Phạm Hương, Công Phượng, Hà Đông hay thói xấu ném đá của đám đông

Đức Phan |

Người Việt có thói quen kì lạ, là cứ ai đó kiệt xuất trong số chúng ta ngoi lên, thì lập tức bị kéo tụt xuống. Phạm Hương, Hà Đông hay Công Phượng không nằm ngoài quy luật ấy.

Từ Phạm Hương

Ngày hôm nay, Phạm Hương bước vào vòng thi Chung kết Hoa hậu hoàn vũ 2015.

Ở đó, Hương được kì vọng sẽ phá “dớp” chỉ vào được đến Top 15 của các đại diện Việt Nam tại 2 cuộc thi sắc đẹp lớn nhất thế giới (Miss WorldMiss Universe).

Thành tích tốt nhất (Top 15) mà một hoa hậu Việt Nam từng có được là do Hoa hậu Nguyễn Thùy Lâm xác lập tại cuộc thi Miss Universe 2008 trên sân nhà (tổ chức tại Nha Trang).

Đúng là chưa bao giờ Hoa hậu Việt Nam tham gia Miss World hay Miss Universe lại nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của truyền thông quốc tế như thế.

Rất nhiều trang mạng và chuyên gia uy tín uy tín liên quan đến các cuộc thi sắc đẹp đều dành những nhận xét và dự đoán rất tích cực dành cho cô gái Hải Phòng. Nó khác hẳn với sự trầm lặng của các đại diện Việt Nam tại các cuộc thi trước đó.


Phạm Hương đã phải tập luyện gian khổ để có thể bước đi đầy phong cách, tự tin trong phần trình diễn áo tắm.

Phạm Hương đã phải tập luyện gian khổ để có thể bước đi đầy phong cách, tự tin trong phần trình diễn áo tắm.

Trên thực tế, Phạm Hương sở hữu đầy đủ những tố chất để tỏa sáng tại Las Vegas. Ngoài một hình thể đúng chuẩn, Phạm Hương còn có một khuôn mặt và nụ cười rạng rỡ rất “tây” cũng như một vốn ngoại ngữ tương đối ổn, khác hẳn phần lớn hoa hậu Việt Nam khác.

Ở Phạm Hương người ta còn thấy tỏa ra một sự tự tin và một nguồn năng lượng cực lớn.

Lẽ ra trước viễn cảnh làm nên lịch sử ấy, Phạm Hương cần phải nhận được sự ủng hộ tuyệt đối từ người hâm mộ trong nước. Nhưng không, Hương thường xuyên phải chịu áp lực cực lớn.

Từ đầu cuộc thi đến giờ mọi động tĩnh của cô đều bị soi rất kỹ và chịu phân tích, đánh giá khắt khe của đám đông. Cho dù hầu hết những nhận xét ấy đều mang tính cảm tính, chủ quan, không có tính chuyên môn.

Điển hình như những bước catwalk của Phạm Hương trong phần thi áo tắm đã phải chịu không ít “gạch đá”. Màn trình diễn ấy khiến Phạm Hương bị gọi là có dáng đi “mình xà”.

Màn trình diễn Bikini cực nổi bật của Phạm Hương

Thậm chí, có những người còn mang quan điểm cổ xưa về dáng đi kiểu này, nào là “trọng nhục dục, thiếu chung thủy” ra để mỉa mai, nói xấu Phạm Hương.

Đám đông không biết rằng trong quá khứ rất nhiều hoa hậu đã đăng quang Miss Universe nhờ vào phong cách trình diễn khác biệt, sôi động hơn những thí sinh khác. Ví dụ như hoa hậu Jennifer Hawkin năm 2004, Zuleyka Rivera năm 2006 hay Riyo Mori năm 2007.

Thế nên, đã từng có một bài viết nhận định mối nguy, đối thủ lớn nhất của Phạm Hương lại là…người hâm mộ Việt Nam chứ không phải ai khác.

Đến Công PhượngHà Đông

Tương tự như Phạm Hương, Công Phượng và lứa cầu thủ mà HAGL đang có là “của hiếm” trong môi trường bóng đá Việt Nam.

Họ có thể chưa hoàn hảo, nhưng rõ ràng Công Phượng và các đồng đội là những cầu thủ được đào tạo toàn diện nhất mà chúng ta từng có được trong nhiều năm trở lại đây.

Thế nhưng, thay vì nên nhận được những điều kiện tốt nhất để phát triển, thì HAGL lại bị rất nhiều người nhìn bằng con mắt nghi kị và ghen ghét. Từng cú sảy chân của những đứa trẻ nhà bầu Đức đều có thể khiến đám đông lập tức hả hê, dè bỉu.

Có lẽ không phải tự nhiên mà các cầu thủ Việt Nam càng về sau lại càng đuối hơn các cầu thủ Thái Lan, chứ chưa nói là Hàn Quốc, Nhật Bản hay Australia, cho dù chúng ta có thể thắng họ ở giải trẻ.

Nguyên nhân nằm ở môi trường phát triển. Ngoài việc nền bóng đá Việt Nam méo mó, có chất lượng thấp thì áp lực quá lớn từ giới mộ điệu, trong đó phần lớn là “gạch đá” thay vì ý kiến góp ý xây dựng.


Công Phượng và nhiều cầu thủ trẻ của Việt Nam vừa ngoi lên đã phải nhận nhiều gạch đá.

Công Phượng và nhiều cầu thủ trẻ của Việt Nam vừa ngoi lên đã phải nhận nhiều "gạch đá".

Việc bầu Đức sau một mùa giải bị đánh hội đồng ở V-League đã phải đi đến quyết định cần đưa các cầu thủ của mình ra nước ngoài thi đấu.

Rồi chuyện Nguyễn Hà Đông vừa cho ra mắt game mới Swing Copter 2 nhưng lại không phát hành ở thị trường Việt Nam thực sự khiến người ta phải suy nghĩ.

Phải chăng Hà Đông sợ rằng sản phẩm của mình lại một lần nữa trở thành tâm điểm “ném đá” của dư luận.

Đám đông có thể lại chỉ trích rằng game của Hà Đông đạo ý tưởng chong chóng tre của tác giả Fujiko Fujio trong chuyện Doremon, giống như họ đã mạt sát anh đạo game của Nitendo với Flappy Bird. Bất chấp sự thật là Nitendo chưa bao giờ ý kiến về điều này.

Dường như ở Việt Nam đang có trào lưu: ngồi sau bàn phím ai cũng có thể trở thành chuyên gia của bất kì lĩnh vực nào.

Đây thực sự là một điều rất nguy hiểm. Nhất là khi phần lớn đều ưa dung “gạch đá” thay vì học cách nhận xét theo phong cách phương Tây: Vừa chỉ ra được điểm yếu cần khắc phục, mà vẫn khuyến khích, động viên được người được góp ý.

Đừng để những tài năng Việt “chết” bởi thói xấu của chính chúng ta!

Công Phượng solo vs U21 Việt Nam

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại