Nhà vệ sinh, mặt "ruộng" và sự keo kiệt lạ ở V-League

Thu Minh |

Tiêu tốn một năm mấy chục tỷ cho chuyển nhượng và trả lương cầu thủ, nhưng những khoản hết sức thiết thực lại bị các CLB V-League cố ý phớt lờ.

Cả nước chỉ 3 sân đạt chuẩn

Năm 2012, Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) từng cử đoàn cán bộ đến khảo sát thực trạng bóng đá tại Việt Nam.

Kết quả khảo sát của AFC tại thời điểm đó chỉ ra một thực tế đáng buồn, chất lượng mặt cỏ của hầu hết các CLB đều không đáp ứng được yêu cầu tổ chức thi đấu.

Theo đánh giá của AFC, chỉ có mặt cỏ của 2 sân vận động đáp ứng tương đối yêu cầu thi đấu ở V-League là Gò Đậu (CLB Bình Dương) và Pleiku (CLB HAGL).

Kết quả khảo sát của AFC không bao gồm sân Mỹ Đình, song nếu tính thêm SVĐ Quốc gia, cả nước mới có 3 sân bóng đạt chuẩn.

Ba năm sau, thực tế đó vẫn không có gì thay đổi và thậm chí ngày càng có dấu hiệu xuống cấp hơn.

Mới nhất, HLV Miura đã buộc phải hủy trận giao hữu của U23 Việt Nam với CLB TP.HCM vì mặt sân Thống Nhất quá tệ, điều tiềm ẩn nguy cơ khiến học trò của ông dính chấn thương trước ngày lên đường tham dự VCK U23 châu Á.

Cầu thủ Việt Nam phải chơi bóng trên hầu hết các SVĐ có chất lượng mặt cỏ như thế này.
Cầu thủ Việt Nam phải chơi bóng trên hầu hết các SVĐ có chất lượng mặt cỏ như thế này.

Ở V-League 2015, CLB Hải Phòng nhiều lần bị “tuýt còi” sẽ phải chuyển sang thi đấu ở sân trung lập, nếu không cải thiện tình trạng mặt sân Lạch Tray lầy lội như mặt ruộng.

Chuyện chất lượng mặt sân quá tệ ở Việt Nam là một trong những nguyên nhân khiến HLV Miura từng ca thán “V-League là giải đấu kinh khủng”, khi trả lời phỏng vấn truyền thông ở quê nhà Nhật Bản.

Trong chuyến khảo sát để cấp phép CLB chuyên nghiệp của VFF vừa diễn ra, có tới 7 CLB V-League không đạt chuẩn mà lý do cơ bản là bởi cơ sở hạ tầng không đáp ứng được yêu cầu.

Vấn đề không phải là tiền

Câu hỏi đặt ra là việc cải tạo và nâng cấp mặt sân liệu có quá đắt đỏ và tốn nhiều công sức đến mức nó bị xem như “nhiệm vụ bất khả thi” đối với các đội bóng Việt Nam?

Tất nhiên, không thể áp dụng mức phí gần 10 tỷ để làm mới một mặt cỏ đạt tiêu chuẩn tương tự sân Mỹ Đình (7 tỷ) và chi phí bảo dưỡng mỗi năm (2,5 tỷ đồng).

Bởi điều kiện, mức độ đầu tư và yêu cầu của một sân vận động tầm cỡ quốc gia là thứ các CLB không thể so bì.

Những ngày này, các sân tập của Trung tâm đào tạo bóng trẻ nằm trong khuôn viên của VFF đang được cải tạo lại. Đây cũng là các mặt sân từng bị HLV Miura phàn nàn vì chất lượng thấp, khiến học trò của ông liên tục dính chấn thương.

Theo ông Trương Hải Tùng - Giám đốc Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam, chi phí để cải tạo và nâng cấp mặt sân, bao gồm cả việc trồng lại cỏ, không quá cao như người ta vẫn hình dung, khoảng 2 tỷ đồng.

Trên thực tế, không phải các CLB không nắm rõ chi phí để nâng cấp mặt cỏ tiêu tốn bao nhiêu tiền. Nhưng vì nhiều lý do, họ vẫn ngó lơ.

Thi đấu trên những mặt sân chất lượng quá tệ tiềm ẩn nguy cơ chấn thương lớn đối với các cầu thủ.
Thi đấu trên những mặt sân chất lượng quá tệ tiềm ẩn nguy cơ chấn thương lớn đối với các cầu thủ.

Trong khi đó, các đội bóng Việt Nam lại rộng rãi hết sức với những khoản chi từ vài tỷ đến hàng chục tỷ để trả phí lót tay và chiêu mộ cầu thủ.

Trong bản danh sách 7 CLB không đạt chuẩn chuyên nghiệp có cả những đội bóng được ví là “thiếu gia” của V-League như Thanh Hóa hay Cần Thơ, vừa gây xôn xao dư luận với những vụ chuyển nhượng Quang Tình (4,8 tỷ phí lót tay) hay Hoàng Thịnh (6 tỷ)…

Không rõ, các đội bóng Việt Nam có bao giờ đặt ra câu hỏi rằng, một mặt sân tốt hơn để trình diễn thứ bóng đá đẹp mắt hơn cũng là yếu tố rất quan trọng để đưa khán giả tới khán đài?

Hoặc, nếu cầu thủ không may dính chấn thương vì mặt sân lồi lõm, họ sẽ là người đầu tiên bị thiệt hại?...

Thậm chí, sự “keo kiệt” của các CLB còn được thể hiện cả ở những chi tiết không biết nên cười hay nên khóc. Chẳng hạn, khán đài B sân Long An không có nhà vệ sinh, hay sân Lạch Tray có nhà vệ sinh nam nhưng không có nhà vệ sinh nữ…

Bầu Trường ở Ninh Bình trước đây từng bỏ 8 tỷ đồng chiêu mộ tiền đạo Việt Thắng nhưng sân nhà của đội bóng cố đô Hoa Lư cũng không có chỗ để “thượng đế” đi xem bóng đá “giải quyết nỗi buồn”.

Thế thì đừng hỏi bao giờ bóng đá Việt Nam mới chuyên nghiệp, khi từ những điều nhỏ nhặt như vậy đã hết sức nghiệp dư!

7 CLB chưa được VFF cấp phép chuyên nghiệp tương đương với một nửa giải V-League.

Trong số đó, ngoại trừ HAGL chưa được cấp phép vì việc bỏ 4/5 giải trẻ trong năm 2015, những cái tên còn lại như Cần Thơ, SLNA, Thanh Hóa, Long An, Hải Phòng, Quảng Nam đều gặp vấn đề về cơ sở hạ tầng.

Nếu không được VFF cấp phép chuyên nghiệp, các CLB này sẽ không được phép tham dự V-League.

“Sát thủ” V-League và chuyện tình không kém các "soái ca"

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại