Nụ cười ám ảnh Công Vinh
Trận đấu cách đây ít ngày trên đất Thái, các cầu thủ mạnh nhất hiện có của Miura đã để thua với tỉ số 1-0. Kết thúc cuộc chiến, tiền vệ công Songkrasin rời sân, tặng một ánh mắt mỉa mai và nụ cười nửa miệng về phía cầu thủ Việt Nam.
Chẳng ai thắc mắc gì về ánh mắt đó. Nó là sự khinh khỉnh sau một trận đấu mà các cầu thủ Việt Nam đã cố gắng bắt chết Songkrasin, hạn chế tối đa đối thủ nhưng vẫn bất lực.
Bước ra sân với bước chân tập tễnh, song ngôi sao Thái Lan trước đó vẫn tổ chức được trận đấu cho đội chủ nhà, đơn giản, hiệu quả và khó lường hết sức.
Những cái bóng áo đỏ chỉ biết cúi đầu, rời nhanh khỏi chảo lửa Rajamangala như một sự chấp nhận tất cả. Chỉ có Công Vinh ngoái lại, phản ứng trước thái độ trịch thượng, khiêu khích và đáng chỉ trích của tài năng trẻ Thái Lan.
Trong buổi phỏng vấn sau đó mấy ngày, tiền đạo vốn nổi tiếng là lí trí và bình tĩnh người Nghệ An đã thề sẽ rửa mối hận hôm đó ngay tại Mỹ Đình.
Người người chờ mong, hi vọng sẽ thấy nụ cười nửa miệng của Công Vinh ném về phía Thái Lan sau trận đấu lượt về trên sân nhà.
Liệu Công Vinh có thể một lần nữa vượt qua Thái Lan?
Công Phượng: Tài hoa và cú panenka sút trượt
Ở Singapore, ngay trận mở màn, những ngôi sao của Miura đã “chiêu đãi” khán giả một trận đấu khôn “ra tấm ra món”.
Đá với Brunei nhưng các cầu thủ của chúng ta như say nắng. Giống một số khán giả đùa thì các cầu thủ cứ thấy bóng râm là dẫn bóng chạy vào, lạm dụng bóng bổng và chuyền dài một cách khó chịu.
Ấn tượng duy nhất là hình ảnh đá hỏng cú phạt đền của Công Phượng. Ngôi sao được chờ đợi nhất U23 Việt Nam đã thực hiện cú panenka đầy kĩ thuật và đẳng cấp nhưng... ra ngoài. Chưa hết, anh chàng còn thực hiện một cú đá bồi mạnh không kém song bất thành và sai luật.
Công Phượng để lại dấu ấn là pha sút hỏng panenka và lao vào đá bồi vô nghĩa (Ảnh: Zing.vn)
Người thầy đầu tiên của Công Phượng, Guillaume Graechen chia sẻ mình đã dạy anh kĩ càng luật đá phạt đền, đương nhiên việc không được đá bồi như thế là điều anh nắm quá rõ.
Nhưng CP10 đã thực hiện một cú vô lê ngay sau đó, mắm môi mắm lợi, quá mạnh, và cú ngã sau đó khá nguy hiểm.
Công Phượng có đam mê mãnh liệt với panenka, kiểu đá mà chỉ có những danh thủ đẳng cấp thế giới mới dám thử.
Phượng đã thực hiện nó hàng trăm hàng ngàn lần trong những buổi tập để không quên cảm giác bóng.
Thầy Giôm phải đồng ý để anh đá bởi tiền đạo này luyện panenka đến mức có thể tự do chích bóng đến mọi vị trí mong muốn. Anh đã có thể tự xưng là một chuyên gia panenka.
Ông trời đang trêu ngươi bóng đá Việt Nam?
Bóng đá Việt Nam xưa nay hiếm khi vượt qua Thái Lan. Xét về đẳng cấp, chúng ta đôi khi tự cho là ngang hàng, nhưng đó là chuyện ngày xưa.
Bắt đầu SEA Games 28, chung bảng đấu với Thái Lan nhưng mục tiêu chính của ĐT Việt Nam lại là giành vé với Malaysia.
“Những ngôi sao vàng” chính thức đầu hàng người Thái. Những con người năm xưa xem giành Huy chương bạc SEA Games là thất bại thì giờ phải lăn lóc, lặn lội để vượt qua vòng bảng.
Đội hình ĐTQG Thái Lan được trẻ hóa. Họ theo thời gian biết cách nâng tầm cầu thủ lên hàng châu Á. Việt Nam vẫn dậm chân tại chỗ, từ chỗ chỉ ngán Thái Lan, giờ cả Malaysia, Indonesia, Singapore... chúng ta cũng đều có cảm giác bất an.
Bóng đá Việt Nam vốn mạnh nhất vẫn là thứ tinh thần quyết chiến, quyết tử và ý chí vô cùng mạnh mẽ.
Chính tinh thần đó tại trận bán kết AFF Cup, ĐTVN với đầu tàu là Công Vinh đã mạnh mẽ vượt qua cả tiếng gào thét của 8 vạn cổ động viên Malaysia tại Shah Alam. Ánh mắt của Công Vinh khi đó lạnh lùng, dữ tợn và ánh lên chất lửa.
Thật đáng tiếc khi Công Vinh không cùng thời Công Phượng
Đó là một trong những trận đấu mà tinh thần quyết tử của cầu thủ Việt Nam được sử dụng toàn diện. Chúng ta không kĩ thuật hơn đội bạn, không có lối chơi hay hơn...
Nhưng cái sức mạnh tinh thần, sự quyết tâm được đẩy lên cao độ đã trở thành cường lực vô biên khó có thể diễn tả qua những từ ngữ đơn giản vẫn dùng như đỉnh cao, đẳng cấp…
Trên sân Thái Lan ít ngày trước, các cầu thủ dồn sức làm hết mình nhưng đẳng cấp của họ không thể so với người Thái. Công Vinh với tinh thần của một chiến binh cũng phải ngụp lặn dưới Rajamangala.
Công Phượng của U23 trên sân của Singapore với một nền tảng kĩ thuật tuyệt vời lại đang phải trải qua những khoảng tối trầm lặng. Công Phượng lắt léo và đẳng cấp nhưng chưa có phong cách của chiến binh quả cảm trên sân cỏ.
“Tiền đạo quốc dân” chưa có ánh mắt tóe lửa, những bước chạy điên cuồng và hừng hực quyết tâm như Công Vinh vẫn thường thể hiện ở các trận cầu quốc tế, những trận đấu liên quan đến thể diện quốc gia.
Khoảng cách thế hệ đang khiến ĐT Việt Nam mất đi nhiều cơ hội. Chưa bao giờ người ta lại mong hai tiền đạo xứ Nghệ sinh cùng thời như thế.
Công Phượng có thể làm xiếc với quả bóng, tung panenka vào lưới Thái Lan, hoặc đi bóng qua mặt Songkrasin thay Công Vinh rồi quay lại cười nửa miệng với đối thủ.
Công Vinh có thể mang tinh thần thép và sự bình tĩnh đến kinh ngạc truyền lại cho đàn em và vực dậy tinh thần con người đang mất phương hướng vào cách đá phạt dần làm nên thương hiệu.
Hai điều kiện tiên quyết cho nền bóng đá nước nhà giành chiến thắng đang cách nhau đúng 1 thế hệ. Một sự khắc nghiệt và tàn nhẫn của ông trời với bóng đá Việt Nam.
Bóng đá nước nhà đã trôi qua những lần gục ngã ngay trước ngưỡng cửa thiên đường một cách tức tưởi. Có cơ hội nhưng tất cả đều không thành. Ngoảnh đi ngoảnh lại, hiện thực đau xót, được cái này nhưng lại mất cái kia.