Bao nhiêu tên lửa là đủ, Triều Tiên đang khơi dậy cuộc chạy đua vũ trang mới tại châu Á?

Việt Hương |

Chiến thuật hạt nhân của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ thử nghiệm cam kết bảo vệ Nhật Bản và Hàn Quốc của Mỹ.

Kể từ khi Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đạt độ cao khoảng 3.700km ngày 28/7, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trao đổi điện đàm sáu lần – có những lần gần một tiếng đồng hồ. 

Trong mỗi cuộc đàm thoại, ông Trump phải mất nhiều thời gian để đảm bảo rằng Mỹ sẽ đứng sau hỗ trợ Nhật Bản "100%". Theo các nguồn tin của chính phủ Nhật Bản, Tổng thống Trump đôi khi lặp đi lặp lại cụm từ này những 5 lần trong một cuộc gọi.

Đối với ông Abe, người luôn tìm cách xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với Tổng thống Trump kể từ cuộc bầu cử Mỹ, phát ngôn của người đứng đầu Nhà Trắng là một thay đổi tích cực bởi trong thời gian tranh cử, ông Trump thường xuyên công kích các cam kết quốc phòng của Mỹ ở châu Á. 

Tuy nhiên, dù cho có sự đảm bảo của Trump, các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự Nhật Bản đã bắt đầu đặt câu hỏi về sức mạnh của hiệp ước an ninh đã củng cố mối quan hệ giữa Mỹ và Nhật Bản thời kỳ hậu chiến. 

Theo Hiến pháp hòa bình của Nhật mà ông Abe có thể sẽ sửa đổi, Nhật Bản dựa vào Mỹ để thực hiện các cuộc tấn công quân sự. Nhưng Triều Tiên với tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có thể thay đổi sự việc: Liệu Mỹ vẫn có thể sát cánh bên Nhật Bản nếu việc đó có thể dẫn đến nguy cơ Mỹ mất Los Angeles hay New York hay không?

Một quan chức chính phủ Nhật phụ trách vấn đề an nình nói: “Khi Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân, chế độ an ninh trong liên minh Nhật – Mỹ hiện nay tuy mạnh nhưng không thể đủ sức để bảo vệ an toàn cho Nhật”.

Nhật Bản không phải là quốc gia duy nhất trong khu vực đặt câu hỏi về các chính sách đã qua hàng thập kỷ khi Triều Tiên tiến gần hơn tới việc phát triển tên lửa hạt nhân. Tại Seoul, Tổng thống Moon Jae-in đã đồng ý cho phép triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, đi ngược lại cam kết chính trong chiến dịch của ông. 

Và ở Tokyo, giới quân sự nói rằng hệ thống phòng thủ tên lửa của nước này đòi hỏi một sự nâng cấp khẩn cấp và tốn kém để đối phó với mối đe dọa mới.

Một số chuyên gia an ninh của Nhật Bản dự đoán, Bình Nhưỡng có thể triển khai những vũ khí trong vòng hai năm hoặc thậm chí sớm hơn. Các chuyên gia cho rằng, nếu Triều Tiên thành công trong việc phát triển công nghệ tên lửa hạt nhân, châu Á có thể chứng kiến ​​một sự gia tăng sức mạnh quân sự chưa từng thấy kể từ Chiến tranh Lạnh. 

Bao nhiêu tên lửa là đủ, Triều Tiên đang khơi dậy cuộc chạy đua vũ trang mới tại châu Á? - Ảnh 1.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản triển khai PAC-3 vào ngày 29/8. Ảnh: EPA

Trung Quốc đã phàn nàn lớn về quyết định của ông Moon trong việc triển khai nhiều máy phóng tên lửa của Mỹ ở Hàn Quốc và bất kỳ sự gia tăng nào về sức mạnh của Nhật cũng sẽ được coi như một mối đe dọa an ninh với Bắc Kinh.

Masao Okonogi, một chuyên gia về Triều Tiên và là giáo sư tại Đại học Quốc tế Tokyo, nói: "Tại Hàn Quốc, những thúc giục sản xuất vũ khí hạt nhân đối phó với mối đe dọa của Triều Tiên đang gia tăng. Bất kể như thế nào, sự tăng cường quân sự của các nước sẽ làm tăng căng thẳng trong khu vực, đặc biệt là đối với Nga và Trung Quốc."

Okonogi và những người khác nói họ không mong đợi một "hiệu ứng domino" hạt nhân trong khu vực, với sự phản đối vũ khí mạnh mẽ của Nhật Bản và cam kết theo Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân của Hàn Quốc.

Tuy nhiên, bất kỳ mâu thuẫn nào về việc mở rộng quân sự sẽ làm tăng thêm những rủi ro trong một khu vực căng thẳng, trong đó những tranh chấp về tuyên bố chủ quyền lãnh thổ, quyền đánh bắt cá... vốn đã gây ra những xung đột trong những năm gần đây.

Tetsuo Kotani, thành viên cao cấp của Viện Quan hệ Quốc tế Nhật Bản, nói: "Tôi không nghĩ khu vực này sẽ trở nên ổn định hơn trong những năm tới. Có nhiều nguy cơ có thể bùng phát".

Bao nhiêu tên lửa là đủ?

Lời tuyên thệ của Tổng thống Trump vào ngày 8/8 về việc sẽ trả đũa bằng “hỏa lực và cơn thịnh nộ mà thế giới chưa bao giờ thấy" - tiếp theo là đe dọa của Triều Tiên tấn công Guam - làm dấy lên lo ngại rằng hai nước có thể đang trên bờ vực của chiến tranh. 

Những người dân Hàn Quốc vốn nhiều năm đã quen với những đe dọa thất thường từ phía Bắc, đã trở nên lo lắng, với 76% trong một cuộc thăm dò gần đây cho thấy, lần thử hạt nhân mới nhất của Triều Tiên đe dọa phá vỡ hòa bình trên bán đảo. 

Và tại Nhật Bản, vào ngày 29/8, sự lo lắng bắt đầu lúc 6 giờ sáng khi tên lửa đạn đạo bay qua đảo Hokkaido trước khi rơi xuống Thái Bình Dương. Cuộc phóng thử này đã kích hoạt hệ thống báo động J-Alert, hệ thống khẩn cấp quốc gia, với các cư dân phía bắc Nhật nhận được thông điệp từ chính phủ "Tên lửa bay qua".

Rất ít người trong giới quân sự Tokyo nghĩ rằng Triều Tiên sẽ tiến hành tấn công Nhật Bản bằng tên lửa hạt nhân trước tiên. Sự lo ngại nhiều hơn là một cuộc xung đột trên bán đảo Triều Tiên có thể leo thang đến mức gây ra một cuộc tấn công hạt nhân từ Bình Nhưỡng. 

Có một lo ngại khác: Trump có thể tiến hành hành động quân sự với Triều Tiên mà không tham khảo ý kiến ​​Nhật Bản trước. Đây là một trong những lý do ông Abe cố gắng nói chuyện với Tổng thống Mỹ nhiều lần.

Bao nhiêu tên lửa là đủ, Triều Tiên đang khơi dậy cuộc chạy đua vũ trang mới tại châu Á? - Ảnh 2.

Một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên đã làm gián đoạn cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-Nhật Bản ở Florida hồi tháng 2. Ảnh: AP

Những mối quan tâm gần đây dần khiến các nhà lãnh đạo Nhật Bản lo ngại về hệ thống phòng thủ tên lửa của Nhật không đủ sức đối phó với mối đe dọa hạt nhân. Họ muốn nâng cấp khả năng phòng thủ quốc gia, bao gồm hệ thống chiến đấu Aegis, hệ thống đất đối không Patriot PAC-3 và các tên lửa.

Giới phân tích nói rằng, điều này vẫn chưa đủ. Nhật Bản có bốn tàu khu trục Aegis và ba trong số đó phải được triển khai tại vùng biển Nhật Bản để đảm bảo sự phòng vệ cơ bản. Tuy nhiên, các tàu này chỉ có thể mang theo một số lượng hạn chế các tên lửa đánh chặn, khiến cho Nhật Bản khó tránh được sự tấn công tên lửa từ Triều Tiên.

Nếu các tên lửa đánh chặn Aegis bỏ lỡ bất kỳ tên lửa tấn công nào của đối phương thì các tên lửa PAC-3 sẽ phải bắn hạ mục tiêu. Nhưng chúng chủ yếu được triển khai tại các thành thị và mỗi đơn vị chỉ có thể bảo vệ khu vực trong vòng bán kính 10 km. Điều này khiến phần lớn lãnh thổ Nhật Bản gặp nguy hiểm.

Để khắc phục điểm yếu này, Tokyo có kế hoạch triển khai hệ thống đánh chặn trên đất liền Aegis Ashore, có thể bảo vệ cho một khu vực rộng lớn hơn - chỉ cần hai đơn vị chiến đấu có thể bảo vệ toàn bộ lãnh thổ - nhưng việc triển khai phải mất vài năm. Vấn đề khác là chi phí. Ví dụ: một tên lửa đánh chặn Aegis được cho là tốn khoảng 2 tỷ yên (18,5 triệu USD).

Con số tiêu tốn làm một vài thành viên trong chính phủ Nhật Bản lo ngại, nhưng nhiều thành viên khác, trong đó có cựu Bộ trưởng Quốc phòng Satoshi Morimoto cho rằng, nước này cần đầu tư nhiều hơn cho hệ thống phòng thủ tên lửa mới.

Ông Morimoto nói: “Aegis Ashore sẽ được đưa vào ngân sách tài chính trong năm tiếp theo, nhưng thêm vào đó, chúng ta sẽ phải cân nhắc vũ khí lasẻ được gắn trên tàu chiến có thể phá hủy tên lửa trong giai đoạn tăng tốc”.

Có một ý kiến ​​khác triệt để hơn được thảo luận trong chính phủ Nhật Bản: Tạo cho Lực lượng Phòng vệ trên không khả năng trực tiếp tấn công các cơ sở tên lửa của Triều Tiên. Nói cách khác, cho phép Nhật Bản nhắm tới các tên lửa ngay tại các bệ phóng của Triều Tiên, thay vì chờ đợi cho đến khi tên lửa đi vào quỹ đạo của nó.

Điều này sẽ đánh dấu một sự thay đổi đáng kể trong cấu trúc quốc phòng của nước này.

Nhật Bản đã bị mắc kẹt với một trạng thái phòng thủ riêng dựa trên Điều 9 của Hiến pháp. Tuy nhiên, kể từ năm 1956, đất nước này duy trì quan điểm cho rằng Hiến pháp cho phép Nhật tấn công căn cứ của đối phương nếu không có cách nào tự vệ. Nhật Bản dựa vào quân đội Mỹ về khả năng tấn công vì mục đích phòng vệ.

Yukio Okamoto, một chuyên gia về an ninh và là cựu quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho rằng, Tokyo nên nghiêm túc xem xét quan điểm này.

Okamoto cho biết: "Trong cuộc thảo luận về cách phản ứng với việc phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, Nhật Bản nên tranh luận về khả năng cho phép tấn công các cơ sở tên lửa”.

Bà nói thêm: "Nếu Nhật Bản có thể làm như vậy, Triều Tiên sẽ nhận thức được rằng, họ có nguy cơ bị trả đũa bởi không chỉ Mỹ mà còn Nhật khi tiến hành một chiến dịch quân sự chống lại Nhật Bản".

Những người khác lại cho rằng điều này là sai lầm. Kotani nói: "Hệ thống này rất tốn kém khi chúng ta phải đối mặt với những vấn đề tài chính. Tôi không nghĩ rằng đó là một ưu tiên lúc này. Chúng ta vẫn nên ưu tiên việc phòng thủ tên lửa".

Ở Hàn Quốc, Tổng thống Moon Jae-in đã phản đối những lời kêu gọi Seoul nên tạo ra một kho vũ khí hạt nhân nhưng ông cũng đang mở rộng chi tiêu quốc phòng. Ông đã tuyên bố kế hoạch chi 38 tỷ USD vào quốc phòng năm tới, so với ngân sách quốc phòng 35 tỷ USD trong năm nay.

Và Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young-moo gần đây đã tuyên bố kế hoạch cho một đơn vị với tên gọi 'Spartan 3000' có nhiệm vụ đột nhập vào Triều Tiên thực hiện các vụ đột kích các cơ sở hạt nhân, cơ sở quân sự hoặc sứ mệnh đặc biệt khác.

Theo Kotani, việc mở rộng chi tiêu quân sự ở Nhật Bản và Hàn Quốc không đại diện cho một cuộc chạy đua vũ trang khu vực thật sự.

Ông nói: "Chúng tôi chỉ đang đối phó với Triều Tiên và Trung Quốc. Quy mô và tốc độ ở Nhật Bản và Hàn Quốc hoàn toàn khác biệt so với sự tăng trưởng quân sự ở các nước này. Và có lẽ họ sẽ sử dụng việc củng cố quốc phòng của chúng tôi như một cái cớ để gia tăng sức mạnh quân sự."

Bao nhiêu tên lửa là đủ, Triều Tiên đang khơi dậy cuộc chạy đua vũ trang mới tại châu Á? - Ảnh 3.

Kirishima là một trong bốn tàu khu trục Aegis của Nhật Bản. Ảnh: AP

Phản ứng giận dữ của Trung Quốc

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đạt được hai mục tiêu của mình vào ngày 3 tháng 9: một là thử nghiệm thành công bom H, hai là khiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình "mất mặt".

Cố gắng để xây dựng hình ảnh nhà lãnh đạo toàn cầu tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Trung Quốc nhưng thay vào đó ông Tập đã bị "lu mờ" bởi một vụ thử hạt nhân của Triều Tiên.

Đối với một bộ phận Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên và cũng là sợi dây kinh tế sống còn của Triều Tiên, Bình Nhưỡng dường như đã vượt quá giới hạn. Một chuyên gia Trung Quốc nhận định: "Chúng ta sẽ kết thúc sự khoan dung với Triều Tiên. Chúng ta cần tạo áp lực mạnh mẽ hơn với quốc gia này".

Nhà nghiên cứu này đã phản đối các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Triều Tiên, như lệnh cấm vận kinh tế. Nhưng lần thử hạt nhân mới nhất đã làm thay đổi suy nghĩ của ông. Theo Nikkei, một số quan chức trong chính phủ Bắc Kinh từng đánh giá Triều Tiên như một vùng đệm với Mỹ cũng đi đến những kết luận tương tự.

Các biện pháp trừng phạt mới của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc mới đây không quyết định cấm vận hoàn toàn dầu mỏ như Mỹ mong muốn, thay vào đó, cắt giảm 30% lượng dầu thô. Cấm vận hoàn toàn đã bị Trung Quốc và Nga bác bỏ nhưng thỏa thuận tương đối nhanh chóng của hội đồng là một dấu hiệu cho thấy cả hai nước đều đồng thuận một số hình phạt được đảm bảo.

Trung Quốc lo ngại về việc áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ hoàn toàn có thể dẫn đến sự sụp đổ kinh tế, làm cho một làn sóng người tị nạn tràn sang biên giới sang Trung Quốc. Ít có khả năng là Triều Tiên có thể trả đũa bằng cách tấn công tên lửa Trung Quốc nhưng Bắc Kinh vẫn nhận thấy hành vi của ông Kim rất khó lường.

Đối với Trung Quốc, lệnh cấm hoàn toàn dầu mỏ cũng có nghĩa là mất một lá bài ngoại giao để sử dụng trong các đàm phán với Mỹ. Bắc Kinh xem lệnh cấm vận dầu mỏ như là một điều kiện thương lượng cuối cùng có thể ngăn chặn Mỹ thực hiện các hoạt động quân sự với Triều Tiên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại