Nghị lực siêu phàm sau lưỡi hái tử thần
Trần Cửu – chưởng môn Thiếu Lâm Châu Gia là một trong những võ sư huyền thoại vào loại “dị” nhất tại Việt Nam, từ ngoại hình, tính cách đến những thiên chất võ công.
Lão võ sư Trần Cửu vốn sinh ra trong một gia đình có truyền thống võ thuật, cha ông là Trần Lâm, một cao thủ Hầu quyền tại Sài Gòn từng học từ Đại Thánh bát quái môn.
Mặc dù lúc chào đời vẫn khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác nhưng tai ương như một định mệnh đã ập xuống Trần Cửu năm lên 6 tuổi.
Sau cơn sốt triền miên với những đợt co giật kéo dài, Trần Cửu may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần tuy nhiên lão võ sư đã bị mắc chứng câm điếc vĩnh viễn.
Chạy chữa khắp nơi nhưng chẳng thể giúp con thoát khỏi bạo bệnh, cha của Trần Cửu đã rơi vào tuyệt vọng. Bất đắc dĩ, ông mang Trần Cửu tới gửi gắm một người bạn đồng môn tiếng tăm lừng lẫy Sài Gòn đương thời.
Đó là võ sư Lưu Kiếm Hào, biệt danh "người khổng lồ" với chiều cao 1,90m, nặng trên 100kg, vốn không có đối thủ trên các sàn đấu phía Nam.
Lửa thử vàng, gian nan thử sức. Cậu bé câm điếc, dặt dẹo Trần Cửu quyết theo nghiệp võ để chứng minh cho cả thế gian biết rằng, những khiếm khuyết mà tạo hóa đã giáng xuống sẽ không thể làm ông gục ngã.
Trần Cửu bái “người khổng lồ” Lưu Kiếm Hào làm sư phụ, theo học môn võ Thiếu Lâm Châu Gia ở Nhơn Nghĩa Đường.
Thấy quyết tâm sắt đá của đồ đệ, sư phụ đã lay động để rồi dậy cho Trần Cửu làm quen dần với võ đạo, tập thi triển quyền cước.
Bằng ý chí sắt đá và niềm đam mê không gì lay chuyển nổi, chỉ một thế đứng tấn cũng được Trần Cửu khổ luyện suốt 3 năm ròng.
Nhận ra đệ tử dù nhỏ bé, mang dị tật nhưng cực kỳ thông minh, nhanh lẹ nên sư phụ đã quyết định dậy cho Trần Cửu những tuyệt kỹ Hầu quyền đỉnh nhất của Thiếu Lâm.
Như “cá gặp nước”, Trần Cửu càng say mê luyện tập đến không biết mệt mỏi. Trình độ của cậu mau chóng có những bước phát triển vượt bậc đến sư phụ cũng phải thán phục.
Trong tất cả các đệ tử, Trần Cửu nổi trội hơn cả, được sư phụ xem như "báu vật".
Mặc dù trình độ tinh thông, nhưng vóc dáng của Trần Cửu chẳng thể nào thay đổi, vẫn nhỏ thó với chiều cao 1m40. Nhưng bù lại, ông sở hữu trí nhớ siêu phàm, ít người sánh nổi.
Không chỉ nhớ rất nhanh các chiêu thức được sư phụ truyền dạy, Trần Cửu còn rất chịu khó tìm hiểu những tuyệt kỹ của các môn phái khác để vận dụng vào Hầu quyền, biến nó trở thành một phong cách dị biệt, được coi là “bảo bối” mà không một ai khác có thể sở hữu.
Bàn tay thép và “ma trận của khỉ”
Thời gian như bóng câu qua cửa, chẳng chờ đợi một ai. Thời gian gắn bó với Hầu quyền của Trần Cửu cũng đã qua hơn nửa thế kỷ. Cậu bé câm điếc ngày nào dần trở thành một huyền thoại.
Với thân pháp cực kỳ lanh lẹ hệt như một chú khỉ cộng với thần thái sắc bén, những thế võ của Trần Cửu luôn biến hóa đến kỳ ảo, tinh diệu ít người có thể sánh kịp.
Thậm chí khi ông biểu diễn Hầu quyền tại Nhơn Nghĩa Đường, không ít khán giả đã gọi đó là “ma trận của khỉ” mà chẳng ai có thể bắt chước.
Những động tác xuất chiêu, nhãn pháp, thần pháp của Trần Cửu khi thì dũng mãnh như chúa sơn lâm, lúc lại thu mình thủ thế như khỉ đột. Đặc biệt là những đòn phản công nhanh như sóc, rất khó để chống đỡ.
Trong những tuyệt kỹ Hầu quyền, Trần Cửu còn luyện quyền cước sắc bén với “bàn tay thép”, là sản phẩm của môn Thiết sa chưởng và Thiết kiều thủ của võ Thiếu Lâm, được làng võ hết mực ca ngợi.
Chuyện kể rằng từ thời mảnh đất Sài Gòn vẫn còn chiến tranh loạn lạc, Trần Cửu từng có màn đối đầu bất đắc dĩ với một nhóm giang hồ cộm cán tại đây.
Vào một buổi chiều chẳng hiểu sao “gã tí hon” đã như mơ ngủ đi lạc vào lãnh địa của đám giang hồ bặm trợn. Thấy một kẻ lạ mặt xuất hiện với bộ dạng ngô nghê, kỳ dị, đám côn đồ liền tiến tới để “hỏi han”.
Không may thay, vốn bị chứng câm điếc từ nhỏ nên Trần Cửu chẳng hiểu bọn chúng nói gì và cũng chẳng thể đáp lời.
Lập tức, nhóm côn đồ tưởng rằng đang bị một “gã dở hơi” trêu ngươi, nên đã toan “dạy cho tên này một bài học”.
Cả đám thanh niên với những tên to lớn, bặm trợn nhào vô, kẻ đấm người đá, nhưng “gã tí hon” vẫn trơ mặt ra, bất di bất dịch.
Nổi cơn ức chế tam bành, nhóm côn đồ bắt đầu rút côn nhị khúc, mã tấu để “xử tên hỗn xược”. Nhưng tới lúc này, Trần Cửu mới thực sự là chính mình.
Với những miếng thân pháp nhanh như sóc, “gã tí hon” cứ thế né các lưỡi dao sáng loáng.
Khi đã “nóng người”, Trần Cửu bắt đầu phản công bằng những đòn cực hiểm. Những cú "tay sắt" và những đòn cước hiểm độc cứ tung ra vun vút, khiến lũ đầu trâu mặt ngựa lần lượt đo ván, không tên nào có thể gượng dậy.
Trần Cửu trở về trọng trạng thái mệt mỏi, lão ngủ một giấc thật sâu để hồi sức. Sáng sớm hôm sau, khi vừa tỉnh giấc thì lão đã thấy một đám trai tráng đến tìm gặp ở trước cổng.
Tưởng chừng nhóm côn đồ lại tới để trả thù, Trần Cửu bật người thủ thế. Bất ngờ hai vị khách chắp tay kính chào, gửi lời xin lỗi vì sự cố chiều qua.
Những vị khách đã giải thích rằng đám bặm trợn hôm qua chỉ là lũ lâu la háo thắng. Khi biết chúng đã mạo phạm trước huyền thoại Hầu quyền Trần Cửu liền lập tức tới để tạ lỗi.
Trần Cửu biểu diễn Hầu quyền cực dẻo dù ở tuổi thất thập.
Thời gian cứ trôi đi, lão võ sư Trần Cửu vẫn ngày ngày luyện võ. Có nhiều người nói vì quá mê võ nên lão đã chẳng màng tới chuyện cưới vợ sinh con.
Trong quá khứ đã không ít lần lão được mọi người giới thiệu cho người này, người nọ nhưng lão đều một mực lắc đầu.
Vì thế đến ngưỡng tuổi “gần đất xa trời”, lão võ sư Trần Cửu vẫn sống đơn độc. Nhưng tất nhiên, lão không hề cô đơn bởi xung quanh vẫn có rất nhiều đệ tử trung thành, vẫn ngày ngày coi lão như một người cha.
Đời võ của Trần Cửu cứ lặng lẽ trôi qua như vậy. Bình dị, mộc mạc, chẳng bao giờ màng tới chuyện thắng thua, danh vọng. Niềm vui của lão chỉ là truyền dạy Hầu quyền cho hậu thế, để thứ võ quý báu này không bị mai một.