Phải biết ước mơ, nhưng…
Trước khi đi Myanmar tìm kiếm chiếc vé dự FIFA U20 World Cup, trong cái bầu không khí sôi sục, nếu không muốn nói là bốc đồng hơi... thái quá, đã có tuyên bố về việc dùng tuyển U19 Việt Nam để đá vòng loại World Cup 2018 mà lý do thì rất đơn giản... "Chúng ta phải biết ước mơ”!?.
Dùng tuyển U19 hiện nay mà sang năm 2016 khi vòng loại World Cup 2018 bước vào thi đấu thì những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Hồng Duy, Đông Triều… chỉ mới bước vào tuổi 21. Cứ cho là trong thời gian đó, họ đã có một mùa chinh chiến ở V.League để tích lũy kinh nghiệm, nâng cao trình độ và hoàn thiện các yếu tố về thể chất thì chuyện đem đội tuyển U21 gắn mác ĐTQG thi đấu ở vòng loại World Cup vẫn thiếu thực tế .
Tất nhiên trên thế giới vẫn có không ít quốc gia, vùng lãnh thổ dùng một đội bóng trẻ để đá vòng loại World Cup nhưng những nơi đó bóng đá chắc chắn cũng giống như một trò chơi vui vẻ. Lẽ nào bóng đá Việt Nam lại muốn mình giống như đội tuyển như Guam, Fiji, Samoa, Toga, Papua New Guinea, Tonga, Vanuatu hay quần đảo Solomon… là những nơi mà khi đọc tên chắc nhiều người chẳng biết nó nằm ở đâu trên bản đồ thế giới.
Dùng lực lượng U19 hôm nay để đá vòng loại World Cup 2018 vậy thì hàng trăm cầu thủ khác đang thi đấu ở V.League sẽ mất đi nhiều động lực nếu họ có khát vọng muốn khoác lên mình chiếc áo ĐTQG Việt Nam?!
Bầu Đức, người tạo lập và nuôi dưỡng Học viện HAGL Arsenal JMG mặc dù cũng hay phát biểu những câu rất “sốc hàng” nhưng thật may, bầu Đức chưa bao giờ mở miệng “nói chuyện World Cup”.
Nói cho đúng, với riêng người hâm mộ Việt Nam thì bóng đá của chúng ta nhiều năm qua quá ít niềm vui, quá nhiều nỗi buồn lẫn thất vọng. Bởi vậy khi tuyển U19 Việt Nam xuất hiện với lứa “gà nòi” của bầu Đức vừa ra ràng thì ngay lập tức tạo nên cơn sốt dữ dội bởi sự tươi mới, hào nhoáng và hấp dẫn giống như một liều doping tinh thần để người hâm mộ có thể nuôi dưỡng một “giấc mơ Phù Đổng”.
Và nếu nhìn vào VCK U19 châu Á vừa khép lại, rõ ràng đừng dồn lên U19 Việt Nam quá nhiều kỳ vọng, để rồi thành áp lực. Người xưa đã nói: Đường dài mới biết ngựa hay!
World Cup và giới hạn về thể chất
Đối với người châu Á nói chung, những giới hạn và bất lợi về mặt thể chất so với người châu Âu, châu Phi đã khiến con đường vươn lên thể thao đỉnh cao của người châu Á luôn khó khăn, vất vả gấp bội phần.
Bóng đá châu Á đã gia nhập sân chơi World Cup từ năm 1950, tức là kỳ World Cup đầu tiên sau Thế chiến 2 với trường hợp đội tuyển Ấn Độ đoạt vé đi VCK nhưng cuối cùng từ chối đến Brazil vì cầu thủ quen đá chân đất không chịu mang giày. Năm 1954, lần đầu tiên Hàn Quốc tham dự VCK World Cup tại Thụy Sĩ và nhanh chóng trở thành “cái rổ đựng banh” với 16 lần nhặt bóng trước Hungary (0-9) và Thổ Nhĩ Kỳ (0-7).
Bóng đá châu Á chỉ lóe lên khoảnh khắc ở World Cup 1996 với cú số mang tên CHDCND Triều Tiên khi hạ Italy 1-0 để đường hoàng tiến vào Tứ kết. Sau phút lóe sáng huy hoàng đó, bóng đá châu Á trở lại phận "lót đường" đến tận 28 năm sau khi Saudi Abrabia đã lọt vào vòng knock-out ở World Cup 1994.
Có những giới hạn về tự nhiên mà người châu Á phải mất đến vài thập kỷ để vượt qua trong khi với người châu Âu, châu Phi chỉ cần 5-10 năm. Nhật Bản là một ví dụ rõ nhất, để biến giấc mơ World Cup trở thành hiện thực, người Nhật phải tiến hành cải tạo, nâng cấp nền bóng đá qua 40 chục năm ròng khi đưa giải VĐQG từ nghiệp dư, bán chuyên rồi lên chuyên nghiệp J.League vào năm 1993.
Trong khi đó, với Bờ Biển Ngà câu chuyện lại đơn giản hơn rất nhiều. Chỉ với thành công của Học viện JMG Bờ Biển Ngà trong 2 khóa đào tạo với lứa cầu thủ sinh năm 1980-1981 (Kolo Toure) và lứa 1983-1984 (Yaya Toure, Gervinho) là Bờ Biển Ngà đã xưng hùng xưng bá ở Lục địa đen và chuyện vào World Cup cũng rất dễ dàng.
Người Việt về mặt thể chất được xếp vào loại kém nhất ở khu vực Đông Nam Á chứ đừng nói là châu Á. Chúng ta kém người Thái, Singapore, Malaysia về chiều cao và kém người Indonesia, Myanmar, Philippines về độ dẻo dai, bền bỉ. Bóng đá cần kỹ thuật, tư duy và phương pháp huấn luyện, chiến thuật thi đấu nhưng trước hết bóng đá cần phải có thể lực tốt. Cầu thủ Việt vốn thấp bé đã đành mà còn kém về sức bền, độ va chạm là điều rất dễ nhận thấy khi các đội bóng Việt Nam đối đầu với đối thủ trong khu vực.
Bóng đá Việt Nam chưa bao giờ chứng kiến một đội bóng giàu kỹ thuật, kỹ năng kiểm soát quả bóng tuyệt vời như tuyển U19 Việt Nam, song chỉ bấy nhiêu đó mà mơ đến đấu trường châu lục cũng đã quá xa xỉ rồi chứ chưa cần đề cập đến World Cup.
World Cup U20: Con đường luôn rộng mở
Giấc mơ lấy vé dự World Cup U20 đã tắt với thầy trò HLV Guillaume Greachen. Nhưng nếu biết kiên nhẫn thì cũng không vấn đề gì. Khác với World Cup tổ chức theo chu kỳ 4 năm/lần thì World Cup U20 lại tổ chức theo chu kỳ 2 năm/lần. Nếu tuyển U19 Việt Nam không đạt được vé năm 2015 thì chúng ta còn có cơ hội ở các kỳ U20 thế giới năm 2017, 2019 và nếu cứ giữ được nhịp độ đào tạo, nguồn cảm hứng như Học viện HAGL Arsenal JMG đang tạo ra thì chuyện lấy vé dự World Cup U.20 hoàn toàn nằm trong tầm với.
Chúng ta cũng cần biết, ngay cả bóng đá Thái Lan vốn được đánh giá có đẳng cấp số 1 Đông Nam Á đến giờ vẫn chưa thực hiện được giấc mơ tham dự World Cup U.20 thì bóng đá Việt Nam cũng nên biết học cách cách kiên nhẫn.
Hồi thập niên 1990, bóng đá Thái Lan với thế hệ Kiatisak, Dusit, Taiwan, Suprachai… đã tiệm cần gần đến đẳng cấp châu lục (ví dụ rõ nhất là đội tuyển Thái Lan thắng Hàn Quốc 2-1 tại Asiad 1998) và người Thái từng đặt tham vọng sẽ có mặt ở World Cup 2010. Thế nhưng khi thời gian cứ trôi qua, thực tế cho thấy, giữa khát vọng, ước mơ với thực tế luôn là khoảng cách rất xa.
Bóng đá Thái giờ không còn mơ mộng World Cup nữa, họ đã thực tế hơn nhiều. Chỉ với giấc mơ World Cup U.20 mà thực hiện được cũng đã là một thành công to lớn với người Thái rồi. Còn với bóng đá Việt, đã đành chẳng ai đánh thuế giấc mơ, nhưng giấc mơ ấy cũng cần phải... thực tế, chứ không thể chỉ mơ hão mà thôi.