Hội nghị thượng đỉnh BRICS 2023 vào tháng 8. Ảnh: Gianluigi Guercia/Getty Images
Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 sắp diễn ra tại Ấn Độ, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ được chào đón bằng một bức tượng thần Shiva nặng 19 tấn. Đây là một trong ba vị thần tối cao của Ấn Độ giáo. Bức tượng cao 8,5 mét được đúc bằng vàng, bạc và sắt. Tượng thần Shiva múa Nataraja là biểu tượng rất hợp với người chủ trì hội nghị lần này – Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ngay khi nhậm chức vào năm 2014, Thủ tướng Modi đã đến cầu nguyện tại đền thờ thần Shiva, vị thần của huỷ diệt, sáng tạo và biến hoá.
Gần một thập kỷ sau, ông Modi đã củng cố nền chính trị Ấn Độ và giờ đây đang tìm cách khẳng định sự hiện diện của quốc gia này trên trường quốc tế. Tầm nhìn của ông là đưa Ấn Độ đứng ở thế trung lập giữa Washington và Bắc Kinh, không hàm ơn ai và tự do theo đuổi lợi ích quốc gia của mình. Từ đó, Ấn Độ hướng đến xây dựng nền kinh tế và khẳng định vai trò quan trọng trên toàn cầu.
Các quan chức hiểu rõ suy tư của Thủ tướng Modi. Họ miêu tả đây là cách tiếp cận tận dụng những cơ hội. Ấn Độ từ chối tham gia các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Moscow, tiếp tục tích trữ dầu Nga. Đồng thời, Ấn Độ vẫn tham gia Nhóm Đối thoại An ninh bốn bên – QUAD cùng với Mỹ, Nhật Bản và Australia. Ngoài ra, quốc gia này còn có mặt trong khối BRICS cùng với Trung Quốc và Nga.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Mỹ Joe Biden trong bữa tối cấp nhà nước tại Nhà Trắng vào tháng 6. Ảnh: Al Drago/Bloomberg
Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar mô tả chính sách này bằng thuật ngữ “hedging”, có nghĩa là “đề phòng rủi ro”. Đây là hành động tế nhị đòi hỏi Ấn Độ phải cư xử tự tin và khéo léo để không làm phật lòng ai.
Ấn Độ đang có vị trí địa chính trị thuận lợi. Các công ty công nghệ Mỹ như Apple đang chuyển đến Ấn Độ để đa dạng hoá hoạt động và thu hút tầng lớp trung lưu của quốc gia đông dân nhất thế giới này. Các quốc gia thuộc Global South hay “thế giới phương Nam” coi Ấn Độ là đối tác quan trọng trong việc đảm bảo thêm nguồn vốn từ các quốc gia giàu có.
Trong 9 tháng qua, Thủ tướng Modi đã mời các nhà đầu tư Nga tham gia vào ngành thép của Ấn Độ. Ông cũng dùng bữa tại Nhà Trắng và Điện Élysée – nơi làm việc của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định Ấn Độ và Mỹ là “một trong số những đối tác thân thiết nhất trên thế giới”. Trong khi đó, Tổng thống Nga Putin trước đó ca ngợi “quan hệ đối tác chiến lược đặc quyền” với Ấn Độ.
Song, các quan chức Ấn Độ cũng thừa nhận sự bấp bênh từ sợi dây “đa liên kết” này. Nếu Ấn Độ đại diện cho trung tâm địa chính trị toàn cầu mới, việc nắm giữ vị thế trung tâm này cũng có nhiều khó khăn, đặc biệt là trước căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc hiện nay.
Đối với các quan chức của Liên minh châu Âu (EU), việc giúp Ấn Độ đăng cai tổ chức G20 là một thành công. Vì đây là một đối tác chiến lược quan trọng, đặc biệt là về mặt công nghệ và thương mại.
Đức, Pháp và Tây Ban Nha đang hợp tác với các nhà máy đóng tàu ở Ấn Độ để thiết kế và sản xuất tàu ngầm hiện đại. Ấn Độ và EU cũng có Hội đồng Công nghệ và Thương mại chung, một thoả thuận mà nước này không có với bất kỳ quốc gia nào khác ngoài Mỹ.
Ông Modi và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ở Paris vào tháng 7. Ảnh: Emmanuel Dunand/AFP
Một quan chức cấp cao cho biết dù sao, Mỹ và các đồng minh vẫn coi trọng quan hệ với Ấn Độ. Đây là quốc gia duy nhất ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương có tiềm năng về kinh tế và quân sự lớn có thể đối trọng với Trung Quốc.
Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Jaishankar trao đổi với đài truyền hình địa phương NDTV: “Chúng ta là quốc gia có 1,4 tỷ dân và là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới. Khi ta đứng dậy và lên tiếng một cách tự tin, mọi người đồng tình. Nhưng nếu ta không giữ vững lập trường và do dự, thế giới sẽ đẩy ta vào chân tường”.
Tham khảo Bloomberg