Từ chuyện X-V đến nỗi lo về VFF

Đức Phan |

(Soha.vn) - Đại hội khóa VII của VFF đã xảy ra sự cố trong cuộc bầu chọn Phó Chủ tịch phụ trách truyền thông. Và cái trục trặc nho nhỏ ấy lại để lại cho người ta nỗi lo to đùng.

Số là trong bốn vị trí chủ chốt ở VFF nhiệm kỳ 2014-2018 thì ba chức danh: chủ tịch, phó chủ tịch tài chính và phó chủ tịch chuyên môn đều là cuộc đua độc mã. Chỉ riêng chiếc ghế Phó chủ tịch truyền thông và đối ngoại là có 2 ứng cử viên là ông Nguyễn Xuân Gụ và ông Nguyễn Lân Trung, và cuộc bỏ phiếu cho vị trí này ngay lập tức có vấn đề.

Nguyên do là theo quy chế của Đại hội thì một lá phiếu chỉ được coi là hợp lệ khi phải đồng thời đánh dấu đồng ý với ứng viên này và dấu không đồng ý với ứng viên còn lại. Cho dù quy chế này đã được gửi bằng văn bản đến cho các đại biểu từ vài tuần trước, nhưng phần lớn các lá phiếu lại chỉ đánh dấu đồng ý vào một ứng viên mà không đánh dấu không đồng ý vào ứng viên kia. Vì thế, nếu chiếu theo đúng nguyên tắc thì số phiếu hợp lệ là rất ít.

Bởi vậy, ban đầu tân Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đã phải đề nghị bỏ phiếu lại. Điều này đã tạo ra những tranh cãi nảy lửa tại Đại hội và chỉ đến khi các đại biểu thống nhất biểu quyết công nhận những phiếu bầu không đúng nguyên tắc nêu trên vẫn được tính là hợp lệ, thì mọi chuyện mới được giải quyết, và ông Nguyễn Xuân Gụ là người trúng cử với 53.33% số phiếu.

Ông Lê Hùng Dũng là tân Chủ tịch VFF

Ông Lê Hùng Dũng là tân Chủ tịch VFF

Có thể thấy, về mặt bản chất thì những phiếu chỉ bầu một ứng viên mà không loại ứng viên còn lại cũng chẳng hề làm thay đổi ý nguyện của người bỏ phiếu. Nhưng ở đây nó cho thấy sự tắc trách của những đại biểu dự Đại hội. Họ đã không nghiên cứu kỹ hoặc thậm chí không đọc quy chế để rồi dẫn đến sai sót như vậy. Rõ ràng, điều này là không thể chấp nhận được. Bởi mỗi kì Đại hội đều có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với bóng đá Việt Nam. Trong khi đó, các đại biểu được dự Đại hội dĩ nhiên đều là những nhân vật có số, có má, được gửi gắm gánh vác trọng trách của nền bóng đá nước nhà.

Ấy vậy mà, chính những con người này lại còn thờ ơ, không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho sự kiện mang tính chất quyết định sự phát triển của bóng đá Việt Nam, thì liệu người hâm mộ có thể chờ đợi gì từ bộ máy VFF? Phải chăng cũng chính vì cái cung cách làm việc hời hợt, qua quýt ấy mà bóng đá Việt Nam sau bao năm vẫn dậm chân tại chỗ (nếu không muốn nói là còn thụt lùi đi), còn người hâm mộ thì ngày càng mất lòng tin vào nền bóng đá nước nhà? Hay chỉ đơn giản là lời kết luận: “Mặt bằng VFF thấp hơn mặt bằng xã hội” của cựu Chủ tịch VFF Mai Liêm Trực từ tận 10 năm trước vẫn còn nguyên giá trị?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại