"Cách mạng kỷ luật" sau vụ Quế Ngọc Hải đền tiền tỷ

Thành Đạt |

Án điểm Quế Ngọc Hải sau pha phạm lỗi với Anh Khoa vô tình trở thành chủ đề chính tại Hội thảo công tác tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia 2016.

Dự thảo Quy định kỷ luật VFF 2016 đã được gửi tới đại diện các CLB và chắc chắn sẽ có một “cuộc cách mạng”.

Phó Chủ tịch Nguyễn Xuân Gụ đại diện cho VFF được mời đưa ra ý kiến chỉ đạo khi Hội thảo khép lại nhưng những chia sẻ chân thật của ông Gụ lại khiến nhiều người day dứt.

Theo ông Gụ, bức ảnh Quế Ngọc Hải cùng HLV Nguyễn Đức Thắng mang tiền đền bù vào cho Anh Khoa sau đó bố cầu thủ này cùng kế toán của CLB SHB Đà Nẵng kiểm đếm số tiền đó sẽ là hình ảnh “đáng nhớ” của bóng đá Việt Nam trong năm 2015.

Theo ông Gụ, những người đang cùng hoạt động trong ngôi nhà bóng đá Việt Nam có rất nhiều bài học rút ra từ án kỷ luật của Quế Ngọc Hải.

Trước đó, trong phần phát biểu, đại diện cho CLB SLNA, Tổng Giám đốc Nguyễn Hồng Thanh một lần nữa nhắc lại quan điểm của đội bóng xứ Nghệ, rằng án kỷ luật bắt Ngọc Hải phải chịu toàn bộ chi phí điều trị cho Anh Khoa là bất hợp lý.

Ông Thanh khẳng định: “Vấn đề kỷ luật cần phải thay đổi, không phải chỉ vì việc của cháu Hải mà chúng tôi đưa ra ý kiến này.

Án kỷ luật với cháu Hải là không hợp lý và tình người trong cuộc sống là quan trọng lắm. Cháu Hải là VĐV trẻ, lương tháng chỉ hơn 10 triệu, mới chỉ ra tranh cướp bóng mà phải mất 834 triệu đền và còn hơn thế nữa.

Hành vi xâm phạm thân thể có nhiều loại lắm, đánh người cũng là xâm phạm thân thể. Tôi đã từng nói với anh Hường là Ban Kỷ luật cần có cựu trọng tài để khi xử lý vi phạm có thực tiễn bóng đá chứ không chỉ vận dụng luật dân sự”.

Ngoài Trưởng Ban kỷ luật VFF Nguyễn Hải Hường có mặt trong thành phần chủ tọa đoàn của Hội thảo, một thành viên khác của Ban này là Thượng tá Phạm Hải Đăng đến từ Học viện Công an Nhân dân đã giới thiệu một số điểm sửa đổi trong Quy định kỷ luật VFF năm 2016.

Ông Đăng khẳng định: “Phần sửa đổi chủ yếu là từ ngữ, bổ sung nội dung mới, phù hợp với thực tiễn áp dụng của BĐVN, quy định mới của FIFA”.

Đặc biệt, đối với Điều 39, áp dụng cho hành vi xâm phạm thân thể như ở trường hợp của Quế Ngọc Hải sẽ có những điểm khác biệt lớn.

Cụ thể, Điều 39 Dự thảo Quy định kỷ luật VFF 2016 ghi rõ: Phạt tiền 15 triệu đồng đối với hành vi xâm phạm thân thể (quy định cũ là 10 triệu đồng).

Ngoài ra, người vi phạm phải chịu chi phí hợp lý cho việc chữa trị chấn thương do hành vi vi phạm gây ra, mức chi phí được quy định cụ thể: Không vượt quá 15 tháng lương của người vi phạm theo hợp đồng lao động ký với CLB chủ quản.

Số tiền phạt không vượt quá 50 triệu đồng đối với trường hợp người vi phạm là cầu thủ đào tạo trẻ. Trong trường hợp này, chi phí sẽ do CLB đang sử dụng, quản lý cầu thủ trẻ tại thời điểm vi phạm chi trả.

Mặc dù đại diện VFF là ông Nguyễn Xuân Gụ muốn các đại biểu tham dự Hội thảo cho biểu quyết ngay về những nội dung sửa đổi trong quy định kỷ luật năm 2016, nhưng Tổng Giám đốc VPF Cao Văn Chóng cho biết văn bản đã được gửi đến các CLB xem xét và cho ý kiến trước khi trình BCH VFF ra quyết định chính thức rồi mới đưa vào áp dụng.

Mọi việc được tiến hành theo đúng trình tự chứ không phải VPF không muốn đưa ra Hội thảo để biểu quyết ngay.

Ngoài ra, Quy định kỷ luật VFF 2016 sẽ bổ sung điều 92: Xem xét lại quyết định kỷ luật. Quyết định kỷ luật có thể được xem xét lại nếu một bên phát hiện ra những sự việc hay chứng cứ có thể đưa đến một quyết định có lợi cho đối tượng bị kỷ luật.

Thời hạn nộp đề nghị xem xét lại quyết định kỷ luật và các tài liệu, chứng cứ chứng minh là 1 năm kể từ sau khi quyết định kỷ luật có hiệu lực.

Thời hạn xem xét lại quyết định kỷ luật trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị xem xét lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại