Thổ Nhĩ Kỳ giăng bẫy bắt EU làm "con tin": Vì sao Hà Lan cứng rắn, còn Đức lại xử nhũn?

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Nhằm có lợi từ căng thẳng đối đầu, Thổ Nhĩ Kỳ, Hà Lan hay EU đã có cách ứng xử khác nhau bởi theo họ lợi ích nào thì có cách ứng xử ấy.

Sau khi kết quả cuộc bầu cử quốc hội Hà Lan ngày 15.3 vừa qua được công bố, giọng điệu dư luận chung ở nước này và Liên minh châu Âu (EU) là ca ngợi thủ tướng Hà Lan Mark Rutte và đánh giá đối thủ chính trị đáng gờm nhất của ông Rutte là thủ lĩnh phe cực hữu, dân tộc chủ nghĩa và dân tuý Geert Wilders đã thất bại nặng nề cũng như sự trỗi dậy của phe này ở khắp châu Âu đã bị chặn lại.

Phe tung hô ông Rutte và nhấn chìm ông Wilders phớt lờ một thực tế rất rõ ràng: Trong cuộc vận động tranh cử ở Hà Lan, ông Rutte đã sử dụng đúng những chiêu thức và nội dung vốn là phương thức đặc trưng của ông Wilders khi xử lý mối bất hoà, căng thẳng bùng phát giữa nước này và Thổ Nhĩ Kỳ.

Việc ông Rutte leo thang căng thẳng, đối đầu với Thổ Nhĩ Kỳ - bất chấp tác động tai hại tới Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và EU cũng như sự đồng thuận trong nội bộ xã hội Hà Lan - là nhân tố rất quan trọng giúp ông và đảng của mình tuy bị giảm tỷ lệ phiếu bầu so với trước nhưng vẫn là đảng phái chính trị lớn nhất trong quốc hội mới ở Hà Lan, tức là vẫn có thể tiếp tục cầm quyền.

Thổ Nhĩ Kỳ giăng bẫy bắt EU làm con tin: Vì sao Hà Lan cứng rắn, còn Đức lại xử nhũn? - Ảnh 1.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte.

Hà Lan không phải là thành viên EU duy nhất bị Thổ Nhĩ Kỳ lôi kéo vào vòng xoáy đối đầu và căng thẳng. Nhưng tất cả các thành viên EU đều không ứng xử như Hà Lan.

Lý do ở chỗ họ đều không có nhu cầu vận động tranh cử như ông Rutte và ở trong tình thế khó xử hơn nhiều so với Hà Lan trong quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ.

Lợi ích khác nhau buộc họ phải có cách ứng xử khác nhau bởi lợi ích nào thì có cách ứng xử ấy. Cái gì cũng đều có lý do và cái giá của nó.

Ngoài việc là cửa ngõ của NATO về phía Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh - tức là nhân tố an ninh chiến lược vô cùng quan trọng đối với NATO - Thổ Nhĩ Kỳ còn có nhiều con át chủ bài khác trong quan hệ với EU.

Giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ hiện có thoả thuận về việc nước này giúp EU giải quyết vấn đề người tỵ nạn, ví như Thổ Nhĩ Kỳ nhận về những người không được EU công nhận tỵ nạn trong EU còn EU trả giá hậu hĩnh cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Tiền của EU thì Thổ Nhĩ Kỳ cần thật nhưng không bằng EU cần Thổ Nhĩ Kỳ trong vấn đề này. Trên thực tế EU như con tin trong tay Thổ Nhĩ Kỳ.

Chính phủ Đức và cá nhân thủ tướng Đức Angela Merkel bị tác động nhiều nhất, bởi thoả thuận kia là sáng kiến của bà Merkel và sự tan rã của nó ảnh hưởng rất tiêu cực đến triển vọng tái đắc cử lần thứ 4 của bà Merkel trong cuộc bầu cử quốc hội vào mùa thu năm nay ở nước Đức.

Cho nên, mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ làm găng với Đức về ngoại giao và dư luận không kém với Hà Lan bao nhiêu, nhưng chính phủ Đức và bà Merkel chỉ thể hiện phản ứng cầm chừng.

Con át chủ bài tiếp theo của Thổ Nhĩ Kỳ chính là nước này hiện đang nắm giữ khối lượng tín dụng lớn của các ngân hàng thuộc EU.

Theo Ngân hàng Giao dịch thanh toán quốc tế, các ngân hàng trên thế giới đã cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ tín dụng ở mức độ 270 tỷ USD mà hơn 200 tỷ USD trong số ấy thuộc về các ngân hàng trong EU.

Quan hệ chính trị càng leo thang, nguy cơ chủ nợ thất thế trước con nợ càng thêm lớn.

Thổ Nhĩ Kỳ giăng bẫy bắt EU làm con tin: Vì sao Hà Lan cứng rắn, còn Đức lại xử nhũn? - Ảnh 2.

Trong khi đó, ở các nước thành viên EU có bộ phận không nhỏ người Thổ Nhĩ Kỳ. Đa phần số này đều mang hai quốc tịch. Họ trở thành bộ phận cử tri quan trọng ở cả Thổ Nhĩ Kỳ lẫn trong các nước thành viên EU.

Sự khó xử của các nước EU không phải là Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành vận động tranh cử trong EU vì Thổ Nhĩ Kỳ vẫn thường làm như vậy, mà ở bản chất cuộc vận động tranh cử lần này. Đó là sửa đổi hiến pháp hiện hành ở Thổ Nhĩ Kỳ theo hướng giúp Tổng thống đương nhiệm Recep Tayyip Erdogan tập trung quyền lực, tức là vô hiệu hoá dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp quyền.

Các nước thành viên EU không muốn ông Erdogan chiến thắng trong cuộc trưng cầu dân ý này nhưng lại không dám làm găng hết mức với ông và chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ.

Vì thế, họ đều đối phó bằng cách từ chối từ trước - như Đan Mạch và Thuỵ Điển - hay không để cho Thổ Nhĩ Kỳ làm rầm rộ mà lẻ tẻ và cách xa các trung tâm như ở Pháp hay Đức cũng như nếu có cự tuyệt thì đặc biệt nhấn mạnh lý do kỹ thuật và an ninh....

Thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ đã giăng ra cái bẫy cho các nước EU mà những nước này có sa vào hay không thì Ankara cũng vẫn đều có lợi.

Ở Hà Lan, ông Rutte vì có lợi ích nên tập trung vào và coi đó là cái bẫy nhằm bẫy lại phía Thổ Nhĩ Kỳ. Còn các nước khác trong EU đều tránh bị lôi kéo vào sập bẫy.

Quan hệ giữa các quốc gia trên thế giới nhờ thế mới đang có được những bi hài kịch xưa nay chưa từng có.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại