Ở cuộc bầu chọn cầu thủ Việt Nam được yêu thích nhất năm 2015 dựa trên lượt bình chọn của độc giả trên Internet, Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường là ba người có lá phiếu cao nhất.
Không khó đoán khi Công Phượng và Tuấn Anh có lá phiếu áp đảo so với người đồng đội Xuân Trường.
Thực tế, ngay từ khi còn khoác áo ĐT U19 cho tới khi lên chơi V.League, Xuân Trường cũng lép vế hơn so với Công Phượng và Tuấn Anh.
Người hâm mộ và giới truyền thông ca tụng Công Phượng là số 1 trong số các cầu thủ của học viện HAGL JMG, trong khi bầu Đức thì luôn miệng nói Tuấn Anh là gương mặt ưu tú của học viện này.
Xuân Trường rất ít khi được nhắc đến, ngay cả trong danh sách tập trung của ĐT U23 Việt Nam, anh cũng chỉ được nhận chiếc vé vớt cuối cùng.
Khi bầu Đức lên kế hoạch xuất ngoại cầu thủ của mình bằng việc liên kết với các CLB Nhật Bản để các cầu thủ của ông được cơ hội cọ xát kinh nghiệm quốc tế thì Tuấn Anh và Công Phượng là 2 cái tên được nhắc đến.
Nhưng cần nói thêm rằng, nếu như thương vụ Công Phượng mang nhiều yếu tố thương mại, thì Tuấn Anh lại nằm trong kế hoạch trao đổi cầu thủ giữa HAGL và Yokohama FC.
Đó cũng là lý do, cả Tuấn Anh lẫn Công Phượng đều không qua những bước kiểm tra, thử việc gắt gao của các đội bóng chuyên nghiệp ở Nhật Bản (dù chỉ là J.League 2).
Xuân Trường là trường hợp hoàn toàn khác khi chính CLB của Hàn Quốc Incheon United đã theo dõi anh từ lâu và sang tận Việt Nam để liên hệ ký hợp đồng (Phía HAGL phải sang Nhật Bản liên hệ trước trong thương vụ của Công Phượng, Tuấn Anh).
Họ cũng đặt ra những yêu cầu nghiêm ngặt trong thử việc cũng như kiểm tra y tế mới quyết định ký hợp đồng.
Bản thân đội bóng Incheon United cũng ở tầm cao hơn hẳn so với 2 CLB ở J.League 2, bởi họ hiện đang là một trong những đội mạnh nhất của giải đấu cao nhất Hàn Quốc.
Đáng chú ý hơn, thương vụ của Xuân Trường là trường hợp cầu thủ Đông Nam Á đầu tiên chơi bóng ở K.League. Xuân Trường cũng có hợp đồng cho mượn tới 2 năm, trong khi 2 đồng đội chỉ được chơi 1 năm duy nhất.
Dường như chính tính chất của các thương vụ hợp đồng khác nhau đã ảnh hưởng đến cách đối xử của các đội bóng với 3 cầu thủ trên cũng khác nhau.
CLB Mito Hollyhock có vẻ cũng không quá quan trọng chuyện Công Phượng liệu có được ra sân thi đấu và đóng góp về mặt chuyên môn hay không.
Nên dù Công Phượng bị chấn thương vai, họ vẫn để cho cầu thủ này được ăn tết cổ truyền ở quê nhà, tập trung muộn, và cũng đăng ký muộn hơn. Những hình ảnh Công Phượng gửi về từ Nhật Bản đều gắn liền với một thương hiệu hoặc nhãn hàng với mục đích quảng cáo.
Còn Tuấn Anh gần như mất tích hoàn toàn kể từ ngày sang Nhật. Không thấy những đoạn clip quảng cáo hay phỏng vấn đón chào. Cầu thủ người Thái Bình còn chẳng được đăng ký thi đấu trong những trận đấu gần đây của CLB Yokohama.
Khả năng Tuấn Anh có thể thi đấu ở những trận đấu sau đó cũng không cao khi mà đội bóng này đang lận đận với những kết quả không tốt đầu mùa.
Xuân Trường thì hoàn toàn khác, anh phải sang Hàn Quốc từ rất sớm dù giải K.League khai mạc sau J.League. Không những thế, Xuân Trường còn có cả một công ty quản lý riêng của mình.
Anh được CLB Incheone United đặt ở vị trí trang trọng trong các bản tin của đội bóng, và luôn xuất hiện giữa đám đông như một ngôi sao ở Hàn Quốc. Anh được CLB Incheon United lập riêng một fanpage với một buổi tiệc nhỏ ra mắt rất chuyên nghiệp.
Thông tin về những buổi offline của Xuân Trường với người hâm mộ hoặc mọi động thái của anh đều được CLB cập nhất một cách nhanh nhất.
Cách đối xử ấy của Incheon United dành cho Xuân Trường cho thấy anh có vị trí đặc biệt quan trọng trong đội bóng chứ không phải chỉ sang cho hết năm rồi về.
Còn quá sớm để nói về khả năng thành công của 3 cầu thủ này khi xuất ngoại, nhưng cách Incheon United dành sự quan tâm đặc biệt cho Xuân Trường, trong khi Tuấn Anh và Công Phượng không được truyền thông và người hâm mộ Nhật Bản đánh giá cao, cho thấy một thực tế việc định vị giá trị cầu thủ Việt Nam rõ ràng có vấn đề.