Nhớ trận cầu lịch sử, HLV Lê Thụy Hải vừa buồn, vừa mừng vì Công Vinh
Ngày 7/11/1976, hơn 1 năm sau khi thống nhất đất nước, trận cầu đầu tiên giữa 2 miền Nam – Bắc được tổ chức. HLV Lê Thụy Hải là một thành viên của đội miền Bắc – Tổng cục đường sắt, tham gia trận đấu đó.
Sau gần 40 năm, những kí ức đẹp liên quan tới trận cầu lịch sử ấy, tới chuyến du đấu đáng nhớ vào miền Nam vẫn còn in sâu trong vị HLV giàu thành tích nhất bóng đá nước nhà.
Chỉ có điều, nhớ tình người miền Nam, ông Hải lại xót xa về câu chuyện liên quan tới B. Bình Dương, tới Lê Công Vinh và mình.
“Tất cả mọi kỉ niệm trong đời, cái gì cũng có điều đáng nhớ và đáng quên. Với Bình Dương, đáng nhớ là khi vô địch, đáng quên là cách họ đối xử với mình.
Với miền Nam đáng nhớ nhất là mình như được về nhà, miền Nam giống gia đình tôi, được gặp các anh, các em, các bạn - những người mình đã nghe lâu rồi, vừa ngưỡng mộ vừa khâm phục. Đó là kỉ niệm không bao giờ phai được.
Còn bóng đá là để người ta xích lại gần nhau chứ không phải để xa cách nhau đi. Đó là vấn đề. Đâu phải kỉ niệm nào đáng nhớ hay đáng quên hẳn. Đáng nhớ thì nhiều lắm, Sài Gòn hoa lệ hơn Hà Nội, đó cũng là điều đáng nhớ.
Rồi tình người thật lòng là đáng nhớ, chứ không phải người ta cho gì mới đáng nhớ. Thực tế thì tôi được cho rất nhiều, cho quà, nhưng không phải như thế mà mình nhớ. Đó là cái tình người.
Ban đầu hai miền chia cắt họ không hiểu. Thống nhất rồi, cùng nói 1 thứ tiếng là hiểu nhau hơn. Đáng nhớ thì nhiều lắm. Còn người này nói tôi thế này, người kia nói thế kia, đó là cái đáng quên.
Tôi xấu thì mới lắm đội mời tôi thế. Còn tôi tốt chắc chẳng ai mời? Cá nhân một con người với tôi chẳng là gì, cá nhân chỉ là cái vớ vẩn thôi.
Cuộc sống mới là tất cả. Mà cá nhân thì trong cuộc sống gặp nhiều lắm, cũng có rất nhiều người nói Công Vinh chẳng là gì với tôi.
Nhưng không, thực ra Công Vinh vẫn là con người, vẫn là cầu thủ, chả vấn đề gì cả. Hôm vừa rồi cậu ấy làm bàn, tôi rất mừng vì Bình Dương thắng và mừng cho cậu ấy vì đã chơi được.
Và tôi lại mừng nữa là cậu ấy được gọi vào đội tuyển. Con người mà, phải có thăng trầm, khi tôi ở đó thì cậu ấy chẳng làm được gì. Giờ tôi đi cậu ấy làm được nhiều thứ thì rất mừng.
Ừ thì có khi tôi nhìn con người chưa hợp lý về chuyên môn? Người khác nhìn hợp lý hơn? Cầu thủ ở đội này hay, sang đội khác dở là bình thường.
Còn ngồi dự bị thì cậu ấy làm sao bằng Di Maria, làm sao bằng Van Persie, các ngôi sao họ vẫn dự bị. Việt Nam này cứ Công Vinh là nhất, đến đâu cũng là nhất…”
Bóng đá ngày thống nhất đất nước và cái tình không thể nào quên
Trận cầu đầu tiên giữa 2 miền Nam – Bắc đất nước diễn ra trước sự chứng kiến của hơn 40.000 khán giả tại SVĐ Thống Nhất. Đã có rất nhiều pha bóng đẹp mắt diễn ra, với kết quả 2-0 nghiêng về Tổng cục đường sắt (đội miền Bắc).
Tuy nhiên điều đáng nhớ nhất với các cầu thủ từng dự trận cầu ấy không phải diễn biến hay kết quả trên sân cỏ, lại là tấm thịnh tình được thể hiện nhiều ngày trước – trong và sau 90 phút bóng lăn.
Trận cầu lịch sử đầu tiên giữa 2 miền Nam - Bắc
Theo cựu tiền vệ Mai Đức Chung, khi đó ông và các đồng đội miền Bắc rất hồi hộp khi vào miền Nam. Nhưng vừa bước xuống sân bay, tất cả đã cảm thấy như về nhà, bởi toàn bộ cầu thủ đội miền Nam đều ra đón tiếp rất thịnh tình.
“Trước đấy có những thông tin rằng miền Bắc đói khổ, các cầu thủ ốm o, bủng beo.
Nhưng khi 2 đội ra sân, các khán giả vỗ tay ầm lên vì đội bóng Đường sắt lúc đó có những con người đẹp đẽ mà hào khí của chúng ta rất hùng dũng nếu so với các đội bóng trong Nam lúc đó” – cựu cầu thủ Lê Khắc Chính tâm sự trên VTV.vn.
Thời điểm bấy giờ, NHM miền Nam chờ đợi cuộc đấu đến nỗi 19h30 trọng tài mới thổi còi bắt đầu, thì từ 12h00, sân Thống Nhất đã kín chỗ.
Sau đó, khán giả dần tràn cả xuống đường biên để xem bóng đá, nhưng vẫn rất an toàn và hòa nhã.
Kết thúc 90 phút thi đấu, dù đội chủ nhà thua 0-2, nhưng khán giả miền Nam đều rất vui sướng hạnh phúc. Những lời hát của bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” liên tục vang lên, cùng các tiếng hò reo, cổ vũ cho cầu thủ hai đội.
Sau trận đấu đầu tiên này, đội bóng miền Bắc còn có nhiều trận khác du đấu khắp miền Nam. Đi tới đâu, đoàn miền Bắc cũng được đồng bào miền Nam tiếp đón vô cùng nồng hậu!