Thổ Nhĩ Kỳ “tự tin” trong cuộc đối đầu căng thẳng với Mỹ

Đình Nam |

Có nhiều lý do để Thổ Nhĩ Kỳ “tự tin” tuyên bố sẵn sàng đáp trả các lệnh trừng phạt mới của Mỹ vì vụ Ankara bắt mục sư Mỹ Andrew Brunson.

Thổ Nhĩ Kỳ đang hành động không giống như một người bạn” – Đó là tuyên bố thẳng thừng của Tổng thống Donald Trump khi nói về căng thẳng hiện nay giữa hai quốc gia đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), và rằng Washington sẽ tiếp tục trừng phạt Ankara trong thời gian tới khi những đòi hỏi thả linh mục người Mỹ Andrew Brunson không được phía Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận.

Căng thẳng tiếp tục có chiều hướng gia tăng khi giới chức Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẵn sàng đáp trả các lệnh trừng phạt mới của Mỹ. Hiện có nhiều lý do để Thổ Nhĩ Kỳ có thể “tự tin” trong cuộc đối đầu này.

Bất chấp việc Mỹ liên tiếp đưa ra lời cảnh báo sẽ tăng trừng phạt lên Thổ Nhĩ Kỳ nếu linh mục Brunson không được thả tự do, Tòa án tại thành phố Izmir của Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua vẫn ra phán quyết bác bỏ kháng cáo yêu cầu thả tự do linh mục người Mỹ vốn đang bị quản thúc tại gia này.

Ông Jay Sekulow – một luật sư cá nhân của Tổng thống Mỹ Donald Trump, vốn đang là đại diện cho gia đình linh mục Brunson, cho biết, ông Brunson sẽ tiếp tục nộp đơn kháng cáo phán quyết của Tòa án trong vòng 15 ngày tới.

“Thổ Nhĩ Kỳ đã là một vấn đề trong một quãng thời gian dài. Họ đã hành động không giống một người bạn” - Phản ứng trước quyết định của Tòa án, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết. “Họ đã có một linh mục tuyệt vời – Anđriu Brunson. Tuy nhiên, họ đã coi anh ấy là một gián điệp dù thực tế không phải vậy.

Theo quan điểm của tôi, Thổ Nhĩ Kỳ đã hành động rất, rất tệ. Vì vậy, chúng tôi vẫn chưa thể nhìn thấy điểm cuối cùng của vấn đề. Chúng tôi sẽ không dừng lại và các bạn hãy chờ xem”.

Với Mỹ, quả thật Thổ Nhĩ Kỳ đã là một “vấn đề” từ lâu. Dường như Ankara đã trở thành một “cái gai” trong mắt của Washington khi đã thách thức lợi ích của nước Mỹ trên nhiều lĩnh vực.

Cụ thể, Thổ Nhĩ Kỳ hiện vẫn duy trì, thậm chí còn tăng cường quan hệ hơn nữa với Nga và Iran bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ hay việc cản trở bước tiến của quân đội Mỹ tại chiến trường Syria khi quyết đánh vào lực lượng người Cuốc đối lập đang được Mỹ hậu thuẫn.

Còn với Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia này cũng đã không mấy hài lòng với cách ứng xử của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Việc từ chối dẫn độ giáo sĩ Fethulla Gulen, vốn bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là chủ mưu vụ đảo chính bất thành tại nước này năm 2016 khiến Ankara mất dần niềm tin vào Washington.

Thêm vào đó, cũng giống như một số nước châu Âu, Mỹ đã gây khó khăn cho Thổ Nhĩ Kỳ trong việc mua bán các loại vũ khí quân sự.

Do đó, căng thẳng Mỹ – Thổ liên quan đến việc Ankara bắt giữ linh mục Brunson có thể chỉ là “giọt nước tràn ly” làm bùng phát căng thẳng “vốn đã âm ỉ” từ lâu giữa hai nước.

Tuy nhiên, trong cuộc đối đầu với Mỹ, dường như Thổ Nhĩ Kỳ không hề “đơn độc”. Liên tiếp là các chuyến thăm của Quốc vương Qatar, Ngoại trưởng Nga đã tới Thổ Nhĩ Kỳ trong tuần qua, cùng với các cuộc điện đàm diễn ra giữa Tổng thống Erdogan với nhà lãnh đạo Pháp, Đức…; để bàn về các hợp tác thương mại.

Ngoài ra, nhiều quốc gia khác bao gồm cả Trung Quốc cũng đã tuyên bố đẩy mạnh hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh đồng nội tệ Lira của nước này đang mất giá do các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Vì thế, Thổ Nhĩ Kỳ đang rất tự tin khi không nhượng bộ với Mỹ, khẳng định việc bắt giữ linh mục Brunson là vấn đề nội bộ của ngành tư pháp nước này. Thậm chí, trong căng thẳng với Mỹ, Bộ trưởng tài chính Thổ Nhĩ Kỳ Berat Albayrak còn tuyên bố, nước này sẽ nổi lên mạnh mẽ hơn sau những biến động của đồng tiền tệ quốc gia./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại