Diệp Vấn & "bí chiêu" khiến Lý Tiểu Long thèm khát cả đời

Tiểu Mã |

Nhìn bề ngoài, "bí chiêu" này không có gì đặc sắc nhưng nhờ có nó, tên tuổi của Diệp Vấn đã vang danh khắp bốn phương.

Với đệ tử của Vịnh Xuân quyền, luyện tập với Mộc nhân là chuyện bắt buộc. Từ những cao thủ cho tới người mới nhập môn đều có thể từ đó lĩnh hội và sáng tạo các chiêu thức cho riêng mình.

Trong số đó, người được đánh giá là thành công nhất không ai khác ngoài Diệp Vấn.

“Bén duyên” với Mộc nhân trang

Năm 1949, do những biến động của thời cuộc nên Diệp Vấn phải rời xa quê hương Phật Sơn để đến với mảnh đất Hồng Kông với quyết tâm theo đuổi nghiệp võ..

Trước đó, mặc dù tập luyện Vịnh Xuân khá lâu nhưng ông chưa từng sở hữu một cây mộc nhân nào của riêng mình và càng không phải là một cao thủ với loại dụng cụ đặc biệt này.

Đến năm 1950, sau một thời gian làm quen với mảnh đất Hồng Kông, Diệp Vấn đã xây dựng được một nhóm các đệ tử và ông bắt đầu nghĩ tới việc cần đặt một Mộc nhân ở đây để họ có thể luyện tập nhanh tiến bộ.

Lúc đầu, Diệp sư phụ đã chỉ cho một số đệ tử về các bộ phận của Mộc nhân, nhưng do chưa có dụng cụ thật nên cách luyện này gọi là “dùng Mộc nhân không khí”.

Một ngày, Diệp Vấn có gặp một số người làm thợ mộc trong đó có người bạn tên Phong Thạch.

Cây Mộc nhân có vai trò lớn giúp Diệp Vấn trở thành Nhất đại tông sư.
Cây Mộc nhân có vai trò lớn giúp Diệp Vấn trở thành Nhất đại tông sư.

Ông giải thích những vấn đề cơ bản và bàn về việc muốn làm một Mộc nhân. Sau đó ông đã nhờ Phong Thạch nghiên cứu nghĩ ra cách lắp đặt một Mộc Nhân di động mà có thể sử dụng được trong nhà.

Cách làm mộc nhân thì có nhiều, nhưng Phong Thạch đã có một ý tưởng rất đơn giản và sáng tạo, không theo cách làm truyền thống (Mộc Nhân có chân đế).

Thay vào đó, ông đã treo Mộc Nhân lên một thanh gỗ mỏng được xiên qua thân của Mộc Nhân, thanh gỗ mỏng đó hoạt động như một cái lò xo. Mộc Nhân sẽ được di chuyển bằng các bộ phận nâng đỡ thân thể của nó (giá đỡ).

Loại Mộc nhân treo mới này rất khác biệt. Tất cả đều phụ thuộc vào vị trí và độ bền của các thanh gỗ.

Khi người tập tác động lực vào tay hoặc chân của Mộc nhân thì có một lực tác động vào lò xo làm cho nó bị quăng trở lại về phía trước dội ngược ra đằng sau một cách linh hoạt.

Sau khi có được cây Mộc nhân này, Diệp Vấn rất vừa ý và thích thú. Ông miệt mài tập luyện với dụng cụ này trong suốt hơn một năm.

Sáng tạo ra Mộc nhân Vịnh Xuân Hồng Kông

Một năm sau, sau khi nhận thấy cây Mộc nhân cũ vẫn chưa thực sự tối ưu, Diệp Vấn cùng Phong Thạch lại cùng nhau nghiên cứu điều chỉnh để sáng tạo ra một loại công cụ mới có hiệu quả cao hơn.

Sau 3 ngày nghiên cứu, hai người đã thống nhất sáng tạo ra một loại Mộc nhân mới, trở thành tiêu biểu của Mộc nhân phái Vịnh Xuân quyền Hồng Kông.

Cây Mộc nhân này không có những cánh tay rất dày đặt lệch nhau giống như các Mộc nhân cổ, mà chỉ có 2 cánh tay ngang tầm với vai của người dùng và có một tay thứ 3 nằm chính giữa, ngang phần trung đẳng của người tập.

Về sau, cây mộc nhân này được Diệp Vấn luyện tập và dùng để dạy các đệ tử đến những năm tháng cuối cùng của nghiệp võ, trước khi ông qua đời vào năm 1972.

Ngày nay, nhiều môn võ tập thường xuyên tập luyện với cây Thiết Mộc nhân.
Ngày nay, nhiều môn võ tập thường xuyên tập luyện với cây Thiết Mộc nhân.

Tuyệt kỹ Mộc nhân trang và sự “thèm khát” của Lý Tiểu Long

Khoảng năm 13 tuổi, Lý Tiểu Long đã đến xin học Vịnh Xuân quyền với Diệp Vấn.

Vốn là người có năng khiếu võ thuật lại siêng năng tập luyện, Lý tiến bộ rất nhanh, nhưng được vài năm do gặp rắc rối tại quê nhà nên đã phải sang Mỹ và không thể học hết được bài bản Vịnh Xuân quyền.

Cũng vào thời đó, Diệp sư phụ đã sáng tạo ra tuyệt kỹ “Mộc nhân trang” (Đả Mộc nhân) ở mức độ thượng thừa. Tuyệt kỹ này bao gồm 118 chiêu thức phòng thủ phản công, được đánh giá là cực kỳ lợi hại trong thực chiến.

Nên sau khi gây dựng được tiếng tăm tại Mỹ, Lý Tiểu Long có về Hồng Kông thăm sư phụ mong muốn được học hết tuyệt kỹ này.

Thậm chí, Lý Tiểu Long đã đề nghị dùng một tòa nhà hạng sang để quay phim lại bài Mộc nhân trang do Diệp sư phụ thị phạm.

Tuy nhiên sau đó Diệp Vấn đã lắc đầu, nói rằng chỉ cần người cầu học có lòng thì ông đem hết sức ra để truyền thụ, tuyệt đối không sử dụng công phu làm thương phẩm.

Lý Tiểu Long cũng thường xuyên luyện võ với cây Mộc nhân trang.
Lý Tiểu Long cũng thường xuyên luyện võ với cây Mộc nhân trang.

Hành động của sư phụ khiến Lý Tiểu Long rất cảm kích, nên anh càng thêm quyết tâm chăm chỉ luyện tập để sư phụ truyền dạy hết những tuyệt kỹ cho mình.

Trong suốt cuộc đời võ học của mình, "Rồng nhỏ" luôn lấy Vịnh Xuân quyền làm căn bản. Khi sáng tạo Triệt quyền đạo, anh cũng đưa vào đó nhiều tư tưởng được Diệp Vấn truyền dạy.

Nhờ có Diệp Vấn, Mộc nhân Vịnh Xuân Hồng Kông không chỉ phổ biến ở ở Trung Hoa, với riêng môn phái Vịnh Xuân mà nó đã có ảnh hưởng lớn tới nhiều môn phái khác.

Ngày nay, mô hình Mộc nhân này đã xuất hiện ở nhiều đất nước Âu Mỹ – thậm chí cả trong phòng tập của Anderson Silva, một võ sĩ MMA nổi tiếng tại Brazil và cũng là một huyền thoại của giải UFC.

Ở nước ta, rất nhiều môn võ ngoài chi phái Vịnh Xuân Việt Nam cũng đều sử dụng mô hình Mộc nhân của Diệp Vấn để tập luyện.

Không chỉ các môn võ cổ truyền mà nhiều võ sinh của các môn võ hiện đại như Karate, Taekwondo, Vovinam… cũng rất thích luyện tập cùng với Mộc nhân.

Xem Diệp Vấn luyện võ cùng Mộc Nhân trang:

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại