"Làm như bầu Đức hay mà cũng dở"

Linh Lan (ghi) |

Bầu Đức nhận được nhiều lời ca ngợi từ các chuyên gia nhờ cách làm bóng đá của mình, song cũng có ý kiến chỉ ra vấn đề trong phương pháp huấn luyện và đào tạo của HAGL.

“Lứa tuổi U21 đá với U19 phải có sự khác biệt. Không những vậy U21 HAGL còn là một CLB đá với nhau lâu năm. Đây là một giải đấu người hâm mộ cũng kì vọng vào thành tích của CLB Việt Nam nhưng chúng ta cũng cần nhìn vào độ tuổi nữa.

Nhiều người nhìn U21 HAGL đá thắng U19 Hàn Quốc cứ coi đó là một điều ghê gớm, nhưng nếu cứ nghĩ vậy sẽ khiến bóng đá Việt Nam thụt lùi”, HLV Triệu Quang Hà chia sẻ.

Về lối chơi chung của HAGL cả giải, cựu cầu thủ Thể Công đánh giá cao nỗ lực của các cầu thủ: “HAGL là một tập thể tập luyện cùng nhau từ năm 11 tuổi. Bầu Đức đã đầu tư, mời cả HLV nước ngoài và giờ là cũng đã định hình được lối chơi.

Đó là một thành quả, nếu ta đá cùng với các đội bóng đồng lứa thì mình so sánh được thành quả đã nỗ lực suốt thời gian qua. Tôi thấy bầu Đức đang làm một công việc rất tốt. Giá như có nhiều người như bầu Đức thì bóng đá sẽ khởi sắc hơn rất nhiều”.

Tuy giành chức vô địch giải U21 quốc tế 2 năm liên tiếp nhưng thành tích của các cầu thủ U21 HAGL vẫn chỉ dừng lại ở các giải đấu có tính chất giao hữu.

Khi trở lại các giải đấu đỉnh cao như U19 Đông Nam Á, SEA Games, hay ngay cả V-League, lứa cầu thủ sinh năm 1995 của bầu Đức đều không đạt được thành tích cao nhất.

Chia sẻ với báo Thể thao Văn hóa, cựu HLV Nguyễn Thành Vinh cho rằng HAGL đã đốt cháy giai đoạn không đúng mức: “HAGL đang có hoạch định không đúng khi không cho các cầu thủ tham dự các giải trẻ từ Nhi đồng đến U13, U15 hay U17.

Không giống tính chất huấn luyện như ở các CLB khác, các cầu thủ được thi đấu từ nhỏ, các cháu cứng cáp hơn, kinh nghiệm hơn, lòng quả cảm, tự tin đều có cả.

Công Phượng sẽ thành công nhưng chưa phải bây giờ. Anh ta đã mất một giai đoạn chinh chiến từ nhỏ rồi. Nếu ở SLNA có các lứa U13, U15, U17 đã được tham gia thi đấu nên trạng thái tâm lý sẽ khác.

Lứa cầu thủ HAGL mới xuất hiện ở lứa U17, U19 cọ xát nhiều nhưng như vậy là chưa đủ vì bản lĩnh phải được tôi luyện từ lúc nhỏ”.

Ở tâm thế không mấy dễ chịu và phải đối đầu với các đàn em Myanmar không hề dễ chơi, đội bóng của HLV Nguyễn Quốc Tuấn đã lách qua khe cửa hẹp để vào bán kết
Ở tâm thế không mấy dễ chịu và phải đối đầu với các đàn em Myanmar không hề dễ chơi, đội bóng của HLV Nguyễn Quốc Tuấn đã lách qua khe cửa hẹp để vào bán kết

Đồng quan điểm về việc phải để các cầu thủ tôi luyện bản lĩnh từ khi còn nhỏ nhưng HLV Triệu Quang Hà cũng có suy nghĩ khác khi cho rằng:

“Tính cạnh tranh là điểm khác biệt cơ bản ở các giải giao hữu và chính thức. Các giải cho lứa U21 như vừa rồi nhiều nước như Hàn Quốc, Thái Lan mang sang cầu thủ 18, 19 tuổi sang thi đấu chứ không phải U21.

21 tuổi họ đã lên các giải cao hơn thi đấu rồi. Đây là các cơ hội để các nước mang cầu thủ trẻ sang cọ xát nhưng vẫn mang tên là U21 vì họ cũng đâu mất gì.

Cái họ được là các cầu thủ có điều kiện cọ xát trong một giải đấu có các cầu thủ quốc tế. Việt Nam thì vẫn cử cầu thủ U21”.

“Và tôi nghĩ bầu Đức có chiến lược của mình. Khi ông ấy đưa quân đi thì phải có thành tích. Lứa Công Phượng là từ thời bầu Đức tuyển khắp nước, với chuyên gia nước ngoài.

Anh cho ra lò ngay một lứa U19 với lối đá đẹp nhưng thành tích chưa đạt được về tầm Đông Nam Á. Có thể ở các giải trẻ hơn, anh không có sự chuẩn bị tốt, sợ thua mất thương hiệu là chuyện bình thường.

Cầu thủ phải tham gia từng cấp độ một, có nhiều kinh nghiệm thì thi đấu mới chững chạc và tự tin hơn”, HLV Quang Hà bộc bạch.

Công Phượng giải trẻ khác Công Phượng V-League

Với HLV Nguyễn Thành Vinh, Phượng ở V-League khác Phượng ở giải U21 vì đối thủ khác nhau:

“Lớp trẻ đá vô tư, ít va chạm, tiểu xảo mánh khóe như V-League. V-League là đá thắng thua nên người ta dùng mọi cách để có thể triệt hạ một số cầu thủ xuất sắc.

Đây là một trong những mặt trái đang tồn tại ở V-League.

Kể cả Kiatisuk hay Lee Nguyễn có trình độ rất cao nhưng cũng không phát huy được hết khả năng khi thi đấu ở V-League, năng lực của họ không phát huy như vốn có bởi họ chấn thương nhiều hơn khi tham dự V-League.

Các cầu thủ ở giải U21 đá vô tư mang tính chất cống hiến, không phạm lỗi nhiều nên Công Phượng phát huy được khả năng của mình.

Còn đá ở V-League anh ta cầm bóng nhưng ngại va chạm nên mới vậy”.

“Với lứa cầu thủ 1995 của HAGL có kĩ năng, tư duy chiến thuật tốt như thế cần có một HLV tầm cỡ nâng tầm các cháu.

Giống như trường chuyên chọn những cầu thủ tốt nhất thì cũng cần được dạy dỗ bởi một đội ngũ giáo viên đủ tầm để các cháu có thể phát huy khả năng tốt nhất.

Các HLV hiện tại chưa đủ kinh nghiệm, chưa sắc sảo, chưa có kinh nghiệm trong đào tạo nâng cao và có thể còn làm các cháu mai một, thui chột”, ông Vinh bộc bạch.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại