Ramires – 33 triệu, Gervinho – 18 triệu, Guarin -12 triệu, chỉ trong ít ngày, các CLB của Trung Quốc đã thực hiện hàng loạt thương vụ “bom tấn” trên thị trường chuyển nhượng.
Theo con số thống kê chưa đầy đủ, Chinese Super League tiêu nhiều hơn cả những giải đấu hàng đầu thế giới như Premier League hay La Liga.
Tính cho đến ngày gần cuối, các đội bóng tại đây đã “ném” 136 triệu euro (xấp xỉ gần một tỉ nhân dân tệ) vào TTCN.
Đáng sợ hơn, ngay cả China League One (giải hạng 2 trong hệ thống của Trung Quốc) cũng đã chi tiêu tới 43 triệu euro trong kỳ chuyển nhượng, vượt trên Bundesliga của Bayern Munich, Dortmund.
Sự chịu chơi này giúp các CLB Trung Quốc ngày càng có vị thế tại khu vực châu Á. Chỉ trong vòng 3 mùa giải gần đây, họ đã 2 lần đăng quang tại AFC Champions League (đều của Guangzhou Evergrande).
Tuy nhiên, nền bóng đá của đất nước đông dân nhất thế giới lại bị là “người khổng lồ chân đất sét”. Bởi quá dựa dẫm vào các thương vụ chuyển nhượng, nhiều CLB đã không xây dựng hệ thống đào tạo trẻ tương ứng.
Hậu quả là các cấp ĐTQG Trung Quốc liên tiếp thất bại ở giải đấu trong khu vực.
Tại vòng loại World Cup 2018, ĐTQG Trung Quốc hiện chỉ xếp thứ ba ở bảng đấu sau Qatar, Hong Kong (Trung Quốc) và gần như chắc chắn không giành được vé đi tiếp.
Thành tích của U23 Trung Quốc ở VCK U23 châu Á diễn ra trên đất Qatar cũng tệ không kém. Họ thua cả 3 trận đấu và sớm về nước sau vòng bảng.
Giải thích nguyên nhân thất bại, HLV Fu Bo cay đắng thừa nhận các học trò quá thiếu kinh nghiệm thi đấu. Nhiều cầu thủ Trung Quốc ở độ tuổi 21-22 mới chỉ ra sân trên dưới 20 trận chuyên nghiệp.
Để tạo điều kiện cho cầu thủ nội được thi đấu, LĐBĐ Trung Quốc đã đưa ra quy định về số lượng nội binh trong mỗi CLB.
Nhưng quy định này lại phản tác dụng. Thay vì chú trọng đào tạo trẻ, nhiều đội bóng tuyển dụng nội binh rất vô tội vạ cho đủ số lượng nhưng hiếm khi cho vào sân.
Một số cầu thủ nội khác lại bị đội giá lên rất cao so với khả năng thực sự, khiến HLV các ĐTQG không biết phải chọn sao cho đúng.
Nhiều nhà chuyên môn dự đoán, cuộc “chạy đua vũ trang” ở Chinese Super League sẽ còn kéo dài trong ít nhất vài năm tới. Điều này làm những cá nhân có tâm huyết với bóng đá trẻ cảm thấy thực sự lo lắng.
Ở giải đấu vừa kết thúc tại Trung Đông, người Trung Quốc đã chứng kiến Qatar chi tiền vào xây dựng nền tảng đào tạo trẻ tốt thế nào.
Chỉ tiếc là các ông chủ CLB dường như không đủ kiên nhẫn chờ đợi một măng non khi mà trong tay đủ tiền đưa về các ngôi sao hàng đầu. Nếu tình trạng này vẫn tiếp tục, bóng đá Trung Quốc sẽ còn lạc lối.
Trong lịch sử, ĐTQG Trung Quốc mới chỉ một lần góp mặt tại VCK World Cup vào năm 2002.
Còn U23 Trung Quốc cũng chỉ duy nhất một lần thi đấu tại Olympic đúng năm mà nước này làm chủ nhà (Olympic Bắc Kinh 2008).