Mong Miura “dạy” chúng ta có phải quá hoang đường?

Đoàn Dự |

Có phải người Việt đang đặt quá nhiều kì vọng vào HLV Miura đến mức một chuyên gia nổi tiếng thực tế như ông Lê Thụy Hải cũng đưa ra yêu cầu có phần “thái quá”?

Ông Lê Thụy Hải đã rất nhiều lần lên tiếng khuyên NHM và LĐBĐ Việt Nam không nên đặt quá nhiều kì vọng vào HLV Miura.

Nhưng chính bản thân ông mới đây lại đưa ra yêu cầu có phần “thái quá” cho vị trí chuyên gia được mời về dẫn dắt bóng đá Việt Nam trên Zing.vn.

“Chúng ta đã mất công, mất tiền, mất của để mời chuyên gia thì chúng ta phải được học từ họ những cái hay, cái mới. Thế mới xứng đáng. HLV Miura - theo tôi - chưa đạt tầm lão luyện như thế”.

Cần phải hiểu, HLV Miura được mời về để dẫn dắt ĐTQG và U23 Việt Nam, chứ không phải vị trí chuyên gia tư vấn để định hướng phát triển bóng đá hay kĩ thuật.

Ở vị trí của ông thầy Nhật, nhiệm vụ tối thượng là đưa các đội tuyển ông dẫn dắt tới những danh hiệu chứ không phải làm được điều hay, điều mới cho bóng đá Việt Nam.

Ông Miura có lỗi là chưa đưa được Việt Nam tới danh hiệu nào, chứ không phải lỗi là chưa giúp chúng ta tiến bộ!

Ông Miura có lỗi là chưa đưa được Việt Nam tới danh hiệu nào, chứ không phải lỗi là chưa giúp chúng ta tiến bộ!

Thực tế thì HLV người Nhật Bản đúng là cũng đã cố gắng làm những điều mới mẻ cho bóng đá Việt, ví dụ chuyện nâng cao thể lực cho các học trò.

Tuy nhiên, giáo án “Nhật” rất nặng của HLV Miura lại gặp bất cập so với lịch sinh hoạt, tập luyện bình thường của cầu thủ Việt Nam vốn khá nhẹ nhàng và thiếu chuyên nghiệp ở cấp CLB.

Vì thế, khi áp dụng nhanh, các học trò của Miura chấn thương hàng loạt. Còn để áp dụng “từ từ” thì chẳng biết đến bao giờ.

Bởi tính trên một năm, thời gian các cầu thủ ăn cơm tuyển cũng chẳng đáng là bao, chưa kể chuyện thay đổi nhân sự liên tục.

Về mặt lý thuyết, thay đổi một nền bóng đá thế nào không khó. Cái khó là có thực hiện được những dự định tốt đẹp hay không.

Mà chuyện thực hiện ấy chắc chắn chẳng liên quan gì tới ông HLV ĐTQG hay U23. Nó nằm ở lãnh đạo bóng đá, nằm ở lãnh đạo của từng CLB cũng như rất nhiều ban, ngành liên quan khác.

Thế nên khi trở lại với Miura, chúng ta có thể trách HLV này chưa đoạt được danh hiệu nào nhưng đừng trách ông bởi không thể đem đến sự mới lạ, tiến bộ cho bóng đá Việt Nam.

* Hiện VFF đang lên kế hoạch tuyển thêm 2 chuyên gia Nhật Bản nữa cho vị trí Giám đốc kĩ thuật và Giám đốc đào tạo trẻ. Đây mới chính là những chuyên gia mà chúng ta chờ đợi từ họ sự mới mẻ, đáng học hỏi.

Hy vọng rằng khi có sự hợp tác sâu sắc với Nhật Bản, một cường quốc bóng đá châu Á, bóng đá Việt Nam sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ.

Cựu GĐKT B. Bình Dương
Lê Thụy Hải
“Đầu tiên phải là liên đoàn, Tổng cục Thể dục Thể thao, Bộ Văn hóa Thể thao - Du lịch rồi cả nhà nước song song đồng bộ. Thái Lan đưa bóng đá, thể thao vào học đường từ lâu rồi nhưng chúng ta chưa có. Chúng ta có cũng chỉ trên báo chí khen nhau, nhưng không thực tế. Sân bãi ở Việt Nam nhiều nơi buồn cười lắm, nhất là phòng thay đồ. Khi chúng ta không có cơ sở vật chất từ những cái nhỏ nhất như thế thì làm sao phát triển được. Tất cả chúng ta mới có 1 học viện của ông Đức xứng tầm, thì đã có 1 cầu thủ được vào xuất sắc của ĐNÁ. Nếu chúng ta có nhiều học viện, được đầu tư bài bản lâu dài thì chắc sẽ ổn chứ không như bây giờ” - ông Lê Thụy Hải nói về việc làm sao phát triển bóng đá Việt Nam.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại