“Cứng” hơn thầy Tô
Sau triều đại H.Calisto, HLV Toshiya Miura là vị thuyền trưởng có vóc dáng bề ngoài nhỏ nhẹ nhất. Ông thầy người Nhật trẻ hơn cái tuổi U60 của mình, nhưng nhỏ nhẹ và có dáng vóc như thầy giáo gõ đầu trẻ hơn là chiến thuật gia bóng đá. Nó khác với khuôn mặt cực kỳ đẹp trai, nam tính của Falko Goetz, hoặc “bụi bụi”, sương gió của người làm chuyên môn như Phan Thanh Hùng.
Cái “tướng” nhỏ nhẹ ấy khiến nhiều người hoài nghi về khả năng vực dậy đội tuyển Việt Nam (lẫn Olympic Việt Nam) khi ông Miura được VFF chọn mặt gửi vàng. Bởi sau thời Calisto, mấy đời thuyền trưởng dường như luôn gặp vấn đề trong cách quản quân, trị quân. Cho nên, một người có tướng nhỏ nhẹ, thậm chí mềm yếu, như ông Miura có vẻ khó hạp với chiếc ghế nóng giãy như vậy.
Sự thật là ông Miura khiến tất cả đều phải “bổ ngửa” vì cái chất ẩn mình trong dáng vóc mềm yếu bên ngoài. Chỉ một thời gian ngắn ngủi làm việc, học trò của HLV này đều quả quyết rằng, ông thầy người Nhật này rất “cứng”. Thậm chí so với phù thủy Calisto, “thầy giáo” Miura còn cứng gấp bội. Bằng chứng là ông làm học trò mắt tròn mắt dẹt trong bài chạy marathon đường trường ngày tuyển Việt Nam tập buổi đầu tiên. Thời ông Calisto, nhà cầm quân người Bồ từng phạt học trò chạy bền không giới hạn, nhưng chưa bao giờ, vị phù thủy này đọ sức cùng học trò.
Có vài chi tiết khác minh chứng cho độ “cứng” của ông Miura. Số là ông muốn học trò ngâm đá lạnh sau mỗi buổi tập nặng để hồi phục. Tuy nhiên, trong ngày đầu tiên áp dụng, nhiều học trò của ông thầy người Nhật muốn bỏ qua bài tập này, nhưng lập tức nhận được chỉ lệnh của ông Miura: “Ngâm đá hoặc… về luôn nhà”. Ông cũng có những quy tắc bất di bất dịch: bữa ăn, cuộc họp không tiếng điện thoại nên tuyển Việt Nam hay Olympic Việt Nam, cứ đến giờ tập thể là điện thoại có đổ chuông ầm ĩ cũng không có câu trả lời.
Đường dài biết ngựa hay
Ông Miura lặng lẽ rèn giũa, dạy bài cho 2 đội tuyển. Ông thầy người Nhật không hề ca thán một từ, dù gần 1 tháng qua, ông vắt chân lên cổ khi cùng lúc đảm đương công việc của 2 đội tuyển. Ông Miura lý giải rằng, ông tự chấp nhận công việc bận rộn ấy vì quá “cuồng” bóng đá.
Thực tế là cả BHL đang làm rất nghiêm túc, cho những mục tiêu được xác định rõ ràng. Có lúc ông thầy người Nhật cũng khó chịu, bực mình khi 2 đội tuyển của ông bị cơn sốt U19 Việt Nam làm khó vì những so sánh. Tuy nhiên, ông vẫn gạt phắt để chứng tỏ bằng hiệu quả sân cỏ. Hai trận thắng dễ trước thềm Asian Games 2014 của tuyển Việt Nam không làm nhà cầm quân này vui, và cũng chưa có gì đảm bảo cho CĐV Việt Nam có thể tin tưởng. Nhưng đến cơn địa chấn, đánh bại Iran tại Asian Games 2014, những gì mà HLV Miura và học trò gặt hái không còn là bình thường. Đấy là một kỳ tích xứng đáng được thừa nhận, thay vì những giải đấu mời hay những trận giao hữu vô thưởng vô phạt.
HLV Miura đang đi đúng hướng. Thậm chí gọi ông Miura là “thang thuốc bổ” cho chiếc ghế HLV trưởng tuyển Việt Nam (Olympic Việt Nam) cũng chẳng sai, vì niềm tin đã ít nhiều được gây dựng. Chỉ có điều, ông còn cả chặng đường dài phía trước và trận thắng Iran ở Asian Games 2014, suy cho cùng cũng… không giá trị như chức vô địch AFF Cup 2014 mà ông và học trò phải chinh phục vào cuối năm nay.