Olympic Việt Nam từng đấu tập với Hà Nội T&T, ông đánh giá thế nào về đội bóng của HLV Miura qua trận đấu này?
Trận đó (hôm 5/3) chúng tôi thua 1-3, một phần do đội mới tập trung được vài ngày. Tuy nhiên theo tôi, để đánh giá về Olympic Việt Nam lúc này là hơi vội vàng.
HLV Miura làm việc với bóng đá Việt Nam chưa lâu, Olympic Việt Nam lại là đội bóng mới, gồm nhiều cầu thủ trẻ mới được tập với nhau trong thời gian ngắn.
Theo tôi, ông Miura vẫn đang trong thời gian thử nghiệm đội hình, xây dựng lối chơi của đội bóng. Trong các trận đấu vừa rồi của Olympic Việt Nam, ông Miura đã thay đổi cầu thủ liên tục.
Olympic Việt Nam vừa qua bị chỉ trích nhiều về lối chơi, gần nhất là sau trận thua U23 Thái Lan. Ông nghĩ sao về chuyện này?
Tôi thực sự cảm thấy lạ về việc đó. Đầu tiên như tôi nói ở trên, đây chưa phải là lúc nên đánh giá hay kết luận về công việc của ông Miura cũng như chuyên môn của đội bóng.
Thứ hai, vòng loại U23 châu Á thực chất không phải là sân chơi của Việt Nam. Chúng ta đang đòi hỏi Việt Nam phải thắng ở bảng đấu có cả sự hiện diện của Nhật Bản, vô hình trung gây áp lực cho ông Miura và các cầu thủ.
Tôi cho rằng chúng ta chỉ nên xác định ở trận đấu với Malaysia, vì đây là đối thủ ngang với Việt Nam trong khu vực.
Giải đấu quan trọng của Việt Nam sau đây phải là SEA Games. Đến SEA Games chúng ta nhận xét cũng chưa muộn.
Riêng U23 Thái Lan, họ là đội bóng mạnh ở khu vực, nhiều cầu thủ từng thi đấu ở AFF Cup 2014.
Thành tích ở ASIAD 17 của Thái Lan cũng rất tốt. Thất bại trước họ nên được phân tích ở các góc độ chuyên môn tôi nghĩ sẽ có ích hơn. Theo tôi với những phản ứng như vừa rồi, chúng ta đang tự làm khó mình.
Nhiều ý kiến vừa qua chỉ trích HLV Miura đối với cách sử dụng các cầu thủ HA.GL ở đội tuyển Olympic Việt Nam, như Tuấn Anh đặc biệt là Công Phượng?
Chính việc đó đang gây áp lực lên Công Phượng và các cầu thủ HA.GL. Chúng ta không phủ nhận Công Phượng có tài năng, nhưng đến mức nào là vấn đề cần bàn.
Tôi cho rằng nên coi những gì Công Phượng thể hiện là “tín hiệu” để chờ đợi. Còn để thành công, chứng tỏ được mình, Công Phượng cần cả quá trình phía trước.
Chừng nào cậu ấy có thành tựu rồi, khi đó chúng ta khen cũng chưa muộn. Công Phượng mới thể hiện được ít nhiều ở các giải trẻ, và giao hữu, trong khi tính chất các giải đấu rất khác nhau. V.League khác mà SEA Games càng khác.
Công Phượng có tiềm năng, nhưng lúc này còn chưa thể tới được đẳng cấp như Văn Quyết hay Công Vinh. Chúng ta nên bình tĩnh để chờ đợi thì sẽ tốt hơn.
Truyền thông vừa qua khai thác quá nhiều khía cạnh liên quan tới Công Phượng và cả các cầu thủ HA.GL. Thực sự có lúc tôi thấy thương các em phải chịu quá nhiều áp lực.
Ông đánh giá thế nào về chuyên môn của các cầu thủ HA.GL ở đội tuyển Olympic?
Đây là vấn đề tế nhị, tuy nhiên nếu để đánh giá, tôi cho rằng lứa trẻ HA.GL hơn các đội khác là lối chơi. Đây là kết quả nhiều năm đào tạo của Học viện HA.GL.
Xét về cá nhân, chúng ta hiện nay cũng chỉ đếm được vài cầu thủ thực sự xuất sắc như Công Phượng, Tuấn Anh hay Xuân Trường.
Có thể anh Đức (Chủ tịch HA.GL Đoàn Nguyên Đức-pv) có quan điểm riêng, nhưng theo tôi một CLB cần xây dựng truyền thống, có sự kế thừa.
Các đội bóng trên thế giới đều vậy, luôn kết hợp cầu thủ cũ và cầu thủ trẻ. Cầu thủ trẻ như vậy mới có điểm tựa về cả tinh thần và chuyên môn để hoàn thiện bản thân. HA.GL có lẽ đã vội vàng.
Cảm ơn ông.
Ngày 23/3, đội tuyển Olympic Việt Nam có mặt tại Kuala Lumpur (Malaysia) để chuẩn bị cho vòng loại U23 châu Á 2016.
Theo lịch, Olympic Việt Nam sẽ lần lượt gặp Malaysia (27/3), Nhật Bản (29/3) và Macau (31/3).
Trận đấu với chủ nhà Malaysia được xác định mang tính chất quyết định đến việc giành vé dự VCK U23 châu Á của Việt Nam.