Quên SEA Games đi!

Đức Phan |

Chiến thắng của U23 Myanmar trước U23 Việt Nam quả thật mang rất nhiều dấu ấn may mắn. Thế nhưng, trên tất cả lỗi lớn nhất vẫn thuộc về chúng ta, chứ không phải thượng đế.

Sau khi vị trọng tài người Saudi Arabia nổi hồi còi kết thúc trận đấu, camera đã bắt được hình ảnh HLV Miura ngồi yên bất động trên băng ghế huấn luyện với cái nhìn thất thần.

Còn đội trưởng Quế Ngọc Hải thì nằm gục trên sân, thậm chí phải nhờ đến các đồng đội ra nâng dậy, đồng thời tát nhẹ vào mặt, trung vệ thép của đội tuyển U23 mới có đứng lên. Trong khi đó, Mạc Hồng Quân cũng chỉ biết trùm áo qua đầu khóc.

Những thước phim ấy đã cho thấy không chỉ những cầu thủ U23 – những người có dòng máu Việt Nam chảy trong huyết quản đau xót như thế nào, mà ngay cả ông thầy của họ, HLV Miura cũng rất buồn và thất vọng.

Và nỗi buồn vô bờ ấy cũng thể hiện thầy trò HLV Miura đã chịu sự kì vọng cũng như áp lực rất lớn ở giải đấu này.

Ở khía cạnh nào đó, đây chính là thứ đã “giết chết” đội bóng của chúng ta. Rõ ràng, đội tuyển U23 Việt Nam đã có một trận đấu chấp nhận được về mặt chuyên môn. Công Phượng và các đồng đội đã tạo ra không ít cơ hội.

Chỉ có điều những tình huống cuối cùng thì chúng ta lại không đủ sự tinh tế cũng như sắc lẹm để giải quyết trận đấu.

Nguyên nhân của chuyện này một phần nằm ở kỹ năng dứt điểm của các tuyển thủ U23 Việt Nam (như HLV Miura đã thừa nhận). Nhưng chắc chắn bên cạnh đó còn có sự đóng góp không nhỏ từ tâm lý căng cứng của các cầu thủ.

Chính HLV Miura cũng không thực sự có được sự tỉnh táo ở trận đấu này. Ông phản ứng khá chậm với diễn biến trận đấu.

HLV Miura cũng không thật sự tỉnh táo.

HLV Miura cũng không thật sự tỉnh táo.

Tuy đã có những điều chỉnh về nhân sự, nhưng cách chơi của U23 Việt Nam từ đầu đến cuối hoàn toàn không có sự thay đổi về nhịp điệu, cách tiếp cận cầu môn hay giải quyết tình thế. Những sự thay người của ông thầy người Nhật cũng không hẳn sáng suốt.

Ví dụ như việc ông để cho Ngọc Thắng vốn gặp vấn đề về tâm lý rất rõ sau sai lầm dẫn đến bàn mở tỉ số chơi cả trận. Hoặc như đặt Công Phượng – một cầu thủ có khả năng tạo đột biến quá xa cầu môn của đối phương.

Có thể nói rằng, HLV Miura cũng đã ít nhiều gặp vấn đề về tâm lý.

Việc cả HLV Miura và các học trò đều không giữ được cái đầu lạnh cũng bắt nguồn từ nỗi ám ảnh SEA Games của chúng ta. Chúng ta vẫn đang dành cho sân chơi này một vị thế quá quan trọng.

Đến mức giải đấu tại Singapore này được mặc định là cái đích là thước đo thành công của bóng đá Việt Nam, của HLV Miura trong năm 2015 này.

Ngay cả ĐTQG và vòng loại World Cup (kiêm luôn vòng loại Asian Cup) cũng bị đặt xuống dưới những người đàn em ở đội tuyển U23 và Sea Games. Tất nhiên, đây là một quan điểm sai lầm. Vì chỉ có ĐTQG mới thực sự là bộ mặt của cả nền bóng đá.

Thành tích của các lứa U chỉ có giá trị tham khảo không hơn không kém. Việc chạy theo thành tích của đội U23 vốn là một cách làm ngược, không đảm bảo sự phát triển.

Điều nguy hiểm hơn là nếu cứ để chiếc HCV SEA Games ám ảnh thì bóng đá Việt Nam sẽ rất khó vượt qua khỏi cái ngưỡng này. Ngược lại, rất có thể nó còn khiến chúng ta còn phải thất vọng nhiều lần nữa.

Đơn giản bởi khi chúng ta coi đấy là mục tiêu bắt buộc phải đạt được thì nó chỉ khiến những người trong cuộc trở nên căng thẳng, bị bóp nghẹt bởi sức ép (nhất là khi sức mạnh không vượt trội so với các đối thủ).

Môn bơi lội và Ánh Viên là bài học cho bóng đá Việt Nam.

Môn bơi lội và Ánh Viên là bài học cho bóng đá Việt Nam.

Những gì bóng đá Việt Nam đang xảy ra đang khá tương tự như môn bơi lội. Bơi lội Việt Nam cũng từng phải chờ gần nửa thế kỷ mới có được tấm HCV ở sân chơi khu vực (khi Nguyễn Hữu Việt đoạt HCV 100m ếch ở SEA Games 2005).

Và sau khi xóa cái dớp đè nặng ấy, chúng ta đã đều đặn liên tục có thêm những tấm HCV, mà đỉnh cao chính là thành công của Ánh Viên trên đất Singapore lần này.

Bóng đá Việt Nam có lẽ cũng cần một sự xóa dớp như thế. Và nếu chưa thể giải tỏa bằng thành tích thực sự trên sân cỏ, thì chúng ta nên tự giải tỏa từ tư duy. Hãy cứ đến SEA Games bằng một tâm lý thoải mái nhất, thay vì buộc phải thỏa giấc mơ vàng.

Nhất là khi chiếc HCV SEA Games cũng chẳng phải là tất cả, nó vốn không phải là cột mốc đánh dấu sự phát triển của cả nền bóng đá. Nên nhớ rằng, người Brazil đâu cần HCV Olympics để trở thành nền bóng đá số 1 thế giới!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại