Sau gần một thập kỷ thống trị bóng đá châu Âu với 2 chức vô địch Euro liên tiếp (2008-2012), Tây Ban Nha đã sa sút một cách nghiêm trọng và thất bại ở World Cup 2014 là minh chứng rõ ràng nhất. Tiki - taka, “đặc sản” đã đưa Bò tót lên đỉnh vinh quang không còn được duy trì khi bộ khung gồm những cầu thủ đang thi đấu cho Barca không giữ được phong độ.
Thất bại trước ĐT Pháp 0 - 1 ở trận giao hữu cách đây vài ngày càng khiến niềm tin vào La Roja ngày càng bị lung lay hơn bao giờ hết.
May mắn cho HLV Del Bosque và các học trò là họ rơi vào một bảng đấu không quá khó và ở trận đầu ra quân, đối thủ của Tây Ban Nha cũng chỉ là Macedonia, một cái tên không được đánh giá cao. Dẫu vậy, điều quan trọng nhất đối với các nhà ĐKVĐ châu Âu là họ cần lấy lại sự tự tin, cũng như định hình được lối chơi để hướng tới mục tiêu cao hơn là bảo vệ chức vô địch.
Cũng giống như Tây Ban Nha, Italia đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề cả ở trong lẫn ngoài sân cỏ. Chiến thắng 2-0 trước Hà Lan cách đây vài ngày không nói lên nhiều điều bởi dù sao, đó cũng chỉ là một trận đấu vô thưởng vô phạt. Đây không phải bây giờ người ta mới nhắc đến sự đi xuống của nền bóng đá đất nước hình chiếc ủng bởi kể từ sau chức vô địch World Cup 2006, gần như không có một cuộc cách mạng nào để đưa bóng đá Italia đột phá, giống như Đức hay Tây Ban Nha đã từng có được.
Một ông lớn khác của bóng đá châu Âu cũng đang gặp khó khăn trước lượt trận vòng loại Euro 2016 là đội tuyển Anh. Có thể ở kỳ chuyển nhượng vừa qua, Premier League là giải đấu thu hút được nhiều ngôi sao nhất, chi ra số tiền nhiều nhất, nhưng nó lại phản ánh một thực tế hết sức đau lòng rằng chất lượng cầu thủ Anh đang ngày một đi xuống.
Trong trận giao hữu gặp Na Uy hôm thứ 4 vừa qua, đội quân của HLV Roy Hodgson dù đã có được chiến thắng 1-0 nhưng có thể khẳng định, Tam sư đã thể hiện một lối chơi vô hồn và thiếu sinh khí.
Ngược lại với Anh, Tây Ban Nha và Italia, Hà Lan và Đức lại đang có những bước tiến vô cùng mạnh mẽ. Nếu như ĐT Đức vô địch World Cup 2014 bằng lối chơi khoa học, là sự kết tinh của quá trình cách mạng bóng đá bền vững và lâu dài, thì Hà Lan thời hậu Van Gaal vẫn duy trì được lối đá tấn công hoa mỹ, đẹp mắt.
Còn với Pháp, HLV Didier Deschamps đang đưa Les Bleus đi theo một lộ trình rất đúng hướng, mạnh tay loại bỏ những mầm mống tiêu cực, tin tưởng vào lứa thế hệ tài năng như Raraph Varane, Mangala, Paul Pogba . . . Sẽ là chẳng bất ngờ nếu như Pháp dễ dàng vượt qua vòng loại, thậm chí là đăng quang ở VCK Euro sau 2 năm nữa.
Tất nhiên, việc vượt qua vòng loại Euro 2016 đối với các ông lớn châu Âu không phải là nhiệm vụ quá khó, tuy nhiên trong quá khứ, cũng không thiếu những cú sốc đã xảy ra. Cả Anh, Pháp hay Italia đều đã là nạn nhân của những cú sốc đó và chắc chắn, họ không muốn nó tiếp tục xảy ra ở giải đấu lần này.