Silvio Berlusconi “chơi” bóng đá: Ranh giới giữa tình yêu và vụ lợi

Nhật Minh |

(Soha.vn) - Với một kẻ khôn ngoan như Silvio Berlusconi, bóng đá không đơn giản chỉ là cuộc chơi trên sân cỏ.

Silvio Berlusconi – người hùng của tifosi

Tiếp quản AC Milan vào tháng 2/1986 khi cuộc điều tra của cảnh sát kinh tế Italia phát hiện đội bóng này đang ngập ngụa trong nợ nần và đứng trước bờ vực phá sản, sự xuất hiện kịp thời của nhà tài phiệt giàu có Silvio Berlusconi chẳng khác nào vị cứu tinh đối với đội bóng sọc đỏ đen và những người yêu mến tifosi.

	Silvio Berlusconi mở ra thời kì cực thịnh cho AC Milan

Silvio Berlusconi mở ra thời kì cực thịnh cho AC Milan

Không chỉ dừng lại ở việc cứu vớt con tàu chuẩn bị đắm, bằng tiềm lực tài chính hùng mạnh của một ông trùm truyền thông, Silvio Berlusconi còn là người hùng chắp cánh đưa Milan bay vào thời kì phát triển hưng thịnh nhất trong lịch sử hình thành và phát triển đội bóng.

Tiếp cận bóng đá bằng đầu óc của một nhà kinh doanh, Berlusconi không ngại dùng tiền bạc và quyền lực trở thành bệ phóng nhanh nhất giúp AC Milan đến với thành công. Sự xuất hiện của những ngôi sao danh tiếng như Donadoni, Massaro, Galli, Galderisi, Marco van Basten hay Ruud Gullit vào thời điểm đó tại San Siro đã chứng tỏ Silvio hoàn toàn nghiêm túc với tham vọng xây dựng đế chế sọc đỏ đen. Không thể phủ nhận Berlusconi chính là chiếc chìa khóa giúp Milan mở ra thời đại hoàng kim. Trong 17 năm trị vì của “ông trùm”, phòng truyền thống của AC Milan liên tục đón vinh quang với 8 danh chiếc cúp vô địch Italia (1987-88; 1991-92; 1992-93; 1993-94; 1995-96; 1998-99; 2003-04; 2010-11), 5 lần lên đỉnh tại sân chơi danh giá nhất lục địa già (1988-89; 1989-90; 1993-94; 2002-03; 2006-07), 5 siêu cúp châu Âu (1989; 1990; 1994; 2003; 2007) cùng rất nhiều danh hiệu lớn nhỏ khác.

“Chơi” bóng đá vì tình yêu hay vụ lợi?

Không dưới một lần, Silvio Berlusconi tuyên bố cùng với âm nhạc, bóng đá chính là niềm đam mê lớn thứ hai của cuộc đời ông. Nhìn cái cách nhà tài phiệt giàu có này đầu tư vào “đứa con cưng” AC Milan, chẳng thể phủ nhận sự thật ông có yêu túc cầu giáo – nhưng chắc chắn không nhiều và không đơn thuần như những gì mà ông vẫn muốn người ta tin vào. Nói cách khác, Berlusconi “chơi” bóng đá còn vì mục đích khác, to lớn hơn cái ông định nghĩa là “tình yêu”.

	Với

Với "ông trùm", bóng đá không chỉ đơn giản là tình yêu

Vậy mục đích ấy là gì? Câu trả lời là chính trị. Trong một bài phân tích của mình, tờ New York Times từng đưa ra một kết luận ngắn gọn như sau: Berlusconi dùng tiền để đưa AC Milan lên thành công - dùng thành công của AC Milan làm bàn đạp cho mục tiêu chính trị - dùng quyền lực chính trị để duy trì thành công cho AC Milan – dùng thành công AC Milan để tiếp tục gia cố sự nghiệp chính trị.

Thực tế chứng minh trong giai đoạn “vàng” của AC Milan, Silvio Berlusconi cũng đồng thời thao túng chính trường Italia với 3 lần được bầu vào vị trí cao nhất xứ mỳ ống. Và trước mỗi lần tranh cử, Berlusconi luôn xuất hiện với tần suất dày đặc trong hình ảnh một nhà chính trị gia yêu bóng đá.

Chính khách “dân chơi”

Bên cạnh hình ảnh một Silvio Berlusconi giàu có, quyền lực và mê bóng đá, Chủ tịch Milan còn được biết đến là một “dân chơi” thứ thiệt với những phi vụ ăn chơi bốc giời, tiệc sex bunga bunga và cuộc sống tình dục sa đọa.

	Cái kết buồn cho một chính khách dân chơi

Cái kết buồn cho một chính khách dân chơi

Mới đây, ông già 76 tuổi vừa bị tòa án Milan kết án 7 năm tù giam và cấm tham gia hoạt động chính trị suốt đời vì cáo buộc mua dâm gái gọi vị thành niên. Mặc dù vẫn có quyền kháng án nhưng trong trường hợp thất bại, hình phạt dành cho Berlusconi sẽ là 11 năm ngồi bóc lịch.

Đây thực sự là một thông tin khiến fan hâm mộ AC Milan cảm thấy hoang mang tột độ. Cùng với cái kết buồn dành cho tỷ phú “chơi” bóng đá, không ai dám chắc đội bóng sọc đỏ đen không rơi vào thảm cảnh đen tối như cách đây 17 năm giống như thời điểm mà Silvio Berlusconi từng xuất hiện như một người hùng.

Tạm biệt người đàn ông quyền lực

Nhưng dù thế nào, cũng cần dành cho ông một lời tri ân sâu sắc. Dù đến với bóng đá vì động cơ gì – tình yêu hay vụ lợi, thì những đóng góp của Berlusconi đối với AC Milan nói riêng và làng túc cầu giáo Italia nói chung là điều không thể phủ nhận.

Một lần nữa, xin cảm ơn và tạm biệt ông - nhà tài phiệt "chơi" bóng đá!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại