Điều này có thể thấy rõ qua cách một bộ phận truyền thông và người hâm mộ đối xử với HLV Toshiya Miura qua các giải đấu khác nhau.
Cụ thể, sau chiến tích đưa đội Olympic vào tới vòng 2 ASIAD 2014 (Incheon, Hàn Quốc), HLV Toshiya Miura đã đồng loạt được các phương tiện truyền thông hết mực ca ngợi.
Ông Miura được đánh giá là đã khắc phục được điểm yếu cố hữu của các cầu thủ Việt Nam, là thể lực. Ai cũng biết rằng để chơi thể thao, yếu tố cốt lõi là phải khỏe.
Thể lực tốt cộng với lối chơi kỷ luật đã giúp đội tuyển Olympic Việt Nam chơi đặc biệt tốt trước các đối thủ mạnh hơn tại ASIAD 2014.
AFF cup 2014, truyền thông và người hâm mộ tiếp tục dành nhiều lời ca tụng cho HLV Toshiya Miura khi đội tuyển Việt Nam chiến thắng liên tiếp ở vòng bảng bằng lối chơi đẹp mắt, thuyết phục, hừng hực khí thế.
Thắng lợi 2-1 trong trận lượt đi trên sân Shah Alam trước Malaysia là đỉnh cao, và Việt Nam chỉ dừng bước sau trận thua 2-4 đầy những nghi hoặc ở trận lượt về trên sân vận động Mỹ Đình.
HLV Toshiya Miura bắt đầu bị đánh giá tiêu cực.
Những chỉ trích nhằm vào nhà cầm quân người Nhật Bản bắt đầu tăng lên khi trong các chiến dịch của đội Olympic và U23 về sau, ông Miura ít tạo cơ hội cho các cầu thủ HA.GL.
Việc triệu tập nhân sự, chiến thuật HLV Miura áp dụng cho các đội bóng được mang ra mổ xẻ và nhiều người bắt đầu “chê”.
Tuy nhiên, khi đội tuyển Olympic thi đấu thành công ở vòng loại U23 châu Á diễn ra tại Malaysia hồi tháng 3/2015, HLV Toshiya Miura một lần nữa lại được ca ngợi là “linh hoạt” trong việc điều chỉnh chiến thuật trước từng đối thủ.
Không ai còn nhớ đến việc ông Miura đã bỏ một loạt gương mặt nổi bật của HA.GL mà chỉ trọng dụng tiền đạo Công Phượng ở giải đấu này.
SEA Games 28 diễn ra tại Singapore tháng 6/2015, kịch bản “khen trước, chỉ trích sau” lặp lại khi U23 Việt Nam thi đấu tốt ở vòng bảng, nhưng để thua Myanmar trong trận tranh vé giành quyền vào chung kết.
Tại giải đấu này, U23 Việt Nam đã giành HCĐ, thành tích cao nhất kể từ năm 2009 khi chúng ta đoạt HCB dưới sự dẫn dắt của HLV H.Calisto.
Chuyện cũng không khác đối với đội tuyển quốc gia khi tham dự vòng loại World cup 2018. Trong quá khứ đây vốn dĩ là sân chơi bị đánh giá quá tầm với bóng đá Việt Nam.
Để chuẩn bị cho mặt trận này, HLV Toshiya Miura đã triệu tập rất nhiều cầu thủ trẻ vào đội tuyển, và chỉ giữ lại một số ít cựu binh như Công Vinh, Thành Lương, Văn Quyết, Trọng Hoàng…
Việt Nam thắng 2-1 trước Đài Loan (Trung Quốc), hòa 1-1 trong thế dẫn trước Iraq nhưng thua Thái Lan cả 2 lượt trận với tỉ số 0-1 và 0-3.
Các thành tích trước đó của nhà cầm quân người Nhật Bản gần như bị xóa bỏ hoàn toàn. Ông Miura bị đánh giá là kém về năng lực và không thích hợp với bóng đá Việt Nam.
Ở vòng loại World cup 2018, ông Miura bị cho là triệu tập nhiều cầu thủ trẻ, thiếu kinh nghiệm và trình độ.
Tuy nhiên một số trận trước đó, một bộ phận công chúng và truyền thông lại sẵn sàng chỉ trích khi ông Miura gọi các cựu binh, không tạo cơ hội cho cầu thủ trẻ cọ xát, tích luỹ kinh nghiệm.
Người ta cũng quên đi thực tế là chức vô địch AFF cup 2008, đỉnh cao của bóng đá Việt Nam chỉ giành được mà không thể thiếu yếu tố may mắn, với lực lượng gồm các cầu thủ đang ở giai đoạn chín nhất trong sự nghiệp, trải cả 3 tuyến.
Đòi hỏi sự phát triển lâu dài, nhưng sẵn sàng yêu cầu “trảm” HLV khi đội bóng thất bại, đây dường như là căn bệnh trầm kha của dư luận Việt Nam.
HLV chỉ là người làm khâu cuối cùng của cả nền bóng đá, buộc ông Miura hay bất kỳ HLV nào nâng tầm bóng đá Việt Nam là một đòi hỏi thiếu đúng đắn.
Trên thế giới, mỗi HLV có một phong cách huấn luyện riêng nên việc bắt buộc ông Miura chơi theo kiểu nào đấy bất chấp thực tế lực lượng trong tay cũng là chuyện phi lý.
Đòi hỏi sự phát triển lâu dài, nhưng sẵn sàng yêu cầu “trảm” HLV khi đội bóng thất bại, đây dường như là căn bệnh trầm kha của dư luận Việt Nam.
HLV chỉ là người làm khâu cuối cùng của cả nền bóng đá, buộc ông Miura hay bất kỳ HLV nào nâng tầm bóng đá Việt Nam là một đòi hỏi thiếu đúng đắn.