Ngày 7-2, Bộ Công Thương đã tổ hội nghị tham tán thương mại năm 2018 . Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự hội nghị .
Phải xóa tư tưởng “hy sinh đời bố củng cố đời con”
Phát biểu tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những đóng góp của ngành công thương và các tham tán, thương vụ Việt Nam đối với sự phát triển của đất nước.
Trong đó phải kể đến các kỷ lục như kim ngạch thương mại 2017 là 425 tỉ USD, xuất khẩu của Việt Nam đạt 214 tỉ USD; các chỉ số kinh tế vĩ mô tốt hơn, có lợi cho nhà đầu tư và xuất khẩu…
Trong tiến trình hội nhập quốc tế, hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đã có nhiều đóng góp tích cực, trong đó nổi bật là thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam, nhất là đã đưa được các mặt hàng nông sản, hoa quả đặc trưng của Việt Nam tiếp cận các nước.
Cụ thể, tôm, xoài, thanh long vào Úc; gà qua chế biến, thanh long ruột đỏ, vú sữa vào Nhật Bản; xoài, vải, nhãn, chôm chôm vào Đài Loan; nhãn, vải sang Thái Lan...
Thủ tướng cho biết Chính phủ luôn lắng nghe ý kiến đóng góp của các thương vụ thông qua Bộ Công Thương , Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan khác để xem nước sở tại họ cần gì, loại sản phẩm nào, tiêu chuẩn làm sao… để có thị trường ổn định cho các sản phẩm Việt Nam có thế mạnh.
Tuy nhiên, bên cạnh việc khen thưởng cho cán bộ giỏi, Thủ tướng cũng yêu cầu phải xử lý nghiêm hay có biện pháp cần thiết, thuyên chuyển những cán bộ làm tham tán thương mại ở các nước mà không biết làm việc.
Bởi theo Thủ tướng còn có cán bộ “lo việc nhà hơn việc nước”, hời hợt, ít am hiểu thị trường, chưa thông thạo công việc, ngại khó ngại khổ.
Bên cạnh đó lại có tư tưởng “hy sinh đời bố củng cố đời con”, tức là lo cho con đi học hành là chính…, ít đề xuất về nước những vấn đề đặt ra đối với thị trường mình phụ trách.
Kể về câu chuyện một tham tán thương mại của Nhật Bản tại Việt Nam có quan hệ tốt với các cấp chính quyền, doanh nghiệp (DN) Việt Nam, lăn lộn, chịu khó, có kiến thức sắc sảo, đi từng ngành, hiểu biết pháp luật Việt Nam, Thủ tướng đặt vấn đề có phải đây là bài học kinh nghiệm cho các tham tán thương mại Việt Nam không.
“Chúng ta có lăn lộn được để đề xuất tháo gỡ khó khăn với nước sở tại không? Tôi nói điều này để chúng ta rút kinh nghiệm làm tốt hơn…” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Không thụ động ngồi chờ
Để làm tốt công việc sắp tới, Thủ tướng khẳng định cần thực hiện tốt phương châm 10 chữ “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” bằng các việc làm cụ thể.
Đó là quyết tâm hành động mạnh mẽ, các thương vụ không thụ động ngồi chờ DN đến “nhờ” giúp mà phải chủ động làm việc với các đối tác sở tại để có thông tin, can thiệp, hỗ trợ, phục vụ DN.
Đó là nhạy bén, kịp thời cung cấp thông tin, khuyến nghị chính sách về thị trường. Đó là đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư của các DN, địa phương, thúc đẩy hàng Việt Nam thâm nhập bền vững vào thị trường nước sở tại.
Đồng thời phải chặt chẽ với các bộ, ngành của nước sở tại để giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh...
“Anh phải tìm hiểu xem ở Việt Nam có những mặt hàng nào có thể đẩy mạnh xuất khẩu. Tư tưởng phục vụ, chủ động này rất quan trọng” - Thủ tướng yêu cầu.
Muốn làm được như vậy Thủ tướng cho rằng hệ thống thương vụ Việt Nam cần nhạy bén hơn nữa, kịp thời phân tích thông tin thị trường, không để tình trạng “ếch ngồi đáy giếng”.
Qua đó, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đưa hàng Việt Nam thâm nhập bền vững hơn vào các nước sở tại.
Bên cạnh đó, thương vụ cần làm việc với các bộ, cơ quan quản lý thương mại của nước sở tại để hai bên thực hiện cảnh báo sớm cho nhau những tranh chấp thương mại tiềm ẩn để có biện pháp xử lý, hạn chế thấp nhất các tranh chấp thương mại.
Thủ tướng nêu rõ và đề nghị bộ trưởng Công Thương xem xét, đổi mới, chủ động trong công tác nhân sự, coi tham tán thương mại là một nghề chuyên nghiệp với nhân sự phải đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong bối cảnh mới.
Ngoài ra, theo Thủ tướng, để thúc đẩy hàng xuất khẩu thì không chỉ là nhiệm vụ đặt ra đối với các thương vụ ở nước ngoài, mà việc quản lý trong nước cần phải tốt, đảm bảo chất lượng, không xảy những vụ việc như tôm bơm tạp chất…
“Giờ làm dối trá không được đâu. Thay vào đó cần phải khẳng định thương hiệu, chất lượng sản phẩm Việt Nam trên trường quốc tế.
Có như vậy thương vụ đi ra ngoài mới mạnh miệng được. Chứ anh mạnh miệng mà sản phẩm trong nước bơm tạp chất thì sao được” - Thủ tướng nhấn mạnh.