Chuyện Graechen, chuyện Miura
Những ngày HAGL liên tiếp thất bại ở V-League 2015, không ít ý kiến công kích chĩa vào HLV Graechen. Nhiều người cho rằng ông thầy này chẳng có gì đặc biệt, “nhạt nhẽo” và nghèo nàn trong chiến thuật, thay đổi nhân sự…
Người ta cho rằng vì thế mà lứa cầu thủ tài năng như Công Phượng, Tuấn Anh hay Xuân Trường mới phải nhận thất bại. Song Graechen có thật sự là vấn đề?
““Có bột mới gột nên hồ”, cầu thủ HAGL kĩ thuật tốt nhưng còn thiếu kinh nghiệm. Cần phải chờ các cháu tích lũy kinh nghiệm.
Việc HAGL có mạnh lên không vừa phụ thuộc HLV dẫn dắt, vừa do chính các em tự rút kinh nghiệm” – HLV Nguyễn Thành Vinh từng chiêm nghiệm về CLB phố Núi như thế.
Và giờ đây, câu chuyện từng xảy ra với Greachen lại tái diễn, với HLV Miura trên U23 Việt Nam.
Khi chỉ trích Miura, nhiều NHM đã “quên béng” đi mất mình từng tung hô ông thầy này như thế nào với ĐTQG tại AFF Cup 2014.
Người ta từng tung hô ông thầy Nhật như một vị “thánh sống” vì đã biến từng nhân tố cũng như cả tập thể ĐTQG Việt Nam thành một điều khác lạ, hừng hực ý chí chiến đấu và nguồn thể lực thì dường như vô tận.
Song chỉ vì lứa U23 Việt Nam, với nhiều cầu thủ đôn lên từ tập thể U19 rất được yêu thích đang chơi không tốt, ông Miura lại bị vùi xuống vực sâu.
Tại Miura hay tại U19?
Nhiều người bảo Miura đang đưa ra chiến thuật không tốt, nên sử dụng chiến thuật của U19 Việt Nam. Có người lại bảo Miura dùng người không đúng, nên dùng chủ đạo người cũng từ U19 Việt Nam đôn lên.
Nhưng xin thưa, với chính cái chiến thuật ấy, HAGL đang ở đâu tại V-League 2015? Vâng họ đứng tận thứ 10, và rất có thể sẽ còn rơi nữa xuống vị trí bét bảng.
Cũng chính những con người trụ cột ở U19 Việt Nam, thiếu sức bền, sức khỏe khi lên sân chơi V-League. Những con người ấy tỏ ra bế tắc trong tấn công và vô số hớ hênh trong phòng ngự.
HLV Miura đang nhận nhiều sự chỉ trích
Thế thì lại có ý kiến cho rằng ông Miura chỉ nên nhồi thêm một số vị trí, để khỏa lấp chỗ yếu của U19 Việt Nam (hay HAGL). Nhưng mọi việc không dễ như thế.
“Cách chơi của HAGL có hay không? Hay. Vì họ ở với nhau 7, 8 năm rồi, có kĩ thuật, có qua người, có phối hợp.
Nhưng cách chơi đó, ai cũng biết rất rườm rà. Và nếu chỉ lấy đội ấy không thôi rồi xen kẽ các em khác vào thì cũng rất rắc rối” – HLV Lê Thụy Hải nhận định.
Thực tế thì U23 Việt Nam lúc này không phải lấy toàn bộ đội hình từ U19 Việt Nam đi lên. Đội bóng quả thực cũng đã hội tụ khá đầy đủ những nhân tố tốt nhất từ các lứa trẻ Việt Nam.
Nhưng ngay cả khi ấy, có vẻ như số “bột” HLV Miura đang có trong tay cũng chưa thật sự chất lượng, để ông có thể gột nên được số hồ như ý.
Quay ngược trở lại việc ông thầy Nhật bắt các cầu thủ tập nặng để gia tăng thể lực, có không ít người trách cứ HLV này vì phương pháp phản… người Việt Nam.
Những ý kiến chỉ ra rằng cầu thủ Việt… không chuyên nghiệp như Nhật Bản để yêu cầu có thể trở lại tập luyện nặng đến vậy sau một kì nghỉ Tết dài. Vậy đó là lỗi của Miura?
Chuyện HLV Miura cho tập nặng thì ai cũng biết, từ khi tập trung ĐTQG hồi tháng Chín năm ngoái rồi.
Nếu là cầu thủ trẻ sắp lên tuyển, biết phải cạnh tranh vị trí dữ dội, biết trước việc tập nặng từ các đàn anh… sao không kết hợp rèn luyện từ trong Tết?
Đó là sự yếu kém về ý thức chuyên nghiệp của các cầu thủ Việt Nam, mà ngay cả lứa trẻ tài năng của bầu Đức cũng đã không thực hiện được.
Về ý thức là vậy, còn về mặt chuyên môn, rõ ràng các cầu thủ U23 Việt Nam chưa khi nào đạt được yêu cầu của ông thầy Nhật.
Ngôi sao sáng Công Phượng mãi gần cuối thời gian tập trung, rèn luyện mới thấm được đôi chút cách đá của HLV Miura.
Trước đó, nhiều chuyên gia nhận định rằng những cầu thủ chuyên nghiệp, tài năng như Phượng sẽ không có gì khó khăn, khi chuyển từ lối chơi được đào tạo 7, 8 năm qua sang một lối chơi khác.
Nhưng thực tế cho thấy không phải như vậy. Công Phượng đã gặp quá nhiều lúng túng mà cho đến bây giờ vẫn chưa hoàn toàn thích nghi.
Công Phượng được đặt nhiều kì vọng, nhưng thực tế đang gây nhiều thất vọng
Hoặc như trường hợp của Quế Ngọc Hải, được HLV Miura tin tưởng giao cho chiếc băng đội trưởng, nhưng thực tế hậu vệ này vẫn có những sai lầm cá nhân rất ngớ ngẩn, không tập trung vào trận đấu.
Khi một hệ thống được đánh giá là chơi tốt, nhưng lại mắc nhiều sai lầm cá nhân, sự thiếu tập trung và phải trả giá, HLV luôn là người phải chịu trách nhiệm.
Nhưng thực sự thì đó là sai lầm cá nhân của cầu thủ hay của HLV? Rõ ràng khi một cầu thủ thiếu tập trung và mắc sai lầm, đó là vấn đề ở cầu thủ.
Và nếu nói rằng HLV Miura có thể đã làm công tác trước trận chưa tốt, thì xin nhìn lại ĐTQG Việt Nam.
“Tôi đã từng làm việc với nhiều HLV ngoại, ai cũng có điểm tốt nhưng HLV Miura thì khá khác biệt.
Ông ấy đã nâng cao thể lực của các cầu thủ, và luôn truyền đạt tới học trò ý chí chiến đấu rất cao.
Tất nhiên khi làm việc với các HLV ngoại khác cũng như HLV nội, chúng tôi luôn rất tôn trọng là quyết ý chiến đấu khi ra sân.
Nhưng thường thì HLV nào cũng có một bộ khung đội hình nhất định. Còn HLV Miura thì không có nên chẳng ai biết liệu mình có được ra sân hay không, mà phải nỗ lực hết mình trong các buổi tập, hay được ra sân.
Ông ấy cũng luôn rất công bằng, tạo cơ hội như nhau cho các học trò” – Văn Quyết chia sẻ về HLV Miura.
Thế để thấy, ông Miura luôn rất chăm chút, tỉ mỉ tới từng học trò. Nhưng rồi những sai lầm cá nhân, những sự hớ hênh, chệch choạc vẫn cứ xảy ra.
Tất nhiên một phần lỗi là ở HLV, nhưng việc thiếu tập trung, chậm hòa nhịp với chiến thuật của thầy Nhật lỗi nằm không ít ở chính các cầu thủ!