Bộ ngoại giao Trung Quốc khẳng định: Bị đâm sau lưng trong vấn đề Triều Tiên

A.T |

Hôm qua 11.7, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chính thức lên tiếng cho rằng họ không đáng một mình hứng chịu trách nhiệm trong giải quyết xung đột hạt nhân tại Triều Tiên, đồng thời cáo buộc các quốc gia khác phớt lờ trách nhiệm để giảm căng thẳng.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Geng Shuang khẳng định trong cuộc họp báo hôm qua 11.7 rằng Trung Quốc đang tuân thủ nghĩa vụ của mình theo nghị quyết của Liên Hiệp Quốc về Triều Tiên, trong khi các quốc gia khác lại đổ dầu vào lửa, đồng thời có các hành động phá hoại lợi ích của Trung Quốc.

"Trung Quốc không thể bị đổ lỗi cho sự leo thang căng thẳng hiện nay, và Trung Quốc cũng không giữ chìa khóa để giải quyết vấn đề này", ông Geng nói với ngôn từ gay gắt.

"Nếu Trung Quốc đang cố gắng dập lửa, mà những người khác lại chơi kiểu đổ dầu vào lửa... thì làm thế nào mà nỗ lực của Trung Quốc có thể đạt được kết quả mong đợi? Làm thế nào có thể giải quyết căng thẳng? Vấn đề hạt nhân tại bán đảo Triều Tiên có thể được giải quyết như thế nào?".

Sau khi phân trần tình thế, ông Geng đẩy vấn đề đi xa hơn khi nói rằng có một số thế lực đang xây dựng thuyết âm mưu về "trách nhiệm Trung Quốc" và mô tả họ hoạt động với "động cơ không minh bạch", gắng làm nhẹ trách nhiệm của mình.

Ông Geng nói: "Rũ bỏ trách nhiệm là không tốt, qua cầu rút ván cũng không ổn, thậm chí tệ nhất là chơi trò đâm sau lưng" khi đề cập về thế lực đang đẩy trách nhiệm Triều Tiên cho Trung Quốc. Dù ông Geng không nói thế lực nào qua cầu rút ván hay đâm sau lưng Bắc Kinh nhưng người quan tâm thời cuộc dễ dàng hiểu được Trung Quốc đang ám chỉ ai.

Trong những ngày qua, Mỹ là nước sốt sắng nhất trong việc thúc giục Trung Quốc có những biện pháp mạnh mẽ để kiểm soát Triều Tiên và ngăn chặn Bình Nhưỡng tiến hành các vụ thử hạt nhân và tên lửa.

Dù Trung Quốc đã bỏ phiếu thông qua việc trừng phạt Triều Tiên tại LHQ hồi đầu tháng 6, chính quyền ông Donald Trump vẫn nhiều lần nhấn mạnh Trung Quốc phải hành động một cách tích cực để kiềm chế láng giềng.

Đáp lại, Bắc Kinh đã nhiều lần khẳng định ảnh hưởng của họ đối với Triều Tiên là rất hạn chế và họ đang làm tất cả những gì có thể.

Theo Reuters, Tổng thống Donald Trump ngày càng nản với sự hời hợt của Trung Quốc và viết trên Twitter hồi tháng trước rằng "tôi đánh giá cao nỗ lực của Chủ tịch Tập và Trung Quốc trong việc giúp đỡ vấn đề Triều Tiên, nhưng việc vẫn chưa đâu vào đâu".

Sau đó, Mỹ đã ra lệnh trừng phạt một ngân hàng, một công ty và 2 cá nhân Trung Quốc vào cuối tháng 6 để nhắc khéo Bắc Kinh về vấn đề Triều Tiên. Trung Quốc phản ứng rất mạnh mẽ điều này và bắt đầu thấy 'cay mũi' với Washington.

Tuần trước, Đại sứ Mỹ tại LHQ bà Nikki Haley đã đề cập về việc trừng phạt các nước như Trung Quốc do o bế thương mại với Triều Tiên.

Bà Haley nói: "Chúng tôi sẽ không chỉ theo dõi Triều Tiên mà sẽ theo dõi bất kỳ quốc gia nào làm ăn với Bình Nhưỡng. Phần lớn gánh nặng cho việc thực thi các biện pháp trừng phạt của LHQ phụ thuộc vào Trung Quốc, 90% thương mại với Triều Tiên là từ Trung Quốc".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại