Bi hài kịch ngoại giao độc nhất vô nhị, hay chuyện lợi dụng và bị lợi dụng

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Cả ông Erdogan lẫn ông Rutte đều được lợi và muốn tận lợi từ chuyện leo thang căng thẳng và đối đầu này.

EU, NATO, châu Âu và cả thế giới hiện là khán giả của bi hài kịch độc nhất vô nhị xưa nay về phương diện quan hệ quốc tế và ngoại giao. Nếu cần bằng chứng mới nhất cho triết lý "đối ngoại là sự kéo dài của đối nội" thì chỉ cần nhìn vào những gì xảy ra trong mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan từ mấy ngày nay.

Bắt đầu từ việc chính phủ của Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte rút lại sự cho phép chuyên cơ của bộ trưởng ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavosuglu hạ cánh xuống sân bay ở Hà Lan để tiến hành vận động tranh cử cho cuộc trưng cầu dân ý ở Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 16.4 tới và sau đó là chuyện nữ Bộ trưởng phụ trách các vấn đề gia đình của Thổ Nhĩ Kỳ bị cảnh sát Hà Lan ngăn tiếp cận Tổng lãnh sự quán Hà Lan ở thành phố Rotterdam để rồi áp tải bà bộ trưởng trở lại nước Đức.

Bi hài kịch ngoại giao độc nhất vô nhị, hay chuyện lợi dụng và bị lợi dụng - Ảnh 1.

Người Thổ Nhĩ Kỳ ở Hà Lan biểu tình sau khi căng thẳng giữa hai bên bùng phát.

Phản ứng của Thổ Nhĩ Kỳ, từ đích danh tổng thống Recep Tayyip Erdogan đến thủ tướng và các thành viên chính phủ gay gắt và quyết liệt chưa từng thấy. Ở phía Hà Lan, ông Rutte không nhượng bộ cả trong khẩu chiến lẫn đối phó về ngoại giao.

Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO như Hà Lan và từ lâu nay đeo đuổi ước muốn được đứng trong hàng ngũ EU như Hà Lan. Từ thủa ra đời của NATO và EU đến nay, chưa có khi nào quan hệ riêng giữa hai thành viên NATO và giữa thành viên EU với đối tác muốn gia nhập EU bị xấu đi nhanh chóng và với mức độ như vậy.

Nguyên nhân là cả ông Erdogan lẫn ông Rutte đều được lợi và muốn tận lợi từ chuyện leo thang căng thẳng và đối đầu này. Họ lợi dụng chuyện ấy nhưng đồng thời cũng bị lợi dụng trong chuyện ấy.

Bi hài kịch ngoại giao độc nhất vô nhị, hay chuyện lợi dụng và bị lợi dụng - Ảnh 2.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan.

Trước tiên, ông Erdogan lợi dụng cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ ở nước ngoài, đặc biệt ở châu Âu để vận động tranh cử.

Ngày 16.4 này, ông Erdogan cho tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về sửa đổi hiến pháp mà nếu được thông qua thì quyền lực được chuyển từ thủ tướng sang cho tổng thống và ông Erdogan sẽ thâu tóm được hết quyền lực vào tay mình.

Ông Erdogan muốn chắc thắng và vì thế cần lá phiếu ủng hộ của người Thổ Nhĩ Kỳ. Trong cuộc bầu cử quốc hội ở Thổ Nhĩ Kỳ năm 2015, có 245.523 người Thổ Nhĩ Kỳ sống ở Hà Lan đi bỏ phiếu, chiếm 40% tổng số cử tri Thổ Nhĩ Kỳ ở Hà Lan và 60% số này bỏ phiếu ủng hộ đảng AKP của ông Erdogan.

Bi hài kịch ngoại giao độc nhất vô nhị, hay chuyện lợi dụng và bị lợi dụng - Ảnh 3.

Cho tới năm nay, chính trị gia và đại diện chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ vẫn thoải mái tiến hành vận động tranh cử ở các nước thành viên EU. Cách đây 2 năm ở Hà Lan cũng vậy. Tiền lệ đã từ lâu trở thành thông lệ và ông Erdogan có lợi ích rất thiết thực với việc lợi dụng thông lệ này.

Bước lợi dụng tiếp theo của phía Thổ Nhĩ Kỳ là lợi dụng việc phía Hà Lan không cho phép Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành các hoạt động vận động tranh cử và quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng.

Ông Erdogan và cộng sự chủ trương dùng gia tăng căng thẳng và đối đầu để nuôi căng thẳng và đối đầu vì càng như thế họ càng tỏ ra có bản lĩnh trước EU, quyết tâm bảo vệ vị thế và lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ trước sự chống phá của EU cũng như kích động người Thổ Nhĩ Kỳ ở trong và ngoài nước bất bình với EU, phương Tây.

Vì thế mà cả những ngôn từ gần như phát xít, Quốc xã hay Quốc xã mới.... được sử dụng và những biện pháp chính trị ngoại giao mạnh mẽ hiếm thấy như phong toả cơ quan ngoại giao, không cho phép đại sứ Hà Lan ở Thổ Nhĩ Kỳ trở lại nhiệm sở, ngừng mọi tiếp xúc cấp cao, đòi xin lỗi bằng văn bản... được áp dụng.

Ông Rutte không khơi mào chuyện này nhưng đã triệt để lợi dụng nó phục vụ cho cuộc tổng tuyển cử ở Hà Lan vào ngày 15.3 này. Đối thủ chính trị đáng gờm nhất của ông Rutte lần này là thủ lĩnh Geert Wilders của Đảng Tự do thuộc phe cực hữu thù địch Đạo Hồi và bài xích người nước ngoài.

Bi hài kịch ngoại giao độc nhất vô nhị, hay chuyện lợi dụng và bị lợi dụng - Ảnh 4.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte.

Trước chuyện này, ông Rutte đã chọn cách sử dụng chính những quan điểm của ông Wilders để tranh thủ bộ phận cử tri ủng hộ ông Wilders. Mối bất hoà giữa Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ bùng phát thật đúng lúc đối với ông Rutte vì đã giúp người này lấn được sân chơi và thánh địa của ông Wilders.

Hai bên lợi dụng cùng chuyện trong nhận thức rằng chính mình bị phía bên kia lợi dụng. Chuyện này rồi sẽ lắng xuống khi họ không còn cần phải lợi dụng nó nữa. Có nghĩa là sau cuộc bầu cử quốc hội ở Hà Lan và cuộc trưng cầu dân ý ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại