Con nhỏ mê đá banh
Ngày 5/3/2007, nữ cầu thủ Nguyễn Thị Hiền điều khiển xe máy trên đường đến sân vận động Cẩm Phả (Quảng Ninh) theo dõi bóng đá thì gặp tai nạn và tử vong. Tin dữ nhanh chóng được báo về quê hương của nữ cầu thủ xấu số.
Hơn 9 năm đã trôi qua, nhưng người dân làng La Thọ 3, xã Điện Hòa, huyện Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) vẫn nhớ như in giây phút đau buồn đó.
“Hồi đó điện thoại chưa có nhiều nên CLB Than khoáng sản Việt Nam gọi về nhà tôi báo tin theo số điện thoại mà Hiền hay gọi. Tôi báo cho một số người họ hàng của chị Liên chứ không dám báo trực tiếp vì sợ chị lên cơn đau tim.
Rồi cả làng râm ran nhau bàn tán nhưng vẫn cố giấu chị Liên. Họ phụ nhau dựng rạp, mua quan tài nhưng để ngoài đường.
Đến khi thi thể cháu Hiền về đến nhà thì chị Liên mới biết và ngất xỉu luôn. Mới đó mà nhanh quá”, ông Thái Nga, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Điện Hòa, bồi hồi nhớ lại.
Nữ cầu thủ quá cố Nguyễn Thị Hiền trong bộ áo quần thể thao.
Ông Nga cho biết gia đình mình và gia đình Hiền là người cùng xóm. Từ nhỏ, ông đã biết Hiền là người ham mê đá banh. Cũng chính ông là người đưa Hiền đi đá banh ở giải bóng đá nữ của xã, huyện.
“Con nhỏ mê đá banh dữ lắm. Nhỏ thì nó đá chung với tụi con trai mà không thua kém chi hết. Lớn lên tí thì nó đá cho đội nữ. Cũng có khi tui cho nó đá với nam ở giải bóng đá xã luôn.
Thấy nó có khiếu nên tui giới thiệu vô đội nữ Quảng Ngãi tập thử, ai ngờ nó dính với nghiệp banh bóng luôn”, ông Nga nói.
Theo ông Nga, Hiền hưởng ghen đam mê đá bóng từ cha và ông nội. “Ông nội con Hiền hồi trẻ cũng đi đá bóng khắp nơi, nổi tiếng ở tỉnh lắm đó chứ. Cái mặt nó, cái tướng đá banh của nó y chang người ông nội”, ông Nga kể.
Giá chi nó đừng banh bóng
Hỏi đường từ trung tâm xã Điện Hòa về nhà bà Liên, chỉ cần nói nhà chị Hiền từng đá bóng giỏi là ai cũng biết. Nhiều người còn tận tình dẫn chúng tôi đến tận cổng nhà.
Căn nhà bà Liên đang ở đã nhuốm màu thời gian. Tường đầy rong rêu, màu sơn phai nhạt. Vườn nhà cỏ mọc um tùm.
Ngôi nhà của bà Liên ở làng La Thọ 2, xã Điện Hòa.
Bà Liên, mẹ Hiền, mệt nhọc ngồi dậy từ chiếc giường gỗ cũ kỹ đón khách. Căn nhà cấp 4 chỉ có một mình bà ở. Trên bàn thờ là di ảnh của người chồng quá cố và nữ tuyển thủ xấu số Nguyễn Thị Hiền.
“Cô vừa mới đi ra vườn nhổ ít cỏ nhưng bị mệt nên phải nằm nghỉ. Cô bị bệnh tim không làm được việc nặng, cứ động tay động chân tí là thở dốc ngay”, bà Liên mệt mỏi nói.
Bị đau tim nên bà Liên không thể làm được các công việc thường ngày.
Bà Liên cho hay bị bệnh tim từ trẻ nhưng mấy năm trở lại đây bệnh chuyển biến nặng. Đặc biệt, từ ngày Hiền đột ngột ra đi thì sức khỏe bà càng thêm giảm sút. Mỗi tháng, bà phải hai lần ra bệnh viện Đà Nẵng mua thuốc uống và kiểm tra định kỳ.
“Tôi còn hai đứa con trai nhưng tụi nó đi làm ăn xa. Đứa nào cũng làm công nhân, tiền lương chỉ đủ nuôi vợ con. Mỗi tháng tụi nó cũng cho tôi 300 ngàn đồng để mua đồ ăn”, bà Liên kể.
Nước mắt rưng rưng, bà Liên bồi hồi cho hay trong ba người con thì cô út thương mình nhất. Hiền đi đá bóng khắp nơi, quanh năm suốt tháng nhưng khi nào về nhà cũng có tiền dành dụm cho mẹ.
“Nó đi đá bóng tận miền Bắc nhưng tuần nào cũng điện về nhắc chừng tôi đừng tiết kiệm mà phải lo ăn sáng đầy đủ vì mệt. Nó dành tiền rồi xây nhà mới cho tôi rồi còn hứa khi được tăng lương thì đưa tôi ra Hà Nội chơi.
Xây nhà xong mấy tháng thì nó “đi”. Giá chi nó nghe lời tôi, đừng banh bóng chi mà ở nhà lấy chồng sinh con thì đâu đến nỗi vắn số”, bà Liên rưng rưng.
Theo bà Liên, khi biết Hiền mê đá bóng bà đã ngăn cấm ngay từ đầu. Tuy nhiên, càng cấm thì cô con gái càng quyết tâm xin xỏ mẹ để được đi đá bóng khiến bà mềm lòng.
“Cha nó cũng chiều nên hai cha con nó cứ giấu giếm tôi mãi. Nó ở nhà thì thư gọi đi đá bóng cứ gửi về. Thương con, tôi đành chịu ưng thuận”, bà Liên nói.
Mong sửa được “nhà” cho con
Lấy từ chiếc tủ đựng đầy kỷ vật của con gái, bà Liên tay mân mê từng tấm ảnh, từng tờ giấy gọi con lên tuyển. Bà cho hay còn hàng đống huy chương các loại của Hiền nhưng đã cho các cháu hết.
Bà Liên nâng niu những kỉ vật của con gái để lại.
Bà Liên đưa tấm ảnh Hiền chụp chung với Vua bóng đá Pele lên khoe:
“Nó chụp cái này trước lúc chết 1 năm (chụp tháng 8/2006 tại Singapore) với một ông Tây đen. Nó kêu tui giữ thiệt kỹ vì ông Tây đen ni đá bóng hay nhất thế giới”, bà Hiền nở nụ cười hiếm hoi nói.
Bức ảnh nữ cầu thủ quá cố Nguyễn Thị Hiền chụp chung với Vua bóng đá Pele.
Cái nắng nhẹ và hơi lạnh se se những ngày giáp tết cùng câu chuyện về Hiền khiến bà Liên nhớ con gái đến da diết.
“Năm nào con Hiền cũng về quê đúng ngày 28 tháng chạp với tay xách nách mang không biết bao nhiêu là hàng hóa.
Trước đó thì nó gọi điện dặn tôi đừng mua sắm gì cả, nó mua hết ở Hà Nội rồi. Suốt 9 năm qua, cứ đến ngày 28 tháng chạp là tôi lại ra vào trước cổng ngóng nó về”, bà Liên thờ thẫn nói.
Ngôi mộ của chị Hiền đã lún sụt, vỡ hết gạch xung quanh.
Bà nhờ chúng tôi đưa ra mộ thắp hương cho chị Hiền. Ngôi mộ nằm lẫn trong hàng trăm ngôi mộ khác ở nghĩa trang xã Điện Hòa cách nhà chừng 3km.
Mộ chị Hiền nhỏ nhắn nằm bên cạnh những ngôi mộ khang trang của người làng. Ngôi mộ của chị Hiền bị sụt lún, nghiêng hẳn về bên phải. Hàng gạch trang trí xung quanh bị bong vỡ thành từng miếng.
Bà Liên thắp nhang lên mộ con, miệng lầm rầm khấn: “Con sống khôn thác thiêng tha lỗi cho mẹ. Mẹ làm mẹ mà không thể sửa được cái “nhà” của con cho đàng hoàng tử tế. Mẹ không dám hứa nhưng trước khi chết, mẹ sẽ làm lại “nhà” mới cho con”.
Ước mong của bà Liên lúc này chỉ là có tiền để sửa "nhà" cho con gái quá cố.
Ông Thái Nga, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Điện Hòa cho biết bà Liên dù hoàn cảnh khó khăn nhưng chưa được xét duyệt vào diện hộ nghèo hay cận nghèo.
Dù vậy, những dịp lễ tết, UBND xã cũng dành cho bà một phần quà nhỏ gồm gạo, dầu, mắm muối để bà không cảm thấy tủi thân.
Bà Liên cho hay từ khi con gái mất thỉnh thoảng có đồng đội cũ của Hiền đến thăm. Bà chưa nhận được sự giúp đỡ lớn nào từ các đồng đội cũ của con nhưng những nén nhang hay chuyến thăm của họ cũng khiến bà ấm lòng.