Thiên tai thảm khốc nhất trong lịch sử nhân loại: 830.000 người đã chết ở Trung Quốc 500 năm trước

Hữu Hiển |

Động đất là một trong những thảm họa thiên nhiên nghiêm trọng nhất trên thế giới. Động đất diễn ra bất ngờ, không thể đoán trước và có cường độ mạnh, thường gây ra những thảm họa lớn cho xã hội loài người trong tích tắc.

Vào ngày 23/1/1556, một trận động đất mạnh 8 độ richter đã xảy ra ở Hoa Huyện, thuộc đồng bằng Quan Trung, Trung Quốc. Ảnh minh hoạ: 163.com

Vào ngày 23/1/1556, một trận động đất mạnh 8 độ richter đã xảy ra ở Hoa Huyện, thuộc đồng bằng Quan Trung, Trung Quốc. Ảnh minh hoạ: 163.com

Theo thống kê của trang ourworldindata.org, số người chết trong thiên tai ngày nay thấp hơn so với trước đây, thế giới đã trở nên kiên cường hơn. Tuy nhiên, động đất vẫn có thể cướp đi một số lượng lớn sinh mạng. Trong khi lũ lụt, hạn hán và dịch bệnh trong lịch sử chiếm ưu thế về số người chết do thiên tai, thì số người chết hàng năm cao hiện nay thường là kết quả của một trận động đất lớn và có thể là một cơn sóng thần do chúng gây ra.

Kể từ năm 2000, hai năm cao điểm về số người chết hàng năm (lên tới hàng trăm nghìn người) là năm 2004 và 2010. Tử vong do động đất lần lượt chiếm 93% và 69% số ca tử vong như vậy.

Thiên tai thảm khốc nhất trong lịch sử nhân loại

Theo trang tin 163.com (Trung Quốc), trận động đất có số người chết cao nhất trong lịch sử động đất thế giới là trận động đất mạnh 8 độ richter xảy ra ở Hoa Huyện, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc vào ngày 23/1/1556 dưới thời nhà Minh, khiến 830.000 người thiệt mạng. Đây cũng là thiên tai thảm khốc nhất trong lịch sử nhân loại.

Vào ngày 23/1/1556, một trận động đất mạnh 8 độ richter đã xảy ra ở Hoa Huyện, thuộc đồng bằng Quan Trung. Tâm chấn của trận động đất nằm ở 109,7 độ vĩ Bắc và 34,5 độ kinh Đông. Đây là trận động đất có cấp độ 11 với chấn động xảy ra ở độ sâu 20-40 km.

Theo trang tin 163.com, tổng cộng có 101 huyện chịu thiệt hại do động đất, bao phủ diện tích khoảng 280.000 km2 thuộc 5 tỉnh Thiểm Tây, Cam Túc, Ninh Hạ, Sơn Tây và Hà Nam của Trung Quốc; 227 huyện thuộc 5 tỉnh bị ảnh hưởng. Khu vực động đất đặc biệt nghiêm trọng là từ các huyện Vị Nam, Hoa Huyện, Hoa Âm, Đồng Quan, Triều Ấp ở phía Đông thành phố Tây An đến huyện Vĩnh Tế, tỉnh Sơn Tây, với chiều dài 90 km và chiều rộng 30 km, diện tích khoảng 2.700 km2.

Thiệt hại do trận động đất gây ra là vô cùng nghiêm trọng. Nhà dân, phủ quan, đền miếu và thư viện đều biến thành đống đổ nát; các tòa thành cao, tháp, chùa và cung điện mặc dù khá kiên cố nhưng cũng đều sụp đổ. Biến dạng quy mô lớn xảy ra trên bề mặt của khu vực động đất đặc biệt nghiêm trọng, chẳng hạn như sạt lở đất, mặt đất xuất hiện vết nứt, sụt lún, nước và cát phun trào…

Tài liệu lịch sử của Trung Quốc miêu tả về các vết nứt gây ra bởi động đất như sau: "Trong trận động đất, vết nứt rất lớn, nước và lửa từ đó phun ra. Có chuyện kỳ quái không kể xiết, có người rơi vào hố lại bò lên, nhưng người bị nước cuốn trôi xuống dưới hố, bị đất vùi lấp, phải mất vài ngày để đào sâu vào long đất mới tìm thấy xác...".

Động đất mạnh đã khiến cầu Trú Mã ở phía Tây huyện Hoa Âm bị gãy, mặt đất ở làng Đại Viên phía Bắc thành phố Tây An nứt toác, cách nhau hàng chục mét và nước dâng cao cả mét. Tử Vi Quan ở phía Nam huyện Đại Lệ và hồ Thái Bạch ở phía Tây Nam huyện Triều Ấp khô cạn sau trận động đất. Ải Đại Khánh và kè sông Phổ Châu ở bờ Nam sông Hoàng Hà bị sập. Suối đá Phượng Cốc Sơn ở Hoa Huyện biến thành suối cạn.

Thiên tai thảm khốc nhất trong lịch sử nhân loại: 830.000 người đã chết ở Trung Quốc 500 năm trước - Ảnh 1.

Theo tài liệu lịch sử được các địa phương trong khu vực chịu động đất đặc biệt nghiêm trọng ghi chép lại, số người chết trong trận động đất Hoa Huyện ước tính là 830.000 người. Ảnh: baike.com

Tần Khả Đại - một quan chức dưới thời nhà Minh, người đã trực tiếp trải qua trận động đất Hoa Huyện - trong "Địa trấn ký" viết: "Số nạn nhân trong thảm họa chiếm 70% dân số ở Đồng Quan và Phổ Bản, 60% ở Đồng Châu và Hoa Âm, 50% ở Vị Nam, 40% ở Lâm Đồng, 30% ở Tây An. Còn ở các châu huyện khác, số lượng thương vong tùy thuộc vào mức độ mặt đất sụt lở”.

Theo tài liệu lịch sử của Trung Quốc, vào năm Long Khánh thứ 6 dưới thời nhà Minh, dân số của Hoa Âm và Hoa Huyện trong khu vực tâm chấn là 178.000 người. Dựa trên tỷ lệ tử vong là 60%, số người chết ước tính trong khoảng từ 100.000 đến 120.000 người.

Cũng theo tài liệu lịch sử, các huyện có hàng chục nghìn người chết trong trận động đất bắt đầu từ Kinh Dương ở phía Tây và đến An Ấp ở phía Đông; các quận có hàng nghìn người chết trong trận động đất bắt đầu từ Bình Lạng ở phía Tây, phía Bắc đến Khánh Dương và phía Đông đến Giáng Huyện.

Trang tin 163.com nhận định rằng, trong một khu vực rộng lớn như vậy, số người chết trong trận động đất Hoa Huyện là rất khủng khiếp.

Thiên tai nối tiếp thiên tai

Trận động đất xảy ra vào giữa mùa đông, các nạn nhân chết rét, chết đói và các thảm họa khác tiếp sau trận động đất, cũng như năm tiếp theo lại bùng phát dịch hạch ở quy mô lớn khiến vô số người chết.

Theo trang tin 163.com, nguyên nhân khiến trận động đất Hoa Huyện gây ra tổn thất to lớn không chỉ là do cường độ lớn của trận động đất và mật độ dân số dày đặc ở tâm chấn, mà còn do khu vực xảy ra động đất nằm trong lưu vực thung lũng sông và đồng bằng phù sa, với trầm tích hoàng thổ mềm, mực nước ngầm dâng cao, nền đất yếu khiến các hang động hoàng thổ (những ngôi nhà được xây dựng trực tiếp vào vách đá hoàng thổ mềm) dễ bị sụp đổ.

Bên cạnh đó, trận động đất Hoa Huyện xảy ra vào lúc nửa đêm, khi mọi người đang ngủ say mà không hề có một chút chuẩn bị nào. Hai năm trước trận động đất, có một đợt hạn hán nghiêm trọng ở vùng Quan Trung, và ở đó năm nào cũng thiếu lương thực, nên sau trận động đất, người dân nơi đây hoàn toàn mất khả năng chống chọi với thiên tai.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại