Sau thất bại tuyển Việt Nam trước Thái Lan: Sự lạc lõng của ông Miura

Đắc Lâm |

Tỉ số 0 - 1 trên đất Thái Lan không thể hiện đúng sự chênh lệch đến khó tin giữa hai đội bóng. Tuyển Việt Nam đã thua toàn diện từ phong cách thi đấu đến tư duy chiến thuật. Dù trận thua này không phải là thảm họa, nhưng hình ảnh của ĐTVN đã xấu xí đi rất nhiều. Thậm chí, việc đưa ra lối chơi có phần quá rắn, dựa nhiều vào cơ bắp, thiếu linh hoạt và sáng tạo cũng khiến ông Miura bị “mất điểm” trong mắt người hâm mộ (NHM) Việt Nam.

Phía sau trận thua này, ông Miura sẽ không phải chịu trách nhiệm một mình. Câu hỏi rất lớn đặt ra là VFF đang đứng ở đâu trong cả lộ trình của thầy trò Miura?

Khi đội tuyển không có ai… quản lý

Điều khá ngạc nhiên: Trong cơ cấu tổ chức của VFF nhiệm kỳ này lại không có Ban các đội tuyển như những nhiệm kỳ trước.

Lạ, cũng bởi với VFF có hai phần việc quan trọng nhất: Tổ chức giải V.League và chăm lo các đội tuyển (ĐT).

Trong đó, riêng mảng V.League đã có Công ty cổ phần bóng đá Việt Nam cáng đáng, còn VFF chỉ “lo” các đội tuyển.

Ấy thế mà Ban các đội tuyển bị “khai tử”, thay vào đó chí có Phòng đội tuyển trực thuộc quyền quản lý của Tổng thư ký VFF.

Nghĩa là Phòng đội tuyển chủ yếu chỉ lo chuyện bếp núc phục vụ các đội tuyển chứ không phải bộ phận có chuyên môn cao nhất để quản lý các đội tuyển quốc gia - vốn được coi là nhiệm vụ quan trọng nhất của VFF.

Ngay cả Phòng các đội tuyển này cũng nhiều chuyện ly kỳ. Điển hình là chuyện làm trưởng phòng dễ như... đi chợ.

Cuối mùa giải 2014, ông Mai Đức Chung bị CLB Thanh Hóa cho thôi việc.

Thế là “đùng một cái”, ông Chung được mời về làm Trưởng phòng các đội tuyển, đến AFF Cup 2014, ông Chung được VFF mời làm Trưởng đoàn ĐT Việt Nam dự giải.

Thế mà, trong lúc nước sôi lửa bỏng, ông Miura phải “căng mình” ra đảm trách nhiệm vụ của cả hai đội tuyển thì ông Trưởng phòng các đội tuyển đã mau mắn “từ nhiệm” (ông Chung xin nghỉ ở VFF từ 15.5) rời căn nhà VFF để làm GĐKT cho đội B.Bình Dương!

Việc Trưởng phòng đội tuyển dễ dàng ra đi để tới làm việc ở CLB với chế độ lương bổng cao hơn cho thấy đội tuyển như bị bỏ rơi.

Chuyên môn, ai lo?

Không phủ nhận những gì ông Miura làm được cho bóng đá Việt Nam, nhưng cái thiếu của ông chính là tính sáng tạo và đột biến trong lối chơi.

Tháng 3.2015, HLV Miura dẫn ĐT Olympic Việt Nam sang Thái Lan để đá với ĐT Olympic Thái Lan.

Đó là trận đấu ĐT Olympic Việt Nam thua 1-3, nhưng điều đáng buồn, chính là cách tiếp cận trận đấu: Lối đá của ĐT Olympic Việt Nam nhạt nhẽo, thiếu gắn kết, buồn tẻ, không cảm xúc, khác hẳn với những gì mà ĐT U.19 Việt Nam đã thể hiện.

Sau trận đấu này, chuyên gia bóng đá Nguyễn Văn Vinh đã thẳng thắn nhận xét: “Sau những gì Olympic Việt Nam thể hiện, tôi thấy đó là một đội bóng không có ý tưởng, không có sự gắn kết giữa các vị trí và thậm chí không có lối chơi”.

Điều này lặp lại ở trận gặp Thái Lan. Dưới thời Miura, chúng ta có những cầu thủ khát khao cống hiến, nhưng lối chơi thì thiếu hẳn xúc cảm.

Ngay ở trận đấu giữa tuyển Việt Nam - tuyển CHDCND Triều Tiên ở Mỹ Đình, rất nhiều khán giả đã nhận xét rằng: “Đội tuyển Việt Nam chơi thứ bóng đá khô cứng như những rôbốt”.

Chúng ta đã có những cảnh báo về cách chơi quá "nhiệt" của các đội tuyển dưới thời HLV Miura, bắt đầu từ trận ĐT U.23 Việt Nam - ĐT U.23 Hàn Quốc khiến các cầu thủ chấn thương hàng loạt.

Lối chơi rắn ấy ở trận đấu với tuyển Thái Lan đã phải trả giá bằng thẻ đỏ. Câu hỏi là ai chịu trách nhiệm về chuyên môn, hay có tiếng nói phản biện để ông Miura phải lắng nghe, điều chỉnh?

Chuyện ông Trưởng phòng đội tuyển “bỏ tuyển chạy lấy người” đã đành, những người làm chuyên môn ở VFF đâu cả rồi?

Ở VFF hiện nay, người có chuyên môn cao nhất là PCT thường trực phụ trách chuyên môn Trần Quốc Tuấn.

Ông Tuấn cũng kiêm luôn chức Hội đồng HLV quốc gia. Hội đồng HLV QG, lẽ ra phải giữ vai trò cố vấn, định hướng và đặc biệt là có tiếng nói phản biện về chuyên môn thì lại thuộc về PCT VFF Trần Quốc Tuấn - một người chưa qua công tác huấn luyện một ngày nào.

Bởi thế trong suốt quá trình dẫn dắt đội tuyển của ông Miura, vai trò Hội đồng chỉ là số 0.

Mới rồi, giới chuyên môn mừng thầm khi ông Trần Quốc Tuấn “trượt” BCH AFC, sẽ có nhiều thời gian để chăm lo đội tuyển.

Song, ngay cả khi ông Chủ tịch Hội đồng HLV có thời gian thì tính chuyên môn của VFF đối với đội tuyển cũng không cải thiện là bao nhiêu, vì PCT Trần Quốc Tuấn ở hai vai không thể tự phân thân để phản biện lại… chính mình.

Lo cho ĐT U.23 Việt Nam

Trong khi bộ phận chuyên môn của VFF đang im tiếng thì cựu tuyển thủ Vũ Như Thành lại có những phân tích được cho là xác đáng.

Cựu trung vệ tuyển Việt Nam viết trên trang cá nhân: “Tại sao chơi phản công không dùng hai cầu thủ Văn Quyết và Minh Tuấn và chuyển đội hình sang 4-5-1?

Kéo Văn Quyết vào trong đá tiền vệ công, hỗ trợ hai tiền vệ trung tâm thì Minh Châu không phải hoạt động quá nhiều dẫn tới thẻ đỏ.

Sao không dùng Công Vinh làm mồi cũng như làm tường và xâm nhập cầu môn đối phương bằng hai tiền vệ biên với Văn Quyết dâng cao hỗ trợ.

Vừa bất ngờ trong tấn công vừa có 5 tiền vệ khi phòng ngự. Quan trọng là cân bằng trong hệ thống phòng thủ và tấn công, dễ dàng chuyển đổi trạng thái từ phòng thủ sang phản công với Minh Tuấn và Văn Quyết.

Bao năm nay Việt Nam đá với Thái Lan, các tiền đạo chỉ làm được mỗi nhiệm vụ là "nhiễu sóng" chứ chưa bao giờ độc lập tác chiến được.

Ông Miura có thể chưa biết nhiều về Thái Lan thì các trợ lý ở đâu? Muốn chiến thắng phải học hỏi và thay đổi, ngoài tinh thần chiến đấu tuyệt vời của cầu thủ hôm qua thì mình không thấy gì nữa...”.

Tất nhiên, những câu hỏi và góp ý của Vũ Như Thành sẽ chẳng bao giờ đến tai ông Miura.

Thế là lại lo cho giấc mơ chinh phục SEA Games của ĐT U.23 khi ngay ở vòng bảng, ĐT U.23 Việt Nam nhiều khả năng sẽ phải “sinh tử” với người Thái.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại