Thế trận siêu cường Trung, Nga, Mỹ: Tìm kiếm uy vọng tại Cực Bắc?

An Bình |

Băng đang tan và nguồn tài nguyên dồi dào đang dấy lên một cuộc chạy đua giữa các cường quốc về sự thống trị tại Bắc Cực.

Theo Asia Nikkei Review, Bắc Cực đang ngày càng nóng lên, cả về nghĩa đen lẫn ảnh hưởng địa chính trị.

Khi hiệu ứng nhà kính đang khiến băng ở các vùng biển xa tan chảy, Bắc Cực đang trở thành một điểm nóng về tiềm năng phát triển. Các cường quốc lớn như Nga và Trung Quốc đang tìm cách kiểm soát các nguồn tài nguyên và các tuyến vận tải ở đây - điều dấy lên nguy cơ biến nơi đây trở thành một điểm nóng về an ninh.

Băng tan mở cơ hội phát triển?

Vào tháng 3, một con tàu lớn vận chuyển khí tự nhiên hoá lỏng LNG rời bán đảo Yamal của Nga- nơi có dữ trữ khí đốt lớn nhất thế giới. Con tàu này đang vận chuyển lô hàng LNG đầu tiên từ bán đảo Yamal qua qua eo biển Bering để tới Ấn Độ.

Tập đoàn năng lượng Nga Novatek đang sản xuất LNG tại Yamal. Ông Lev Feodosyev, phó chủ tịch thứ nhất của Novatek, nói: "Chuyến hàng đầu tiên được giao đến thị trường Ấn Độ là một bước phát triển quan trọng".

Biến đổi khí hậu đã làm cho việc này là có thể.

Băng Bắc cực đang dần thu hẹp do nhiệt độ trung bình của Trái Đất đang gia tăng. Theo chương trình Theo dõi và Đánh giá Bắc cực, một nhóm làm việc thuộc Hội đồng Bắc cực liên Chính phủ, sớm nhất là vào năm 2030, Bắc Băng Dương có thể không còn băng đá trong mùa hè.

Xu hướng này đang mở ra các tuyến đường vận chuyển mới mà trước đây từng được coi là không thể giao dịch, với những ý nghĩa kinh tế và địa chính trị quan trọng. Lợi ích ngay lập tức sẽ đến từ việc thời gian vận chuyển ngắn hơn. Việc đi thuyền từ Yamal đến Đông Á chỉ mất khoảng hai tuần, một nửa thời gian cần thiết cho tuyến đường hiện tại qua Kênh đào Suez và Ấn Độ Dương, theo một cuộc khảo sát của các công ty vận tải.

Trong khi đó, Vòng Bắc cực không chỉ là một vùng đất trống rỗng: nơi này có thể chứa khoảng 30% lượng khí đốt chưa được phát hiện trên thế giới, theo ước tính của cuộc khảo sát địa chất Hoa Kỳ.

Nga vội vã thể hiện sức mạnh

Nga đã không lãng phí thời gian để thực hiện chiến lược khai thác nguồn lực tại Bắc cực.

Tháng 12 năm ngoái, Tổng thống Vladimir Putin đã thực hiện một chuyến đi đến Yamal. Nhiệt độ tiếp cận đến âm 30 độ C và bầu trời luôn lờ mờ tối trong cả ngày, nhưng ông Putin vẫn giữ được tinh thần tích cực trong buổi lễ ra mắt nhà máy sản xuất LNG.

Nga đã nhận được một số trợ giúp tại Yamal. Trung Quốc đang trả tiền cho một phần của dự án phát triển LNG ở đây. Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc nắm giữ 20% cổ phần nhà máy này, thêm 9,9% cổ phần từ số tiền đóng góp ban đầu thuộc Quỹ Tơ lụa của Bắc Kinh.

Than đá chiếm 60% lượng tiêu thụ nhiên liệu của Trung Quốc, nhưng nước này đang chuyển hướng sang khí tự nhiên để chống lại ô nhiễm không khí. Trung Quốc dự kiến sẽ sớm vượt Nhật Bản trở thành nước tiêu thụ LNG hàng đầu thế giới- điều này lý giải tại sao Bắc Kinh lại đang đầu tư vào các dự án khí trên toàn cầu.

Đối với Nga, dự án Yamal chỉ là sự khởi đầu. "Tuyến đường biển phía Bắc sẽ trở thành chìa khoá cho sự phát triển của Nga tại Bắc cực và các vùng Viễn Đông. Và đến năm 2025, lượng lưu thông qua đây sẽ tăng gấp 10 lần lên 80 triệu tấn", ông Putin nói về tuyến vận tải quan trọng tại đây trong bài phát biểu liên bang vào ngày 1/3." Nhiệm vụ của chúng tôi là biến nó thành một đường vận chuyển thật sự toàn cầu và mang tính cạnh tranh. "

Moscow cũng đang khởi động một dự án thứ hai của LNG tại Yamal, được gọi là Bắc Cực LNG 2, với kế hoạch phát triển khí đốt bắt đầu vào năm 2019. Nga muốn tăng sản lượng LNG hàng năm của khu vực này lên 50 triệu tấn vào năm 2030.

Vào tháng 11, Novatek và CNPC đã ký một thỏa thuận hợp tác chiến lược về Bắc Cực LNG 2. Ấn Độ hiện cũng đang nhập khẩu LNG từ Yamal, và Saudi Arabia hiện cũng nổi lên như những đối tác tiềm năng.

Nga cũng đang tìm kiếm sự hợp tác với một quốc gia có thể bị tổn thương bởi sự gia tăng vận tải ở Bắc cực: Singapore.

Singapore đang xây dựng nền kinh tế của mình dựa trên hoạt động thương mại hàng hải và sẽ cảm thấy tác động nếu rất nhiều lưu lượng hoạt động bị chuyển hướng. Tuy nhiên, công nghệ vận chuyển trên biển và các công nghệ khác của Đông Nam Á rất hấp dẫn đối với Nga, và vẫn có thể có cơ hội hợp tác.

Thứ trưởng Ngoại giao Thứ nhất của Nga Vladimir Titov đã tổ chức các cuộc hội đàm vào ngày 26/3 tại Moscow với ông Sam Tan Chin Siong, quan chức ngoại giao cao cấp của Văn phòng Thủ tướng Chính phủ Singapore. Trong đó, hợp tác Bắc cực là chủ đề chính trong cuộc thảo luận của họ.

Mỹ đảo ngược chiến lược Bắc Cực

Trong khi đó, một cường quốc Bắc Cực khác cũng đang tìm kiếm một chỗ đứng vững chắc hơn tại khu vực này.

Thế trận siêu cường Trung, Nga, Mỹ: Tìm kiếm uy vọng tại Cực Bắc? - Ảnh 1.

Hải quân Mỹ đang đối mặt thách thức gia tăng từ Nga và Trung Quốc tại Bắc Cực. (Nguồn: AP)


Vào tháng 1, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã công bố kế hoạch mở cửa hầu hết các vùng lãnh thổ nước ngoài của Hoa Kỳ để khoan dò tìm dầu và khí đốt, bao gồm các khu vực được bảo vệ trước đây ở Bắc Cực. Ông Trump đã làm đưa ra những khác biệt lớn về chính sách năng lượng theo định hướng môi trường của người tiền nhiệm, Barack Obama, và ưu tiên khai thác các nguồn lực. Các dự án dầu khí ở tiểu bang Alaska, đối mặt với Bắc Cực, có thể bắt đầu vào năm 2019.

Bộ trưởng Nội vụ Ryan Zinke cho biết: "Chúng tôi muốn phát triển ngành công nghiệp năng lượng ngoài khơi của nước tôi" - báo hiệu mong muốn của chính quyền Trump để bắt kịp với Nga trong khu vực.

Trung Quốc tìm đường tới Cực Bắc

Trung Quốc cũng đã khiến thế giới chú ý về mục tiêu của họ tại Bắc Cực. Vào tháng 1, chính phủ nước này đã công bố sách trắng có tiêu đề "Chính sách Bắc cực của Trung Quốc". Văn bản này mô tả Trung Quốc là một "quốc gia gần Bắc Cực" và là "một bên liên quan quan trọng trong các vấn đề Bắc cực". Theo quan điểm của Bắc Kinh, những gì xảy ra trong khu vực này có "tác động trực tiếp" đến lợi ích của họ.

"Việc sử dụng các tuyến đường biển, thăm dò và phát triển các nguồn tài nguyên ở Bắc Cực có thể có tác động rất lớn đến chiến lược năng lượng và phát triển kinh tế của Trung Quốc", tài liệu nói.

Trung Quốc có khả năng quân sự để tự khẳng định mình tại Bắc Cực. Ví dụ, họ có thể triển khai các tàu ngầm hạt nhân được trang bị tên lửa đạn đạo tới các vùng biển này.

Năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tổ chức một loạt các cuộc họp với các nhà lãnh đạo từ các nước phía Bắc như Nga, Phần Lan, Na Uy và Đan Mạch. Những cuộc thảo luận này rõ ràng là nhằm tăng cường ảnh hưởng của Trung Quốc.

Nhiều quốc gia - đang thận trọng với sự mở rộng kinh tế và quân sự của Trung Quốc - vẫn rất chú ý tới động thái của Bắc Kinh tại Bắc Cực.

"Trung Quốc vẫn chưa công bố mục tiêu cuối cùng của việc đầu tư vào Bắc Cực", Yusuke Honda, một nhà nghiên cứu thuộc Quỹ Hòa bình Sasakawa, cho biết. "Việc không có đủ thông tin làm cho các quốc gia lân cận dễ nghi ngờ và lo sợ."

Vào tháng 3, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương (PACOM) Mỹ, Đô đốc Harry Harris đã cảnh báo về chiến lược "con đường tơ lụa Bắc Cực" của Bắc Kinh, nói rằng Trung Quốc "rõ ràng coi Bắc Cực là một mục tiêu hướng tới". Mặc dù không có lãnh thổ gần Bắc Cực, ông Harris nói, Trung Quốc "đang đặt tiền của mình ở nơi miệng của họ vươn tới."

Một số quốc gia bị thu hút bởi các nguồn đầu tư từ Trung Quốc, nhưng vẫn lo ngại về các “sợi dây thừng” có thể siết chặt.

Vào tháng 3, một công ty liên doanh Trung Quốc là một trong những ứng cử viên cuối cùng của dự án mở rộng sân bay tại Greenland - một khu vực tự trị thuộc vương quốc Đan Mạch.

Điều này không có gì đáng ngạc nhiên: Trong chuyến thăm Trung Quốc năm 2017, Thủ tướng Greenland Kim Kielsen bày tỏ kì vọng rằng Trung Quốc sẽ đảm bảo đầu tư tới đây. "Chuyến thăm của chúng tôi tới Trung Quốc cần được xem xét trong bối cảnh tìm kiếm nguồn tài trợ cho những khoản đầu tư trong tương lai", Kielsen cho biết trong một cuộc họp với một quan chức cấp cao của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc.

Tuy nhiên, Đan Mạch, hiện duy trì quan hệ chặt chẽ với Hoa Kỳ, đã đặt ra những lo ngại về sự tham gia của Trung Quốc trong dự án sân bay ở Greenland.

Sức ép an ninh tại vùng cực

Làn sóng tìm kiếm lợi ích quốc tế từ các nguồn tài nguyên Bắc Cực đang gây ra những lo ngại về an ninh. Một lần nữa, hai siêu cường quân sự (Mỹ, Nga) đang “dè chừng” nhau qua Bắc Băng Dương, và sự nổi lên của Trung Quốc như một cường quốc thứ ba cũng làm phức tạp thêm tình hình.

Ông Putin đã thành lập Hạm đội Bắc Hải ở Murmansk, một thành phố cảng Bắc Cực. "Chúng tôi sẽ không đe doạ ai, nhưng chúng tôi, bằng cách sử dụng lợi thế của mình, trong trường hợp nhằm bảo vệ lãnh thổ, sẽ đảm bảo an ninh của Nga và các công dân của mình", ông Putin cho biết trong một bộ phim tài liệu được trình chiếu trên truyền hình quốc gia vào tháng 3. "Khu vực Bắc Cực rất quan trọng đối với Nga."

Vào cuối tháng 3, một máy bay chống ngầm của Nga lần đầu tiên đã bay qua Bắc Cực để tới Bắc Mỹ kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Chuyến bay này đã dấy lên căng thẳng khi Mỹ và Anh đang tiến hành các cuộc tập trận dưới biển vào thời điểm đó. Các chuyên gia coi đây là một lời cảnh báo từ Moscow tới Washington.

Trong khi Hiệp ước Nam Cực, được ký vào năm 1959 để đảm bảo việc khai thác khu vực này một cách hòa bình, thì Bắc cực lại không được như vậy. Hội đồng Bắc cực - diễn đàn của tám quốc gia bao gồm Hoa Kỳ, Nga và Đan Mạch - đang dẫn đầu những tranh cãi về quyền khai thác ở đây. Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã tham gia tổ chức này với vai trò quan sát viên từ năm 2013.

Dù vậy, đã có một số tín hiệu tích cực. Năm 2017, mười nước, trong đó có Hoa Kỳ, Nga, Nhật Bản và Liên minh châu Âu đã đồng ý cấm đánh bắt cá thương mại ở Bắc Băng Dương trong ít nhất 16 năm. Cựu Tổng thống Iceland Olafur Ragnar Grimsson, hiện là chủ tịch của Vòng Bắc Cực cho biết một số cơ sở quân sự ở Bắc Cực đã bị đóng cửa. Điều này, theo ông, đang mở đường cho sự hợp tác quốc tế lớn hơn nữa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại