Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ liên tiếp máy bay Syria ở Idlib: Liều lĩnh "chọc giận" Nga hay "nước cờ thoát hiểm"?

Mạnh Kiên |

Chiến sự ở Idlib đã trở thành vấn đề danh dự với Thổ Nhĩ Kỳ. Trước cuộc gặp với Tổng thống Putin, Tổng thống Erdogan dường như đã có được những đòn bẩy tốt hơn.

Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ liên tục bắn hạ chiến đấu cơ Syria?

Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ một chiến đấu cơ của quân đội Syria ở tỉnh Idlib hôm 3/3, trong một động thái khiến giới quan sát lo ngại cuộc chiến sẽ leo thang ở mức nghiêm trọng hơn.

Cuộc tấn công của Ankara được cho là để trả đũa vụ 34 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng trong cuộc pháo kích của Damascus tháng trước.

Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ liên tiếp máy bay Syria ở Idlib: Liều lĩnh chọc giận Nga hay nước cờ thoát hiểm? - Ảnh 1.

Thổ Nhĩ Kỳ đang tạo lợi thế trước Nga bằng việc liên tiếp bắn hạ máy bay Syria.

Các động thái liên tục gây tổn hại cho quân đội Syria đã làm tăng mối đe dọa đối đầu giữa các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, rủi ro mà Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Vladimir Putin sẽ tìm cách tránh khi cả hai có cuộc đàm phán vào ngày 5/3.

Trong cuộc đối đầu hiện tại, Nga đang ủng hộ bước tiến của quân đội Syria nhằm giành lại lãnh thổ trong tay phiến quân do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.

Chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa cho thấy sẽ có dấu hiệu giảm bớt, khi đây là chiến đấu cơ Syria thứ ba bị không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ kể từ hôm 29/2.

Hôm 3/3, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, trong 24 giờ trước đó, hơn 300 binh sĩ Syria đã thiệt mạng và hàng chục xe tăng, xe bọc thép và hệ thống tên lửa đã bị phá hủy.

Theo các nhà quan sát, cuộc tấn công Ankara dự kiến ​​sẽ còn tiếp tục diễn ra ác liệt ít nhất cho đến khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại Moscow ngày 5/3.

"Mục đích của Thổ Nhĩ Kỳ là đảo ngược những lợi thế mà chính quyền Syria đã đạt được ở Idlib trong vài tuần qua", Asli Aydintasbas, một thành viên cao cấp tại Hội đồng Đối ngoại châu Âu, nói với VOA.

"Điều này sẽ giúp ông Erdogan có thể đi đến cuộc gặp với người đồng cấp Vladimir Putin với một vị thế mạnh mẽ hơn", chuyên gia Aydintasbas nhấn mạnh thêm.

Các nhà phân tích cũng cho rằng, những thương vong mà Thổ Nhĩ Kỳ nhận phải trong cuộc không kích tuần trước ở Idlib đã tạo ra một động lực mới, mạnh mẽ hơn cho Ankara.

"Thổ Nhĩ Kỳ đang ở Idlib và không thể rời Idlib vì nơi đây đã trở thành vấn đề danh dự của Thổ Nhĩ Kỳ", giáo sư Huseyin Bagci thuộc Đại học Kỹ thuật Trung Đông ở Ankara nói. "Và nếu đã trở thành vấn đề danh dự, thì Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng trả bất cứ giá nào. Vì vậy, tình hình căng thẳng hiện tại sẽ gia tăng".

Sự kiên nhẫn cạn kiệt

Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ liên tiếp máy bay Syria ở Idlib: Liều lĩnh chọc giận Nga hay nước cờ thoát hiểm? - Ảnh 3.

Tổng thống Erdogan đang có đòn bẩy lớn trước cuộc gặp ngày 5/3.

Moscow có hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến bao trùm khu vực Idlib cùng với các máy bay chiến đấu đóng tại căn cứ không quân gần đó. Tuy nhiên, các cuộc tấn công trên không của Ankara chủ yếu được thực hiện bởi máy bay không người lái. Dù miễn cưỡng nhưng Nga đã có một thỏa thuận cho phép Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng vũ khí này mà không bị trừng phạt.

"Rõ ràng người Nga đang cố gắng duy trì mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ bởi Thổ Nhĩ Kỳ là một tài sản đối với họ về chính sách Trung Đông, cũng như thúc đẩy một sự chia rẽ trong liên minh NATO", chuyên gia Aydintasbas nêu quan điểm.

"Vì vậy, họ không muốn đẩy Thổ Nhĩ Kỳ ra xa đến mức sẽ quay trở lại phương Tây, hoặc khiến Tổng thống Erdogan sẽ cảm thấy buộc phải cắt đứt mối quan hệ", nhà phân tích này nói thêm. "Vì vậy, Nga đã cho phép Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng không phận Syria. Trong những ngày gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ tập trung vào các mục tiêu của quân đội Syria".

Về phần mình, Ankara cũng có suy nghĩ tương tự. Họ dường như không sẵn sàng chấm dứt mối quan hệ với Moscow.

Trước đó, Tổng thống Erdogan đã tránh cáo buộc Nga phải chịu trách nhiệm về cuộc không kích khiến binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng tuần trước. Hầu hết các nhà phân tích chỉ ra rằng máy bay ném bom của Chính phủ Syria không thể thực hiện một cuộc tấn công vào ban đêm như vậy đối với binh sĩ của Ankara mà chỉ có thể là không quân Nga.

Với việc lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố đã "vô hiệu hóa" 2.000 binh sĩ Syria và phá hủy hơn 100 xe tăng chiến đấu, sự kiên nhẫn của Moscow dường như đã cạn kiệt.

Hôm 2/3, Điện Kremlin đã cảnh báo với Ankara rằng họ không thể đảm bảo an toàn cho các máy bay Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Damascus tuyên bố đóng cửa không phận Syria ở Idlib.

Mỹ nấp sau lưng

Ở một diễn biến liên quan, Mỹ đang thúc đẩy các bước đi ngoại giao giữa lúc căng thẳng Nga-Thổ Nhĩ Kỳ bùng nổ để đưa Ankara trở lại với các đồng minh phương Tây truyền thống.

Đặc phái viên về các vấn đề Syria của Mỹ James Jeffrey và Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Kelly Craft đã đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ hôm 3/3.

Tại đây, hai quan chức Mỹ đã có chuyến thị sát đến biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ với Idlib. Đây được coi là một động thái để thể hiện tình đoàn kết với Ankara trong chiến dịch chống lại quân đội Damascus.

Ngoài ra, ông Jeffrey còn tuyên bố, Mỹ sẵn sàng cung cấp thêm đạn dược cho Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib. Các nhà phân tích cho rằng, với cường độ liên tục tấn công bằng các loại bom thông minh của Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara sẽ rất sẵn lòng chào đón những quả đạn mới.

"Lời đề nghị về đạn dược này là tích cực đối với Ankara, không chỉ về mặt quân sự mà còn về mặt ngoại giao. Nó sẽ củng cố thêm vị thế của Erdogan khi ông ấy ngồi xuống bàn thảo luận với người đồng cấp Putin. Nó cho ông Putin thấy rằng Mỹ đang đứng sau Thổ Nhĩ Kỳ", giáo sư Bagci nhận định.

Về phần mình, chuyên gia Aydintasbas đánh giá: "Thổ Nhĩ Kỳ đang tỏ ra tỉnh táo về mối quan hệ với Nga và ở những giờ phút cuối, Ankara hiểu rằng việc làm ấm quan hệ với Nga không giải quyết được nhu cầu an ninh của họ".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại