Siêu cúp Anh báo hiệu "năm đại họa" của Chelsea?

Khánh Tùng |

Community Shield, hay còn gọi là Siêu cúp Anh, đem đến cái "dớp" cho cả kẻ thắng lẫn người thua.

Thắng mếu, thua khóc?

Thêm một danh hiệu luôn là điều đáng vui mừng. Đặc biệt là danh hiệu đó giành được sau khi đánh bại một đối thủ nhiều năm không thể thắng.

Tuy nhiên, thầy trò Arsene Wenger không nên quá tự tin cho rằng đó là dấu hiệu cho thấy họ sẽ vô địch Premier League mùa này.

Những gì đã xảy ra trong 15 năm qua nói rằng kẻ được nở nụ cười sau chiến thắng ở trận đấu mở màn mùa giải không phải lúc nào cũng là kẻ được nở nụ cười sau khi trận đấu khép lại mùa giải kết thúc.

Còn với kẻ thua cuộc Chelsea, thất bại có thể coi là một "điềm báo" xấu dành cho họ.

Chelsea sẽ không có kết quả tốt trong mùa giải này?
Chelsea sẽ không có kết quả tốt trong mùa giải này?

Một năm trước, khi Man City thất bại trong trận tranh Siêu Cúp, cũng trước Arsenal, người ta đã nhận ra đội bóng của Pellegrini nhiều vấn đề tới thế nào.

Và thực tế thì đó là mùa giải mà dù Man City vẫn cán đích ở vị trí thứ 2, họ đã phải vật lộn với vô số những nhức nhối, tới mức tương lai của HLV Manuel Pellegrini nhiều lần bị đưa lên bục phán xét.

Man City đã quá tin tưởng vào sức mạnh của đội hình đã đăng quang chức vô địch Premier League 2013-14. Họ cơ bản không có sự tăng cường nào đáng kể.

Đó là một sai lầm lớn. Và Chelsea, rõ ràng, đang phạm phải đúng sai lầm ấy.

Một mùa chuyển nhượng nhạt nhòa

Mùa Hè của The Blues đến giờ gói gọn trong 2 vụ chuyển nhượng: Mượn Radamel Falcao từ Monaco và mua Asmir Begovic từ Stoke.

Falcao được đưa về để thay thế cho Didier Drogba. Begovic được đưa về để thay thế cho Petr Cech.

Những ngày tới, Chelsea có thể sẽ đón thêm một tân binh nữa là hậu vệ trái Baba Rahman từ Augsburg. Rahman sẽ thay thế cho Filipe Luis.

Nghĩa là những người đưa về là sự thay thế chính xác cho những người đã ra đi. Đáng nói hơn, tất cả đều chỉ có trách nhiệm lấp đầy chỗ trống trên băng ghế dự bị.

Nghĩa là trong khi chưa biết Chelsea có yếu hơn hay không, họ gần như không mạnh thêm một chút nào với những sự "tăng cường" này.

Đó là chưa nói tới việc Diego Costa và Cesc Fabregas, bộ đôi đã cùng nhau tạo nên khởi đầu như mơ cho Chelsea ở mùa trước, đều có dấu hiệu bị bắt bài và sa sút đáng lo sau ngày đầu Năm mới.

Các CĐV của The Blues có thể bao biện rằng đội hình đã đăng quang chức vô địch Premier League mùa trước là gần như hoàn hảo, nên không cần phải thay đổi nhiều lắm.

Nhưng chính Jose Mourinho thì không nghĩ như thế. Ông luôn muốn đội bóng được tăng cường những gương mặt chất lượng - vừa để làm mới đội hình, vừa để gây áp lực với các cầu thủ đá chính - ngay sau khi giành chức vô địch.

Đối mặt với áp lực lớn nhưng Mourinho chưa được tăng cường lực lượng như ý.
Đối mặt với áp lực lớn nhưng Mourinho chưa được tăng cường lực lượng như ý.

Năm 2005, sau khi cùng Chelsea giành chức vô địch Premier League đầu tiên, Mourinho đã đưa về Michael Essien, Asier Del Horno và Shaun Wright-Philips.

Năm 2009, Mourinho dùng số tiền bán Ibra cho Barca để đưa về Samuel Eto'o, Wesley Sneijder, Thiago Motta và Diego Milito. Đó là khi Inter Milan của ông vừa đoạt chức vô địch Serie A.

Năm 2012, sau khi Real Madrid chấm dứt cơn khát vô địch La Liga, Jose Mourinho lập tức thuyết phục ban lãnh đạo Los Blancos chi 30 triệu bảng cho Luka Modric.

Không phải tất cả những bản hợp đồng ấy đều thành công, tất nhiên. Nhưng điều đáng nói ở đây là Mourinho luôn có ý định nâng cao chất lượng của đội bóng bất kể vừa giành chức vô địch.

Hiện tại, ông muốn Chelsea có thêm một trung vệ giỏi, một tiền vệ có thể chia sẻ gánh nặng cho Matic và Fabregas, cùng một tiền vệ tấn công có thể san sẻ áp lực sáng tạo cho Hazard, cũng như khiến cầu thủ người Bỉ cảm thấy vị trí có thể bị đe dọa.

Nhưng ông rõ ràng đã không thuyết phục được ban lãnh đạo chia sẻ suy nghĩ với mình. Dường như các sếp ở Stamford Bridge nghĩ rằng đưa Victor Moses trở lại từ Stoke là câu trả lời cho mọi câu hỏi của đội bóng!

Mourinho chỉ còn chưa đầy một tháng nữa để làm cho các ông chủ đổi ý. Nếu ông thất bại, đó có thể là khởi đầu cho những thảm họa liên tiếp.

Nên nhớ, năm thứ ba của Mourinho chưa bao giờ là một năm tốt lành. Trừ hai lần chủ động chia tay đội bóng sau năm thứ hai, với Porto và Inter, Mourinho luôn thất bại ở mùa giải thứ ba.

Mùa thứ ba với Chelsea (nhiệm kỳ đầu) chứng kiến ông vật lộn với bài toán sử dụng Andriy Shevchenko theo ý Abramovich. Ông thất bại, và Chelsea thì mất chức vô địch vào tay Man United.

Mùa thứ ba với Real Madrid là mùa đầu tiên từ khi Mourinho bắt đầu dẫn dắt Porto ông kết thúc với hai bàn tay trắng. Cuối mùa đó, Mourinho cũng bị Florentino Perez sa thải.

Mourinho vẫn mơ tới việc tạo nên một "triều đại" lâu dài ở Stamford Bridge, theo cách Sir Alex Ferguson đã làm với Man United. Thế nhưng ngay từ đầu mùa thứ ba, ông đã có đủ lý do để lo lắng cho ước mơ của mình...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại