Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng Tổ chức Khủng bố Fethullah (FETO) của giáo sĩ người Thổ Nhĩ Kỳ Fethullah Gulen đang sống lưu vong ở Mỹ đứng sau vụ ám sát đại sứ Karlov.
Tuy nhiên Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Nga Konstantin Kosachev cho rằng, còn quá sớm để đưa ra kết luận, bởi mục tiêu của Nga là "tìm ra sự thật, không phải sử dụng vụ này để giành những mục tiêu chính trị".
Nhưng Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Suleyman Soylu hôm 24.12 đã một lần nữa nêu giả thuyết rằng thủ phạm Mevut Altintas liên quan tới FETO.
"Ở giai đoạn này, chúng tôi đã xác định rõ một mối quan hệ với phong trào khủng bố Fethullah Gulen. Vụ ám sát không phải là sáng kiến của một cá nhân. Vụ tấn công khủng bố đã được định trước" - ông Soylu nói với hãng tin Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ.
Các nhà điều tra đang cố gắng xác định mối liên hệ giữa sát thủ Altintas với FETO cả bên trong và bên ngoài Thổ Nhĩ Kỳ. Cuộc điều tra đã phát hiện ra một số chi tiết "rất quan trọng" về vụ tấn công, song phía Thổ Nhĩ Kỳ không thể tiết lộ lúc này - ông Soylu nói.
Bộ trưởng cũng bày tỏ hy vọng quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Nga sẽ không bị xấu đi bởi vụ ám sát.
Nhóm các nhà điều tra Nga đang làm việc tại Thổ Nhĩ Kỳ về vụ này chưa đưa ra bình luận nào.
Đầu tuần qua, tờ báo Hurriyet của Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin, trong lúc khám nhà Altintas, cảnh sát đã tìm thấy nhiều sách liên quan tới FETO và Al-Qaeda.
Bố của Altintas là Israfil Altintas, hôm 23.12 nói rằng hành xử của con trai ông bắt đầu thay đổi khi anh ta kết bạn với một người có tên là Sercan B mà Altintas gặp tại một học viện cảnh sát.
Từ đó anh ta cầu nguyện nhiều hơn và hướng nội nhiều hơn sau khi trở thành cảnh sát - ông bố nói. Ông ta cho biết trước đó con trai ông không thực sự sùng tín.
Giáo sĩ Gulen đã phủ nhận việc dính líu tới vụ ám sát và đã gửi lời chia buồn tới gia đình Đại sứ Karlov.