NSƯT Hữu Châu ngất xỉu trên sân khấu vì đói
NSƯT Hữu Châu vẫn thường kể với học trò về những ngày gian khổ của mình, không phải để mọi người thương, mà bởi hoàn cảnh chung lúc đó như thế và anh đã vượt qua những khó khăn đó để quý hơn những gì mà mình đạt được ngày hôm nay.
Đó là cách anh dạy học trò của mình và chia sẻ với thế hệ đàn em, con cháu trong nghề để khích lệ họ làm nghề đàng hoàng, tử tế với chính mình và tử tế với khán giả, với cái nghề đã nuôi sống họ.
Hồi đó, Hữu Châu mới tốt nghiệp trường Sân khấu, anh đi tấu hài. Lúc đó, Hữu Châu diễn hài với Hữu Lộc, em trai anh. Hai anh em chở nhau trên chiếc xe đạp cũ mèm.
Vừa diễn xong ở Nhà Văn hóa Lao Động, Hữu Lộc chở Hữu Châu qua Nhà văn hóa Thanh Niên. Đang chạy thì cái niềng xe đạp gãy đôi vì quá cũ. Hữu Lộc bật khóc còn Hữu Châu sợ không đến thì mất uy tín, mất chỗ diễn, đồng nghĩa với việc mất "nồi cơm". Hai điểm diễn cách nhau chỉ hơn 1km nên anh quyết định chạy bộ.
Trên đường, Hữu Châu gặp một người chạy xe honda một mình, anh xin quá giang nhưng nhìn thấy mặt anh còn hóa trang chưa bôi, người này sợ quá, rú ga chạy thẳng. Khi Hữu Châu chạy bộ đến nơi thì không còn kịp nữa, đã trễ show rồi!
NSƯT Hữu Châu
Trước đó, không lâu, cả nhà anh phải ăn cháo đậu xanh thay cơm vì để dành tiền đóng học phí cho Hữu Lộc. Một tối, Hữu Châu đang diễn ở Nhà hát Hòa Bình thì ngất xỉu. Nghệ sĩ hài Mai Sơn và Thanh Tùng tưởng anh trúng gió, dìu anh vào hậu trường cạo gió.
Một người trong đoàn, pha cho anh ly sữa nóng. Anh uống, dần hồi tỉnh và diễn tiếp. Thế nhưng, đến mãi sau này, Hữu Châu cũng hiếm khi nào nói cho người khác biết, lần đó, anh xỉu là vì… đói dù lòng rất mang ơn người đã cho mình ly sữa ngày hôm ấy.
NSƯT Thoại Mỹ đi làm osin, giữ trẻ để nhà bớt miệng ăn
NSƯT Thoại Mỹ có lẽ là nghệ sĩ cải lương duy nhất ở Việt Nam 7 lần được trao giải Mai Vàng và sở hữu nhiều huy chương giải thưởng danh giá nhất, như: HCV Giải Trần Hữu Trang, HCV Diễn viên tài sắc, HCV Hội diễn cải lương chuyên nghiệp toàn quốc…
40 năm làm nghề, NSƯT Thoại Mỹ còn được trao tặng Huy chương Vì sự nghiệp sân khấu và Huy chương Văn hóa. Nhưng để có được những thành tựu đó, Thoại Mỹ đã phải trải qua vô vàn cực khổ.
Vì nhà có tới 12 anh chị em nên từ nhỏ Thoại Mỹ đã phải đi làm phụ cha mẹ kiếm tiền. Từ bán ngô nướng, khoai nướng đến bưng bê phụ quán hủ tíu, thậm chí là đi làm osin cho gia đình nhà giàu chỉ để nhà mình bớt miệng ăn và có tiền đem về phụ hợ.
13 tuổi, Thoại Mỹ thi đậu vào Nhà hát Trần Hữu Trang. Thời đó còn bao cấp. Mỗi sinh viên được phát 17 kg gạo, nửa ký thịt, nửa ký cá. Vì muốn đem phần ăn này về cho gia đình nên cô bé 13 tuổi ấy ngày ngày đi bộ hàng chục km để về nhà ăn trưa rồi lại đi bộ lên trường học tiếp. Tan học, Thoại Mỹ lại chạy thật nhanh về ăn cơm rồi tối cắp cặp đi học bổ túc văn hóa.
Mẹ của Thoại Mỹ qua đời năm cô 14 tuổi. Để có tiền, ngoài giờ học, Thoại Mỹ đi làm bảo mẫu, giữ con cho người ta. Đôi dép đứt cũng không có tiền mua, phải lấy ghim băng hoặc cọng kẽm xâu lại dưới đế để đi tiếp.
NSƯT Toại Mỹ
Tuổi dậy thì, tới băng vệ sinh Thoại Mỹ cũng không có tiền mua phải dùng giấy và vải xô. Sau mỗi đêm diễn, Thoại Mỹ phải dùng xà bông dầu để xóa phấn, tẩy trang mặt và lấy bột giặt quần áo để gội đầu.
Ngay cả khi chính thức được đứng trên sân khấu với vai trò một người diễn viên thực sự, Thoại Mỹ vẫn đi bộ từ nhà tới rạp hát, ước mơ có một chiếc xe đạp cũng không có. 7h mở màn thì 3 giờ chiều, Thoại Mỹ đã xách cà mên đựng cơm đi. Tới đoàn, chị giở cơm ra ăn rồi hóa trang cho vai diễn.
Cực khổ là thế nhưng Thoại Mỹ chưa bao giờ nản lòng. Chị vẫn say nghề, vẫn cất cao lời ca tiếng hát làm đẹp cho đời, đêm đêm hóa thân vào từng nhân vật, từng phận người để phục vụ khán giả mộ điệu cải lương.