Xuyên suốt chiến dịch vòng loại giải U23 châu Á 2016, huấn luyện viên Miura đã cho thấy một phương pháp làm việc rất khác biệt so với hầu hết các đời huấn luyện viên trưởng tuyển Việt Nam khác.
Thông thường, một huấn luyện viên sẽ thông qua các buổi tập và giao hữu để tìm ra đội hình lý tưởng với 11 cái tên giỏi nhất.
Nhưng ông Miura không làm như vậy. Với chiến thuật gia người Nhật Bản, giao hữu và đấu tập là cơ hội để thử nghiệm các chiến thuật ứng với từng đối thủ khác nhau.
Với ông Miura, khái niệm “11 cái tên xuất sắc nhất” không hề tồn tại. 23 cầu thủ của đội tuyển đều là 23 cái tên cần thiết, mỗi người đóng một vai trò khác nhau trong thành công của đội bóng. Dù là dự bị hay chính thức, họ đều có nhiệm vụ riêng không thể thay thế.
Bằng chứng là sau ba trận vòng loại giải U23 châu Á 2016, chúng ta sững sờ nhận ra những đội hình ấy đều đã được ông Miura ứng dụng trong loạt trận giao hữu.
Đội hình ra sân trước Malaysia từng được sử dụng khi tiếp Indonesia (9/3), đội hình ra sân trước Macau được dùng khi đá với Hà Nội T&T (5/3), sơ đồ năm hậu vệ trước Nhật Bản đã dùng khi gặp Đồng Nai (17/3).
Thông qua tập luyện, ông Miura đã sớm xác định trình độ và kỹ năng của từng cầu thủ.
Giao hữu không phải nhằm mục đích tìm ra những người giỏi nhất, giao hữu là để tìm ra cách sắp xếp tốt nhất những tuyển thủ cho từng mục đích chiến thuật khác nhau: phòng ngự phản công trước Malaysia, tấn công trước Macau, phòng ngự triệt để trước Nhật Bản.
Công Phượng và Tuấn Anh cũng từng phải dự bị khi không phù hợp với chiến thuật. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)
Cách làm của ông Miura là hoàn toàn khác so với các đời huấn luyện viên tiền nhiệm vốn luôn đóng khung đội tuyển với những con người quen thuộc và hiếm khi thay đổi chiến thuật tương ứng với đối thủ.
Nhờ có phương pháp ấy, không có ai ở U23 Việt Nam cảm thấy họ là người thừa. Không khí cạnh tranh luôn được duy trì. Những cầu thủ dự bị nhiều nhất cũng luôn nỗ lực vì họ biết cơ hội nhất định sẽ tới.
Trong hệ thống của ông Miura, tài năng cá nhân là yếu tố rất quan trọng. Nhưng sự phù hợp với tập thể còn quan trọng hơn. Hãy nhìn trường hợp của tiền vệ Tuấn Anh - người đã phải ngồi dự bị vì không phù hợp với lối chơi chung, để làm ví dụ.
Một bằng chứng rõ ràng hơn cho triết lý ấy là trường hợp của tiền đạo Lê Thanh Bình. Trước Malaysia và Nhật Bản, đối mặt với các hàng thủ cứng cựa, khi đội bóng cần những cầu thủ tấn công tốc độ, Thanh Bình bị loại ra.
Nhưng khi gặp Macau, với nhiệm vụ phải ghi nhiều bàn thắng, cầu thủ đá cắm to cao, chơi đầu giỏi của Thanh Hóa lập tức được tung vào sân và đã lập hat-trick.
Sự thay đổi liên tục về chiến thuật để thích nghi với từng đối thủ khác nhau là điểm mạnh của ông Miura. Nó càng được thể hiện rõ ràng hơn hơn trong bối cảnh đội Olympic Việt Nam dự vòng loại U23 châu Á đang có nhiều chấn thương và khan hiếm tài năng.
Rất nhiều chuyên gia cũng như người hâm mộ đều thừa nhận, đã rất lâu rồi, đội tuyển Việt Nam mới được dẫn dắt bởi một chiến lược gia tài năng như thế.