Thủ lĩnh Kurd xin từ chức, dân tình đem súng, gậy gộc làm náo loạn nghị viện để phản đối

Tất Đạt |

Cuộc tấn công đột ngột của chính quyền Iraq tại Kirkuk đã làm đảo lộn công cuộc đòi độc lập của khu vực tự trị người Kurd.

Người dân phản đối dữ dội

Thủ lĩnh người Kurd ở Iraq – ông Masoud Barzani cho biết sẽ từ bỏ quyền lãnh đạo vào ngày 1/11 tới đây, sau khi cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập cho người Kurd phản tác dụng, vô tình gây ra cuộc mâu thuẫn nội bộ ở khu vực này.

Biết tin, nhiều người biểu tình có vũ trang đã tập trung tại nghị viện người Kurd để phản đối ông Barzani từ chức. Nhiều thành viên nghị viện không thể rời khỏi văn phòng vào tối Chủ nhật (29/10) vì tình hình hỗn loạn.

Trong bài phát biểu đầu tiên trên truyền hình từ sau khi lực lượng quân đội Iraq tổ chức cuộc tấn công bất ngờ vào địa bàn của người Kurd vào hôm 16/10, ông Barzani xác nhận rằng ông sẽ không còn giữ cương vị lãnh đạo từ sau ngày 1/11.

Sau gần 4 thập kỉ chiến đấu cho quyền lợi của người Kurd, ông nói: "Tôi vẫn là Masoud Barzani, một chiến binh Peshmerga và tôi vẫn sẽ hỗ trợ người dân Kurd giành được quyền độc lập."

Lời thông báo trên truyền hình này theo sau bức thư ông gửi tới nghị viện, xin ý kiến các thành viên về việc từ chức.

Cuộc họp nội bộ đã được tổ chức ở thủ đô Erbil của người Kurd vào hôm Chủ nhật để bàn luận về vấn đề này. Reuters dẫn lời kênh thông tin Rudaw và Kurdistan 24 của người Kurd cho biết, đã có 70 phiếu chấp thuận lời đề nghị của ông Barzani, chỉ có 23 phiếu phản đối.

Thủ lĩnh Kurd xin từ chức, dân tình đem súng, gậy gộc làm náo loạn nghị viện để phản đối - Ảnh 1.

Người dân xuống đường ủng hộ ông Barzani tiếp tục lãnh đạo. Ảnh: Reuters

Trong khi cuộc họp diễn ra, nhiều người biểu tình đem theo gậy gộc và súng, phản đối dữ dội ở bên ngoài nghị viện.

Theo ghi nhận, đã có tiếng súng nổ. Đám đông biểu tình đe dọa sẽ "trừng phạt" những thành viên nghị viện "xúc phạm" ông Barzani. Một số phóng viên hiện trường đã bị thương trong cuộc bạo động.

Kết quả không thể bị xóa bỏ

Theo Reuters, ngày 28/10, một quan chức người Kurd cho biết ông Barzani đã quyết định trao lại quyền lãnh đạo người Kurd vô điều kiện. Trước đó, một cuộc bỏ phiếu xác lập chính phủ Kurd đã được lên kế hoạch vào ngày 1/11, nhưng bị lùi tới 8 tháng sau đó.

Dù giành được quyền tự trị trong khoảng thời gian khá dài, hiện tại người Kurd đang gặp khủng hoảng lớn sau khi cuộc trưng cầu đòi độc lập khoảng 1 tháng trước vấp phải sự phản đối dữ dội cả về mặt kinh tế lẫn quân sự của chính quyền trung ương Baghdad.

Trong bài phát biểu, ông Barzani cũng bảo vệ quyết định tổ chức buổi trưng cầu hôm 25/9 của mình, và mạnh mẽ tuyên bố kết quả của cuộc bỏ phiếu "không thể bị xóa bỏ." Với đa phần phiếu ủng hộ độc lập, người Kurd liên tiếp gặp sự công kích và đe dọa từ chính phủ Iraq cũng như các nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.

Ông cũng cho biết thêm rằng, cuộc tấn công vũ lực của Iraq tại Kirkuk và các vùng lãnh thổ khác cho thấy chính quyền Baghdad đang muốn cắt bỏ và kìm hãm những quyền lợi của người Kurd.

Ông Masoud Barzani phát biểu trên truyền hình về việc từ chức. Nguồn: Reuters

Ông Barzani tiếp tục lên án Mỹ vì không hỗ trợ người Kurd. Ông nói: "Chúng tôi đã cố ngăn chặn những cuộc tấn công từ lực lượng quân đội Iraq và Đơn vị Huy động Nhân dân (PMU). Theo ghi nhận, họ sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp.

Tôi và người dân Kurd có quyền được biết, Mỹ có nắm được thông tin về các cuộc tấn công của Iraq nhằm vào chúng tôi hay không, và tại sao Mỹ không ngăn chặn Baghdad."

Khi được hỏi về phản ứng của Mỹ về việc ông Barzani từ chức, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: "Hãy hỏi các quan chức người Kurd về vụ việc. Chúng tôi sẽ không đi sâu vào vấn đề ngoại giao vì lí do bảo mật."

Mở đường hòa giải

Ông Barzani đã bị chỉ trích nặng nề bởi các đối thủ trong đảng đối lập vì đã để mất Kirkuk, thành phố giàu dầu mỏ và được nhiều người xem như quê hương tinh thần của người Kurd.

Việc ông Barzani từ chức có thể sẽ giúp tạo điều kiện cho cuộc hòa giải giữa Chính quyền Địa phương người Kurd (KRG) và chính phủ Iraq. Cuộc tấn công của Baghdad nhằm vào cuộc trưng cầu đã làm thay đổi cán cân quyền lực tại miền bắc đất nước.

Ông Barzani đã lãnh đạo KRG từ năm 2005. Nhiệm kì thứ 2 của ông tuy đã kết thúc hồi năm 2013 nhưng được kéo dài không qua bầu cử khi nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) càn quét qua vùng lãnh thổ của Iraq và Syria.

Tuy cùng nhau chiến đấu chống lại IS, nhưng liên minh quân đội Iraq – Iran và người Kurd đã dần tan rã từ sau khi nhóm khủng bố bị tiêu diệt gần như hoàn toàn trên đất nước.

Thủ lĩnh Kurd xin từ chức, dân tình đem súng, gậy gộc làm náo loạn nghị viện để phản đối - Ảnh 3.

Đám đông phản đối tràn vào khu vực nghị viện. Ảnh: Reuters

Hiện tại, chính quyền thủ tướng Iraq Haider al-Abadi muốn kiểm soát vùng biên giới giữa lãnh thổ Kurd với Thổ Nhĩ Kì, Iran và Syria, giành lại quyền sử dụng đường ống dẫn dầu xuất khẩu dầu thô của Iraq và người Kurd sang Thổ Nhĩ Kì.

Sự kiện người Kurd thất thủ tại Kirkuk ngày 16/10 đã đánh một đòn mạnh vào nền kinh tế của khu vực tự trị này, cắt giảm khoảng một nửa doanh thu từ dầu mỏ của người Kurd.

Theo truyền hình Iraq, quân đội Iraq và lực lượng Peshmerga đã bắt đầu vòng 2 của cuộc đàm phán nhằm giải quyết mâu thuẫn tại biên giới người Kurd vào hôm Chủ Nhật (29/10) vừa qua. Vòng 1 được tổ chức vào ngày thứ Sáu và thứ Bảy (27-28/10) trước đó.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại