Đêm nay (22-3), tại Bangkok, đội tuyển U-23 Việt Nam chơi trận giao hữu cuối cùng trên đất Thái Lan nhằm giúp ông Miura hoàn thiện đội hình cho vòng loại U-23 châu Á đầy cam go.
Trong số 23 gương mặt trẻ, có đến 2/3 quân số lần đầu tiên lên tuyển nên không dễ thích nghi các bài tập nặng và khó của ông Miura cùng chạy đua với thời gian.
Việc có quá nhiều cầu thủ bị chấn thương phải ở nhà và vẫn còn bốn trường hợp bị đau khác theo đội là một nỗi lo lắng ngoài tiên liệu của ông Miura.
Ngoài một vài vị trí có kinh nghiệm ở mỗi tuyến, còn lại rất khó xác định HLV Miura sẽ xây dựng lối chơi kiểu gì, sau bốn trận giao hữu ông xáo trộn liên tục đội hình xuất phát.
Ông thầy người Nhật yêu thích lối chơi tấn công dựa trên sơ đồ 4-4-2 nhưng cũng có khi ông dạy học trò đá 4-5-1 hoặc chơi với ba trung vệ thủ dày ở trung tuyến theo hệ thống 5-4-1.
Từ cái cách nhào nặn cầu thủ theo triết lý bóng đá của mình, có thể thấy ông Miura đã tính xa đến khả năng gặp gỡ các đối thủ có những điểm mạnh, yếu khác nhau ở vòng loại U-23 châu Á.
Nó còn nói lên việc ông Miura không phụ thuộc vào bất cứ cách chơi hoặc con người nào nhằm dễ dàng thay đổi và ứng phó với các đối thủ khác nhau trong nhiều tình huống khác nhau.
Ông Miura ở nhiều cuộc thử nghiệm vẫn chưa cho thấy độ tin cậy cao vào các phương án tác chiến, phần lớn do con người ông có trong tay hạn chế, sau những chấn thương bất đắc dĩ.
Tuy nhiên, giữa việc đánh trận giả và vào đấu trường thật là rất khác nhau mà các đội tuyển do ông Miura dẫn dắt hồi năm ngoái từng thể hiện gây thiện cảm cho giới hâm mộ.
HLV Miura cũng không có thói quen chiều chuộng cầu thủ có tiếng tăm mà tất cả đều phải dốc sức phục vụ cho lối chơi của một tập thể gắn bó.
Ví như chân sút hay nhất Công Vinh hay đội trưởng Tấn Tài hồi đá AFF Cup vẫn thường xuyên ngồi ghế dự bị và tùy vào từng đối thủ, ông Miura có cách sắp xếp nhân sự phù hợp.
Lần này đá giải U-23 Việt Nam, người ta cũng không hề thấy sự thiên vị nào trong các phép tính của HLV Miura, theo kiểu phải dựa vào phần lớn cách chơi đẹp của “lò” HA Gia Lai Arsenal JMG hay phải có ý thức phục vụ cho nhân vật trung tâm.
Ông không chắc chọn Công Phượng luôn đá chính ở hàng công hoặc Tuấn Anh là hạt nhân của những đợt tấn công trung lộ,…
Cho đến trận thứ tư đá tập với Đồng Nai, người ta vẫn thấy ông Miura ráo riết thử nghiệm và ở trận giao hữu cuối cùng với U-23 Thái Lan, có thể đội tuyển U-23 Việt Nam sẽ tiếp tục sàng lọc tìm ra nhiều phương án đánh trận hiệu quả nhất.
Ông Miura đã tính rất kỹ đường đi nước bước cho các học trò tại vòng loại U-23 châu Á và việc đội tuyển có thành sự hay không là… tại trời.
Hai thái cực của một trận đấu
Nếu HLV Kiatisak thanh thản hơn ở những nốt nhạc hoàn chỉnh thì đồng nghiệp Miura còn phải làm khối việc trong trận giao hữu cuối.
Cách đây hơn một tuần, trên sân Thống Nhất, HLV Miura còn phải khổ sở chỉ bảo học trò trong cách ném biên để đồng đội thuận lợi nhất khi nhận bóng.
Và mỗi động tác đấy ông cũng đã làm đi làm lại cho học trò vài ba lần. Nói thế để thấy rằng thực trạng U-23 Việt Nam đang tiếp tục hoàn chỉnh.
Nó khác hẳn với U-23 Thái Lan của HLV Kiatisak có đến bảy cầu thủ từng vô địch AFF Cup 2014 và phần còn lại đa số đều có kinh nghiệm ở Asiad 17 (vào đến tứ kết) trong màu áo Olympic Thái Lan.
Không thua và thậm chí có thể thắng nhẹ nhàng, đó nhất định là phương châm của HLV Kiatisak vốn rất giỏi đặc biệt trong những trận kiểu ngoại giao.
Khả năng cao nhất của U-23 Việt Nam ra quân trận này thì hàng công vẫn là Văn Toàn và Thanh Bình, tuyến giữa rất có thể Tuấn Anh, Hùng Dũng đá trung tâm, Công Phượng đá hộ công chếch sang cánh phải, còn cánh trái là Huy Toàn.
Hàng phòng ngự vẫn sẽ là Ngọc Hải, Tiến Dũng đá trung tâm. Hai hậu vệ cánh là Đức Lương và Văn Sơn. Trong khung thành thủ môn Phí Minh Long được tin tưởng nhất trong số các thủ môn.
Ngược lại thì HLV Kiatisak đã có bộ khung của mình cùng việc vận hành từ những giải đấu trước mà nhiều cầu thủ ông thuộc dạng 3 trong 1 (đội tuyển, Olympic và U-23).