Mỹ và Trung Quốc, cùng hầu hết các quốc gia khác đều đồng thuận cần phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên, hai cường quốc - Mỹ với vai trò lãnh đạo thế giới và là đối thủ hàng đầu của Bình Nhưỡng và Trung Quốc được coi là đồng minh lớn nhất của Triều Tiên – lại có cách tiếp cận rất khác nhau trong hướng giải quyết vấn đề này.
Những biện pháp trừng phạt mạnh mẽ với Triều Tiên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc tuần trước sau lần thử hạt nhân lần thứ 6 của quốc gia này đã thể hiện sự đồng thuận của hai cường quốc nhằm đạt một mục tiêu chung cũng như những khác biệt trong cách tiếp cận đối phó với mối đe dọa hạt nhân lớn nhất kể từ sau cuộc Khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần nói rằng Trung Quốc có thể "dễ dàng" ngăn chặn tiến trình hạt nhân của Triều Tiên nếu Bắc Kinh - đối tác thương mại hàng đầu của nước này đồng ý sử dụng đòn bẩy kinh tế.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã bác bỏ lập luận này, nói rằng không phải Bắc Kinh, mà chính Washington và Bình Nhưỡng nên giải quyết những khác biệt giữa hai nước.
Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP - Hồng Kông), những gì Washington muốn là một nỗ lực toàn diện để đẩy Bình Nhưỡng đến đường cùng, trong khi Bắc Kinh muốn các bên thỏa hiệp để xoa dịu căng thẳng và cùng trở lại bàn đàm phán.
Theo phương thức "hai bên cùng nhượng bộ", Bắc Kinh đã kêu gọi Mỹ và Hàn Quốc ngừng các cuộc tập trận khiêu khích để đổi lại việc Triều Tiên ngừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa.
"Tuy nhiên, Mỹ không tin tưởng sự thỏa hiệp như vậy sẽ giành được những nhượng bộ tương ứng từ Bình Nhưỡng bởi vì trước đó số lần nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un không giữ lời hứa đã thành kỷ lục", SCMP bình luận.
Mặc dù các biện pháp trừng phạt mới nhất được coi là cứng rắn nhất cho đến thời điểm hiện nay, nhưng chúng vẫn chỉ là phiên bản rút gọn của bản dự thảo ban đầu. Đây là kết quả của quá trình cân bằng giữa hai luồng quan điểm đối lập (Mỹ và Nga, Trung) ở LHQ.
Hầu hết các nhà phân tích cho rằng, các biện pháp trừng phạt sẽ không thể ngăn chặn những hành động mạo hiểm của Triều Tiên, vì nghị quyết trừng phạt quyết định không cấm vận dầu hoàn toàn với Bình Nhưỡng và không đưa ông Kim Jong-un vào danh sách đen, cùng với những nhượng bộ khác.
Trong khi đó, một câu hỏi lớn hơn đặt ra trọng việc thực hiện lệnh trừng phạt là liệu Bắc Kinh sẽ tôn trọng thỏa thuận hay không? Nghi ngờ về sự thành thực của Trung Quốc trong việc thực hiện lệnh cấm vận trở nên rõ ràng khi chính quyền Trump đe doạ sẽ trừng phạt các thực thể Trung Quốc vi phạm hiệp ước của LHQ.
Nghị quyết mới nhất của LHQ đã làm tăng thêm áp lực lên Triều Tiên. Đây là nghị quyết thứ chín được thông qua bởi hội đồng gồm 15 thành viên từ năm 2006 về tham vọng hạt nhân của Triều Tiên. Tất cả các hình thức trừng phạt trước đây đã thất bại trong việc kiềm chế Bình nhưỡng, thay vào đó làm tăng thêm sự leo thang căng thẳng từ quốc gia này.
Triều Tiên vẫn tiếp tục các cuộc thử nghiệm vũ khí và tuyên bố đang tiến gần mục tiêu xây dựng một tên lửa hạt nhân có khả năng tấn công vào đất Mỹ. Tổng thống Trump đã thề sẽ ngăn chặn mục tiêu này bằng mọi giá.
"Thế giới có thể phải sống với mối đe dọa hạt nhân khi các cường quốc lớn không đồng thuận với nhau về cách đối phó với một quốc gia nhỏ bé nhưng cứng đầu", SCMP viết.
Kể từ khi Thế chiến thứ hai kết thúc, Triều Tiên là một điểm chính tác động đến quan hệ Mỹ-Trung. Chiến tranh Triều Tiên năm 1950 đã khiến Mỹ và Trung Quốc trở nên đối đầu trong những năm đầu của Chiến tranh lạnh.
Và bây giờ, ông Kim Jong Un tiếp tục lợi dụng sự thiếu tin tưởng trong quan hệ giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới, từ đó điều khiển diễn biến mối quan hệ song phương quan trọng bậc nhất trong nền ngoại giao toàn cầu.