quốc và xung đột thương mại ngày càng trầm trọng giữa Australia và quốc gia châu Á này.
Mời quý độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus: