Nguyên nhân Mỹ thúc ép Trung Quốc
Triều Tiên lại vừa tiến hành phóng tên lửa và Mỹ công nhận đó là tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Như thế có nghĩa là Triều Tiên đã có được thành quả phát triển quan trọng mới trong chương trình tên lửa và hạt nhân, tương quan lực lượng và cục diện tình hình có thể rồi đây sẽ thay đổi cơ bản ở khu vực này.
Như thế cũng còn có nghĩa là nhu cầu đối phó của Mỹ trở nên cấp thiết hơn. Mỹ và Hàn Quốc đã ngay lập tức tiến hành tập trận phóng tên lửa. Nhưng đáng chú ý hơn cả là việc Mỹ gia tăng áp lực đối với Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và cộng sự đều cho rằng chìa khóa để giải quyết vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên hiện là Trung Quốc.
Họ cho rằng chỉ cần Trung Quốc ngưng trệ mọi mối quan hệ hợp tác với Triều Tiên thì nước này sẽ gặp khó đến mức buộc phải tự từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa, chỉ cần Trung Quốc thực hiện đầy đủ và nghiêm chỉnh những biện pháp trừng phạt và bao vây cấm vận Triều Tiên đã được LHQ quyết định thì Triều Tiên sẽ chịu khuất phục.
Một vụ thử tên lửa của Triều Tiên.
Cho nên ông Trump và cộng sự lúc đầu tranh thủ và thuyết phục Trung Quốc mạnh tay và làm găng đến cùng với Triều Tiên. Để thực hiện chủ ý này, ông Trump đã dịu giọng với Trung Quốc trong vấn đề xuất siêu sang Mỹ và chính sách tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ mà ông Trump từng cho rằng gây bất lợi cho kinh tế Mỹ.
Trung Quốc không phải không hiểu ý đó nên đã gia tăng rõ rệt áp lực đối với Triều Tiên hơn hẳn so với trước, đối với Trung Quốc thì như thế rất là nhiều, nhưng đối với ông Trump thì lại chưa thể đủ và chưa thật sự hết mức.
Vì vậy, sách lược hiện tại của ông Trump đối với Trung Quốc là dùng chính quyết định của LHQ cấm vận và trừng phạt Triều Tiên để trừng phạt chính những công ty và ngân hàng của Trung Quốc hợp tác làm ăn với Triều Tiên nhằm buộc Trung Quốc cắt đứt mọi mối giao thương với Triều Tiên, đồng thời khuấy động lên cái gọi là "trách nhiệm thuộc về Trung Quốc".
Trung Quốc đã phản ứng quyết liệt hiếm thấy, xác nhận có vai trò nhưng bác bỏ mọi trách nhiệm tuyệt đối.
Phải chăng Triều Tiên rất thành công trong việc chia rẽ Mỹ - Trung?
Mỹ - Trung: Tình ngay lý gian
Ở đây, cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều có chuyện lý dẫu có ngay thì tình vẫn có chút gian.
Về lý, Mỹ không thể cáo buộc Trung Quốc không tuân thủ và nghiêm chỉnh thực hiện các biện pháp của LHQ đối với Triều Tiên. Nếu không muốn làm, nước này đã tự mình hoặc nhờ vào lá phiếu phủ quyết của Nga khi bỏ phiếu các nghị quyết liên quan trong Hội đồng Bảo an.
Trên thực tế, Trung Quốc cũng đã có những điều chỉnh chính sách rất rõ đối với Triều Tiên. Trung Quốc có cùng lợi ích như Mỹ là không để cho Triều Tiên có được vũ khí hạt nhân. Nhưng vì có lợi ích riêng nữa nên Trung Quốc không thể đáp ứng đầy đủ và hết mức yêu cầu của Mỹ.
Trung Quốc lại còn phải hết sức tránh bị bên ngoài coi là kẻ thực thi trực tiếp, hoặc ít nhất thì cũng trợ giúp đắc lực, chính sách của Mỹ đối với Triều Tiên.
Mỹ cũng không hoàn toàn vô lý khi cho rằng chừng nào Triều Tiên còn nghĩ và tin là vẫn dựa cậy được vào Trung Quốc thì chừng đó mọi biện pháp gây áp lực của Mỹ và đồng minh cũng như LHQ chưa thể có được tác động như mong muốn.
Nhưng Mỹ cũng không thể phủ nhận sự khác biệt về lợi ích giữa Mỹ và Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên. Cho nên thúc ép Trung Quốc là cách Mỹ vớt vát và duy trì cớ để sẵn sàng có thể áp dụng biện pháp khác về chuyện khác vào thời điểm khác. Cho nên cái thuyết về trách nhiệm của Trung Quốc mới được tung ra.
Ở đây còn có cả chuyện "vụng múa đổ cho đất lệch". Washington chưa đạt được mục đích, nếu như không muốn nói là cho tới nay vẫn thất bại, trong việc đối phó chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, và bế tắc ý tưởng mới nên tìm cách đổ vấy trách nhiệm sang cho đối tác khác, biến vấn đề của mình với Triều Tiên thành vấn đề của đối tác kia với Triều Tiên.
Trung Quốc có ảnh hưởng nổi trội đối với Triều Tiên nhưng rõ ràng không thể đến mức nói gì Triều Tiên cũng phải nghe. Trung Quốc có nhu cầu duy trì quan hệ hợp tác tốt với Mỹ, nhưng như thế không có nghĩa là Trung Quốc luôn sẵn sàng trả mọi giá cho quan hệ với Mỹ.
Bên nào cũng có cái khó khăn và khó xử riêng. Bên nào cũng có cái bất lực và giới hạn riêng với Triều Tiên, chẳng qua chỉ không công khai công nhận thôi. Cho nên dễ dàng hơn cả là đổ lỗi cho kẻ khác.
Cho tới nay, Triều Tiên luôn rất thành công trong việc phân hóa nội bộ các đối tác này.
Việc bên này phàn nàn về bên kia và đổ trách nhiệm cho bên kia chẳng phải là bằng chứng rất thuyết phục về thành công ấy của Triều Tiên hay sao ?