Nations League 2018/19: Anh 1-2 Tây Ban Nha
Giai đoạn "đen tối" và bình minh mới của bóng đá Tây Ban Nha
Cách đây hai tháng, Tây Ban Nha đã trải qua một ngày dài hơn thế kỷ. Không một cầu thủ nào của họ có thể ghi nổi một bàn trong suốt hai giờ đồng hồ, trước một đội tuyển Nga già nua và không có gì quá đặc biệt. Tây Ban Nha kết thúc trận đấu với những thông số khủng bố về kiểm soát bóng, nhưng tất cả là vô nghĩa.
Tây Ban Nha đã bị loại sau loạt "đấu súng", dưới sự dẫn dắt của một HLV tạm quyền. Bàn duy nhất họ ghi được là do đối phương phản lưới nhà. Một kỷ nguyên đã khép lại.
Đấy là trận đấu gần nhất của Tây Ban Nha, trước khi họ bước vào sân Wembley rạng sáng nay. Công cuộc "làm lại cuộc đời" của Tây Ban Nha phải khởi đầu trước đội tuyển Anh, một đội bóng đang giành lại được sự tôn trọng, với lần trở lại bán kết World Cup đầu tiên sau 28 năm.
Và họ nhẹ nhàng… xử đẹp đội chủ nhà, để giành 3 điểm đầu tiên tại Nations League. Anh có bàn dẫn trước, nhưng Tây Ban Nha lập tức gỡ hòa rồi ghi luôn bàn vươn lên chỉ sau nửa giờ thi đấu. Nhìn họ đá, có thể nhận thấy hai chữ "khát khao".
Sau World Cup, đội tuyển thành công nhất thế kỷ 21 - với một chức vô địch World Cup và hai chức vô địch EURO, đã tiến hành một cuộc tự đánh giá. Không cần đến một cuộc cách mạng quy mô như tại Anh hay Đức, Tây Ban Nha nhìn ra vấn đề của mình ngay lập tức. Và họ bổ nhiệm Luis Enrique, một HLV đã chứng tỏ được tài nghệ tuyệt vời nhưng chưa bao giờ được thừa nhận xứng đáng ở Barcelona.
Trước khi Enrique nhận việc, Gerard Pique đã tuyên bố giã từ đội tuyển. Trước đó Andres Iniesta và David Silva cũng đã nói lời từ biệt. Không còn Pique, Tây Ban Nha không còn cầu thủ bị ghét nhất nước. Anh đi đến đâu cũng bị la ó vì tư tưởng ủng hộ Catalonia độc lập. Trên sân Wembley, cầu thủ duy nhất bị la ó là Sergio Ramos, người duy nhất còn sót lại của đội hình vô địch EURO 2008.
Ramos - người lãnh đạo TBN trở lại với ánh sáng
Ramos biết kiểu gì anh cũng sẽ được CĐV "chăm sóc đặc biệt" ở London. Pha va chạm dẫn đến chấn thương của Mohamed Salah ở chung kết Champions League vẫn in đậm trong ký ức của các CĐV Anh. Báo chí Anh ngày ấy cũng chỉ trích Ramos tơi bời.
Nhưng Ramos vốn không ngại đóng vai phản diện. Đây đã là lần thứ 160 anh khoác áo đội tuyển, và kinh nghiệm của một kẻ đã hơn một thập kỷ đứng mũi chịu sào nơi hàng thủ Real Madrid khiến Ramos là một thủ lĩnh đích thực.
Trong các buổi tập trước khi đến Anh, Ramos ngoài những bài tập chung còn chủ động gọi các đồng đội lại tập thêm những bài đá phạt. Ramos đến gặp Enrique và nói hãy cho anh lãnh trách nhiệm đá phạt đền cũng như luân phiên đá những quả sút phạt trực tiếp với các đồng đội. Enrique đánh giá rất cao tinh thần tự giác ấy, và gọi Ramos là một "chiến binh hạng nhất".
Trước đội tuyển Anh, Ramos đã thực sự là một nhà lãnh đạo trên sân cỏ. Đứng cạnh anh là Nacho, cánh phải là Dani Carvajal, những đồng đội mà anh quá hiểu tại Real Madrid. Cánh trái là Marcos Alonso, một sản phẩm của lò đào tạo Real.
Luis Enrique, dù là một người sống chết với Barcelona trên hai cương vị HLV và cầu thủ, biết rằng không thể cưỡng lại được xu thế. Và đây là thời của Real, CLB đã 3 năm liên tiếp vô địch Champions League.
Không còn David Silva, Iniesta, Xavi, tiki-taka quả thực đã cáo chung. Với một hàng tiền vệ có Isco và Saul Niguez, quả bóng giờ đã được luân chuyển nhanh hơn rất nhiều. Enrique trao hàng công cho những gương mặt mới như Iago Aspas hay Rodrigo, những người ở CLB của họ cũng chơi thứ bóng đá nhanh và dứt khoát.
Vấn đề của Tây Ban Nha không phải là nhân tài. Họ thừa mứa những cầu thủ giỏi. Họ chỉ cần một định hướng mới mà thôi. Enrique có vẻ đang đi đúng hướng. Và ông may mắn vì Sergio Ramos vẫn còn đầy khát khao cống hiến. Anh là nhà vô địch Euro, World Cup và cả Champions League, một chiến binh hạng nhất để lãnh đạo các đàn em tiến vào bình minh mới.