Từ tính toán của Incheon United
Trước khi chính thức ký hợp đồng với Xuân Trường, Incheon United đã nâng lên, đặt xuống rất nhiều vấn đề.
CLB này công khai chia sẻ mong muốn khi chiêu mộ Xuân Trường, sẽ gắn bó hơn tình đoàn kết Việt – Hàn trong mọi lĩnh vực, trong đó có giao lưu văn hóa, du lịch và tất nhiên cả kinh doanh...
Ấy là những ý định ở tầm vĩ mô, nên mới có cả ông Giám đốc Sở Thể thao và du lịch thành phố Incheon tới cùng rước Xuân Trường về Hàn Quốc.
Đoàn đại biểu rất đông đảo và hùng hậu từ Hàn Quốc sang đón Xuân Trường.
Riêng cho Incheon United, thì CLB này toan tính những ngạch nhỏ hơn, trong đó có việc câu kéo NHM Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở quanh nơi đội bóng này cư trú.
Hiện ở tỉnh Gyeonggi có khoảng 15.000 người Việt Nam, và Incheon United kì vọng sẽ có 10% trong số ấy đến xem CLB chơi bóng nhờ Xuân Trường.
Đến Mito Hollyhock và Yokohama FC
Theo số liệu thống kê, vào năm 2004 có 26,018 người Việt Nam cư trú hợp pháp ở Nhật Bản. Đến năm 2007, con số này tăng lên 36,860 người.
Và trong thống kê mới nhất năm 2015, tổng số người Việt Nam đang cư trú ở Nhật Bản, để sinh sống, làm việc hay học tập là... 2,172,892, một kỷ lục!
Giống với Hàn Quốc, Nhật Bản luôn là 1 trong những quốc gia có quan hệ chặt chẽ với Việt Nam về vấn đề xuất khẩu lao động, điểm đến của các du học sinh hay những người muốn xuất ngoại sinh sống.
Số lượng người Việt Nam ở hai quốc gia này ngày một tăng chóng mặt và sẽ còn lên cao nữa trong tương lai.
Đó là lý do để những người quản lý bóng đá ở hai nước này buộc phải chú ý hơn đến Việt Nam, đến việc thu hút fan Việt.
Người Nhật, người Hàn cũng muốn những hình ảnh như thế này xuất hiện trên khán đài của họ!
Trong trường hợp chiêu mộ Công Phượng và Tuấn Anh, lần lượt cả Mito Hollyhock cũng không nằm ngoài quy luật này.
Không chỉ muốn hút fan Việt Nam ở Nhật tới xem họ thi đấu, bộ đôi CLB J-League 2 thậm chí còn mong người Việt Nam ở dải đất chữ S sẽ xem họ qua truyền hình.
Nói một cách khác, chính những NHM bóng đá cuồng nhiệt Việt Nam đã thu hút các nền bóng đá phát triển hơn tìm đến và hợp tác cùng nền bóng đá nước nhà.
Nói riêng trong 3 trường hợp xuất ngoại của bầu Đức, tỷ phú phố Núi, HAGL tất nhiên có công đầu. Nhưng cái nền tảng từ xa xưa và vững chắc nhất không phải do một học viện bóng đá tạo thành.
Nền bóng đá Việt Nam có thể còn hỗn mang và chứa đựng nhiều sai sót. Nhưng trên tất cả, tình yêu bóng đá của NHM vẫn như thế hàng chục năm qua, cuồng nhiệt và say đắm.
Chính những người yêu bóng đá, theo một cách nào đó, đã đưa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường ra nước ngoài.
Và cũng là chính chúng ta, sẽ góp phần tạo nên một nền bóng đá phát triển hơn, dù có thể con đường phía trước còn lắm chông gai.
Nhóm hoạt náo viên xinh như mộng của Incheon United