Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 1/12, phóng viên đã đặt câu hỏi về việc Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ GTVT đánh giá toàn diện dự án BOT Cai Lậy liệu có khách quan không và tại sao không giao cho Kiểm toán Nhà nước thực hiện việc này?
Phóng viên tiếp tục đặt câu hỏi liên quan đến thiệt hại do ùn tắc kéo dài của trạm BOT Cai Lậy, đến nay, Bộ GTVT đã có thống kê chưa? Đồng thời, Thủ tướng có chỉ đạo không tái diễn tình trạng ở BOT Cai Lậy, vậy giải pháp là gì?
Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ GTVT đánh giá toàn diện dự án BOT Cai Lậy.
Hiện nay, theo ông Nhật, Bộ đã tiếp 107 đoàn trong đó có Thanh tra Chính phủ, các Bộ, ngành, chưa kể các đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Về mặt Nhà nước đều thực hiện đầy đủ, cả kiểm toán.
Sau những cuộc thanh tra này, Bộ sẽ tổng hợp lại để báo cáo Chính phủ, các cơ quan chức năng về những mặt được, chưa được và cần khắc phục.
Trước tình trạng tài xế phản đối dẫn đến ùn ứ tại BOT Cai Lậy, ông Nhật cho biết, theo quy định của Bộ Giao thông vận tải với các trạm ách tắc quá 500m thì phải xả trạm và cũng không để trạm nào kéo dài thời gian ách tắc.
"Vừa qua tại trạm Cai Lậy cũng có một số lái xe quá khích, không ủng hộ thu phí tại trạm này, ví dụ như đánh xe tới giữa trạm thu phí, bỏ xe lại trạm thu phí đi chơi, tắt máy bỏ đấy... dư luận không nên ủng hộ.
Tất cả các trường hợp, chúng tôi sẽ xử lý theo quy định của pháp luật. Chúng tôi cũng sẽ không để tình trạng này kéo dài", Thứ trưởng Bộ GTVT khẳng định.
Ông Nhật cũng cho biết, trong thời gian tạm đóng trạm hồi tháng 8/2017, Bộ đã rà soát lại tất cả các quy định liên quan của Bộ Xây dựng, đặc biệt kết luận của Kiểm toán Nhà nước, thanh tra giao thông ... thì thủ tục đầu tư dự án này không sai, đúng luật.
Về mặt thủ tục trạm Cai Lậy nằm trong dự án và trước khi đầu tư, HĐND, UBND, đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang đã đề xuất Bộ Giao thông cho phép đầu tư dự án này, giải quyết thủ tục rất đúng...
Về một số sai phạm theo kết luận của thanh tra Bộ Xây dựng, chủ đầu tư đã sửa chữa...
Sau khi có Nghị quyết giám sát của Quốc hội mới hạn chế đầu tư các trạm tuyến tránh nên cơ quan quản lý đã tuân thủ đúng các quy định pháp luật về cấp phép đầu tư trạm, tuyến tránh.
Hiện, Bộ Giao thông làm việc với tỉnh Tiền Giang giảm giá phí 30% toàn bộ xe, 50% và 100% cho người dân 4 xã xung quanh trạm.
"Tất cả chúng ta phải tuân thủ các quy định của pháp luật và cần tuyên truyền để người dân hiểu được rõ về tình hình", ông Nhật nêu rõ.
Trạm thu phí Cai Lậy hoạt động từ ngày 1/8. Tuy nhiên, sau đó, nhiều tài xế đã sử dụng tiền lẻ mua vé để phản đối trạm đặt sai vị trí. Vụ việc khiến trạm này bị ùn tắc giao thông nghiêm trọng nhiều ngày. Ngày 15/8, chủ đầu tư cho xả trạm.
9h ngày 30/11, trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang) thu phí trở lại. Giá vé mỗi lượt của các loại xe đồng loạt giảm 30%, thấp nhất là 25.000, cao nhất 140.000 đồng.
Tuy nhiên, chưa tròn một ngày đêm qua, trạm BOT Cai Lậy đã phải 3 lần xả cửa trước "chiến thuật" đưa tiền lẻ 25.100 đồng, đòi thối 100 đồng của tài xế.